Văn hóa xứ Đoài - văn hóa Tràng An: Sự giao lưu và tiếp biến
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:11, 03/08/2018
PV: Ông có thể điểm xuyết những yếu tố cơ bản để nhận diện văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long – Hà Nội?
Ông Trần Xuân Hà: Xứ Đoài là vùng đất bán sơn địa cổ phía Tây kinh thành Thăng Long. Xứ Đoài cùng với Kinh Bắc, Sơn Nam và Hải Đông thường được nhắc tới như những tiểu vùng văn hóa đặc thù trong một tổng thể thống nhất của văn hóa châu thổ Bắc Bộ. Lời bài hát "Hà Tây quê lụa" của nhạc sĩ Nhật Lai có câu: "Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh, trời đất Hà Tây tay em dệt lụa…". Những lời ca ngọt ngào ấy khiến ai nghe cũng bồi hồi nhớ về quê lụa - mảnh đất xứ Đoài – một thời là cửa ngõ Thủ đô. Có thể khẳng định, khi nghĩ về văn hóa xứ Đoài là nhắc đến các lễ hội, phong tục tập quán cổ, như: Hội chùa Hương, hội chùa Thầy, lễ hội chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê, chùa Đậu, hội làng nón Chuông… Xứ Đoài có núi Tản, sông Đà với thần Tản Viên đứng đầu trong Tứ bất tử của người dân Việt, gắn liền với huyền tích Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra người Việt.
Nơi đây được mệnh danh là mảnh đất thiêng trăm nghề với những địa danh nổi tiếng như: lụa Vạn Phúc, the lĩnh La Khê, tiện gỗ Nhị Khê, nề mộc làng Chàng...; Bên cạnh đó xứ Đoài còn là quê hương, nơi có những miền quê yên bình là môi trường diễn xướng sinh ra bao làn điệu dân ca độc đáo đậm chất nhân văn như hát rô ở Quốc Oai, hát Chèo Tàu ở Đan Phượng, trống quân ở Thường Tín, phường rối Tế Tiêu, Thạch Xá, Chàng Sơn,... Nơi đây không chỉ có Đường Lâm mà còn có hai làng cổ trứ danh khác là làng Cựu (huyện Phú Xuyên) và làng Cự Đà (huyện Thanh Oai) tạo ra bộ ba làng cổ đặc sắc đậm chất xứ Đoài… Xứ Đoài cũng là quê hương của nhiều danh nhân từ Hai Bà Trưng đến Phùng Hưng, Ngô Quyền, từ Lý Phục Man tiếp đến Giang Văn Minh, Phùng Khắc Khoan, Phan Huy Chú, từ Tản Đà đến Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Tô Hoài…
Văn hóa Thăng Long được thể hiện rõ nét ở cách ứng xử hào hoa, cách ăn nói chuẩn mực, nếp sống thanh lịch văn minh; thú chơi tao nhã, cầu kỳ của người Hà Nội. Và, tuy là kinh đô, là đô thị lớn nhất của cả nước nhưng vẫn còn “kẻ quê” nằm trong “kẻ Chợ”, những “kẻ Mơ”, “kẻ Láng”, “kẻ Mọc”… vẫn tồn tại cho đến hôm nay và gắn với mỗi “kẻ” là những tục lệ, hương ước riêng, tiêu biểu và đặc trưng cho mỗi nơi.
Song song với văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể trên đất Thăng Long - Hà Nội cũng vô cùng nhiều, từ kiến trúc Phật giáo, kiến trúc dân gian, rồi kiến trúc Pháp thể hiện rõ ở các công trình đình, đền, chùa, miếu và các công trình nhà ở nằm rải rác tại các quận, huyện trong thành phố, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm với hơn 100 di tích.
Ông Trần Xuân Hà - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
PV: Nhưng khi Hà Nội mở rộng, nhiều người lo lắng văn hóa xứ Đoài sẽ bị lấn át, thậm chí là "tan chảy" trong văn hóa Thăng Long - Tràng An. Ông đánh giá thế nào về quan điểm ấy?
Ông Trần Xuân Hà: Việc mở rộng địa giới hành chính cũng có nghĩa mở rộng nền văn hóa. Phải nói rằng, khi Hà Nội mở rộng đã có sự giao thoa giữa văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long. Đời sống văn hóa tinh thần của khu vực Hà Nội mở rộng, nhất là với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có bước chuyển biến rõ rệt sau 10 năm hợp nhất. Hai miền văn hóa đó đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần bồi đắp tạo nên sự phong phú cho văn hóa Thủ đô.
Sức lan tỏa và sự giao thoa của hai dòng văn hóa như những mạch ngầm lúc âm ỉ, khi ào ạt chảy, quyện vào nhau, nâng đỡ nhau, giúp nhau hội tụ và tỏa sáng. Tôi lấy ví dụ: Trong một số sự kiện diễn ra ở Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội có khi phường rối nước Chàng Sơn và Thạch Xá ở Thạch Thất, phường rối nước Đào Thục ở Đông Anh, Nhà hát Múa rối Thăng Long họ vẫn phối hợp với nhau cùng biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước được tốt hơn chứ ở đây không hề có sự “tan chảy”, phủ định lẫn nhau.
Mặc dù Hà Nội là mảnh đất đông vui náo nhiệt với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhưng, trong mỗi lễ hội ở Hà Nội hay những dịp Thủ đô diễn ra các kỳ cuộc lớn chúng ta vẫn thấy bóng dáng nghệ nhân làm tò he ở Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên đều đặn có mặt miệt mài thể hiện tài năng… Thậm chí trong những điểm tham quan du lịch ở trung tâm Hà Nội ngày càng có nhiều nghệ nhân đến biểu diễn, sản phẩm làng nghề của xứ Đoài được trưng bày giới thiệu ở nhiều nơi. Như vậy, chúng ta thấy rằng chính việc hợp nhất về địa giới hành chính đã tạo điều kiện để văn hóa xứ Đoài có môi trường mới phát huy cao độ giá trị. 10 năm chưa phải dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại và khẳng định, đã có một khu vực văn hóa Hà Nội dần hình thành mang bản sắc riêng từ sự thống nhất, dung hòa giữa hai vùng văn hóa truyền thống. Văn hóa xứ Đoài đã giao lưu với văn hóa Thăng Long ngàn năm văn hiến chứ không hề có sự chiếm lĩnh lẫn nhau.
PV: Theo ông, điểm cốt lõi nào khiến cho văn hóa xứ Đoài sẽ tiếp tục được chọn lọc và phát triển trong văn hóa Hà Nội hiện nay và tương lai?
Ông Trần Xuân Hà: Theo tôi, có nhiều yếu tố để phân tích. Nhưng có đặc điểm quan trọng nhất trong hai dòng văn hóa này đó là điểm chung về tín ngưỡng. Từ xa xưa, cả hai miền văn hóa đều được nuôi dưỡng bởi những lễ hội truyền thống. Văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài có cùng một gốc văn hóa tâm linh đậm tinh thần Phật giáo. Ví dụ như văn hóa Thăng Long khởi nguồn từ một kinh đô Phật giáo và trải qua các triều đại tinh thần Phật giáo. Đặc điểm này vẫn luôn luôn hiện diện trong các công trình xây dựng kiến trúc như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc,… Và thậm chí còn bộc lộ trong suy nghĩ và ứng xử tao nhã lịch lãm của người Hà Nội. Trong khi vùng văn hóa xứ Đoài cũng là miền đất của Phật. Bởi vì ai cũng biết nơi đây có số lượng các chùa vào loại nhiều nhất trong cả nước với những di tích vang danh như chùa Đậu, chùa Thầy, chùa Mía, chùa Hương, chùa Tây Phương…
Hơn nữa, về sâu thẳm mà nói, từ khởi thủy, ngay bản thân văn hóa xứ Đoài cũng đã tiềm tàng văn hóa Thăng Long trong mình và ngược lại. Tôi lấy ví dụ thế này: Ở xứ Đoài có trăm nghề với những nghệ nhân nức danh, họ thường xuyên di chuyển ra kinh đô để làm ăn, hành nghề. Những nghệ nhân làm ra công trình văn hóa ở chùa Hương, chùa Thầy… cũng chính là người đã ra Hà Nội làm những ngôi chùa của Hà Nội… Mặt khác, những người tài năng sinh ra ở xứ Đoài như Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Nhậm, Tô Hoài… họ cũng ra kinh kỳ học tập và sinh sống, nghiên cứu… tất cả việc đó có nghĩa là những người xứ Đoài cũng đã góp phần tạo lên văn hóa Thăng Long ngày nay. Đấy chính là những cơ sở quan trọng để chúng ta thấy rằng, văn hóa xứ Đoài đã, đang và sẽ tiếp tục được kế thừa, chọn lọc và phát triển trong vùng văn hóa Thăng Long.
PV: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật 10 năm qua kể từ khi Hà Nội của chúng ta được mở rộng?
Ông Trần Xuân Hà: Có thể nói trong 10 năm nay, Hà Nội đã thực hiện thành công Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (tiền thân là: Nếp sống văn minh – gia đình văn hóa” và “toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”) đã thu hút toàn xã hội tham gia. Các mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa tổ dân phố và đơn vị văn hóa tiếp tục phát huy vai trò tích cực.
Những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm lịch sử văn hiến anh hùng - hòa bình và hữu nghị cùng với tinh hoa văn hóa xứ Đoài được tôn vinh. Nhiều công trình văn hóa, thể thao lớn đã hoàn thành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc tổ chức cưới, lễ tang theo tinh thần lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn thuần phong mỹ tục trong giao tiếp cộng đồng được đề cao.
Bên cạnh đó, danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” là hình thức biểu dương, khen thưởng cao quý của Thành phố Hà Nội hàng năm tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, trao tặng cho các cá nhân đang sinh sống, lao động, học tập, công tác ở Hà Nội đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đóng góp đặc biệt cho Thủ đô.
Từ ngày Hà Nội mở rộng đến nay, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, quần chúng phát triển cả về số lượng, chất lượng, gắn các lễ hội diễn ra sôi nổi và rộng khắp. Thành phố luôn quan tâm dành những điều kiện tốt nhất để phát triển văn học nghệ thuật. Giải thưởng Thăng Long của thành phố là một giải thưởng lớn, biểu dương, tôn vinh kịp thời các giá trị văn học nghệ thuật của Hà Nội. Nhiều giá trị văn hóa của Hà Nội đã được phục dựng tôn tạo và đưa vào khai thác. Một số di sản đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa quốc gia như: Khu trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, 82 bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu là di sản tư liệu thế giới, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
PV: Trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước và Thủ đô tiếp tục có những thuận lợi khó khăn, thách thức đan xen, ông có thể cho biết những định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của thành phố trong công tác quản lý và phát huy những giá trị văn hóa của Hà Nội trong thời gian tới?
Ông Trần Xuân Hà: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận, từ đó thúc đẩy quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn học nghệ thuật, đồng thời quảng bá mạnh mẽ giá trị văn hóa Thủ đô. Xu thế tốc độ phát triển công nghiệp văn hóa đã và đang dần trở thành nhận thức chung của nhiều quốc gia… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu đối với công nghệ mới đặc biệt vấn đề bản quyền sẽ là yếu tố quyết định giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, việc ưu tiên phát triển ngành công nghiệp văn hóa cũng sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội. Xây dựng thương hiệu để Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” của cả nước, hướng đến trung tâm sáng tạo của khu vực…
Để làm được việc đó, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chương trình công tác của thành phố về văn hóa, văn học nghệ thuật… Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển; đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!