Bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và diện mạo
Tin tức - Ngày đăng : 10:47, 02/08/2018
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội
Bước chuyển mạnh mẽ
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH/12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất diễn ra sáng 28/7/2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội đã trở thành một dấu mốc quan trọng, trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Quyết định đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội vào thời điểm đó, đã tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội hôm nay, tạo thế và lực cho Thủ đô của nước ta, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, TP. Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo, tiếp tục giữ vị trí là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,41%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (3.910 USD/người), gấp 2,3 lần năm 2008 (1.697 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư mạnh mẽ. Không gian kinh tế được mở rộng phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Hệ thống y tế phát triển đồng bộ. Giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng giữ vững. Bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. Nhiều giá trị văn hóa đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác, nhiều di sản văn hóa đã được tổ chức UNESCO vinh danh. Tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa đạt 70,5%, Làng văn hóa đạt 60%, Gia đình văn hóa đạt 86,5%.
Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Bộ mặt nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Đến nay, Hà Nội đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 294/386 xã (chiếm 76,17%) đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống điện lưới Quốc gia được phủ khắp các địa bàn, đảm bảo phục vụ nhu cầu điện sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2008 - 2017 đạt 88.647 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập đến nay đạt 43,1 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2008. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, được triển khai tích cực, diện mạo Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại từng bước trở thành hiện thực…
“Nhìn lại bức tranh 10 năm sau hợp nhất, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô tự hào, phấn khởi trước những thành quả bước đầu đã đổi thay toàn diện, sâu sắc, dần có tính bền vững trên các lĩnh vực. Những thành tựu đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ; vào sự tổ chức, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, các ngành của thành phố, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ trong những năm tới.” - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định.
Chủ động phát huy lợi thế
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: “Kỷ niệm 10 năm sự kiện lịch sử trọng đại trên là một thời điểm quan trọng không chỉ để cả hệ thống chính trị của thành phố cùng nhau nghiêm túc tổng kết toàn diện, sâu sắc những thành tựu to lớn mà nhờ sự nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ nhân dân Thủ đô đã đạt được trên mọi mặt, khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử to lớn của các quyết sách chiến lược nói trên của Trung ương mà còn là cơ hội đánh giá những hạn chế, tồn tại, các nguyên nhân, các bài học kinh nghiệm cần rút ra trên chặng đường 10 năm qua để từ đó tiếp tục mạnh mẽ hướng tới tương lai, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại.”
Những hạn chế, tồn tại trong chặng đường 10 năm qua cũng đã được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thẳng thắn chỉ rõ. Đó là: Kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao; Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu; Chất lượng tăng trưởng, chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh còn thấp; Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông, còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, công tác lập quy hoạch còn chậm, nhiều bất cập; Công tác cải tạo các khu chung cư cũ còn chậm; Hạ tầng đô thị, khắc phục úng ngập, ùn tắc giao thông, kiểm soát và xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường chưa tốt. Phát triển văn hóa - xã hội còn chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn. Sản phẩm du lịch chưa được đầu tư đúng mức, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô. Công tác giáo dục - đào tạo còn một số mặt chuyển biến chậm; Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn…
Những hạn chế này cũng chính là những thách thức đòi hỏi cần phải được nhanh chóng sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gợi mở: Để tiếp tục xây dựng và phát triển Thủ đô, TP. Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp của thành phố; Tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững; Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển; Quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; Bảo đảm an sinh và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
“Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, kinh tế, xã hội, khoa học, giáo dục… Việc xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại là vinh dự và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của Trung ương và cả nước nên thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc phát huy lợi thế của mình kết hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.