Thị xã Sơn Tây - Nguồn cảm hứng sâu xa và dạt dào của thơ
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 19:50, 04/08/2018
Xứ Đoài là một vùng đất cổ, một vùng văn hóa cổ đã từng đi vào thơ Việt Nam từ xưa đến nay. Trong các bài thơ về xứ Đoài, thường có ít nhất một câu viết về thị xã Sơn Tây. Thị xã Sơn Tây là một trung tâm của xứ Đoài và mang nhiều dấu ấn của vùng đất cổ ấy. Trong bài viết này, tôi muốn nói riêng dòng thơ về thị xã Sơn Tây, vì trước mắt tôi là bản thảo một tuyển tập thơ chuyên đề: Thơ về thị xã Sơn Tây với hơn năm chục bài được chọn từ thơ của hàng trăm nhà thơ trong cả nước. Sự tuyển chọn chắc chưa đầy đủ nh
Giếng cổ ở Đường Lâm
Sơn Tây là đất địa linh nhân kiệt, tiêu biểu cho truyền thống anh hùng của dân tộc, nên Sơn Tây không chỉ là quê hương của hai vị anh hùng Phùng Hưng và Ngô Quyền mà còn là quê hương của bà Man Thiện, thân sinh ra 2 nữ anh hùng mở đầu lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc ta là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Sơn Tây cũng là quê hương của sứ giả anh hùng Giang Văn Minh, người đã ném trả lại cái nhục vào mặt kẻ ngạo cuồng bằng câu đối bất hủ: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng". Nhiều bài thơ về xứ Đoài đã nói lên niềm tự hào đó.
Mở đầu tuyển tập, ta không lấy làm lạ khi được gặp Quang Dũng, người đất Phùng (Đan Phượng) - tác giả của bài thơ nổi tiếng Tây Tiến và Đôi mắt người Sơn Tây. Bài thơ nói về nỗi đau của người dân Việt qua nỗi đau của người Sơn Tây trong chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp lưu lạc, cách chia, tang tóc. Tác giả đã truyền được nỗi buồn đau của các nhân vật trữ tình vào tâm hồn người đọc. Sức cuốn hút của bài thơ còn ở những hình ảnh tươi đẹp thân thương của quê hương được gợi lên trong thương nhớ và nhất là tình cảm của tác giả đối với người con gái quê hương mang vẻ đẹp rất đặc trưng (Sơn Tây) với nỗi buồn u uẩn và sự sẻ chia sâu sắc cùng cả niềm hy vọng pha chút luyến tiếc riêng tư. Bài thơ có những câu đã in vào trí nhớ người đọc như ký ức về quê hương Sơn Tây và người Sơn Tây như: "Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì", "Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương", "Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm", "Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ… Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc".
Thành cổ Sơn Tây.
Những bài thơ trong tập mỗi bài ghi một số nét đẹp, nét đặc trưng về thị xã Sơn Tây, song có lẽ bài thơ mang đậm hồn thị xã Sơn Tây nhất và cũng mang hồn của tác giả vào nhiều nhất, đó là bài Thị xã Sơn Tây của Khuất Bình Nguyên. Thị xã cũ đầy ắp dấu ấn của thời gian càng trở nên ấn tượng, gợi hoài niệm và khi trở về thăm thì lại ngỡ như gặp lại tuổi hoa niên của mình. Một xứ sở cổ kính với thành cổ pháo đài rêu phủ; thân thương, nồng ấm với "Lá bàng chiều đông cháy đỏ" và đẹp như huyền thoại với bờ sông cổ tích. Và đặc biệt là con người - những người con gái tóc dài bên khung cửi dệt những sợi tơ tằm vàng óng. Tất cả những cái đó đã làm nên tuổi thơ, làm nên tâm hồn con người biết quý từng tiếng chuông nhà thờ mà âm thanh quyện tròn với lá và từng bước đi quanh hào nước…
Gây ấn tượng với tôi nhất là chùm thơ của Khải Hưng, người con của Đường Lâm. Anh viết một loạt bài: Làng cổ, Hội Đền Và, Trước lăng Ngô Quyền, Thành phố dưới chân non Tản, Bước nhẹ ở Đường Lâm, Thị xã tôi yêu… trong các tập thơ Lời ru đêm, Tiếng chim gọi sáng, Hoa chiêng chiếng… Là người con của làng cổ Đường Lâm, lại từng đi chiến đấu bị thương trở về nên khó có ai viết cụ thể hơn, sinh động hơn Khải Hưng về quê hương Đường Lâm: "Mẹ tầm tầm áo gụ dáng còng lưng/ Miệng bỏm bẻm nhai trầu môi thắm đỏ/ Hội làng mở nhà nhà dâng cúng cỗ/ Cha áo the khăn gỗ cúng gia tiên/ Ánh trăng soi bức dại đứng trước hiên/ Nhà gỗ dựng năm hàng chân cột vững/ Gót in ngõ như gà so đẻ trứng/ Những quả hồng như sao mắc trên cây" (Làng cổ), "Em có thấy thời gian lên tiếng/ Mái nhà xưa ngói xếp vẩy rồng/ Cổng then quay êm đềm đóng mở/ Vại tương cà giữ nếp thuần phong/ Dãy đồi xếp như đàn ngựa chiến/ Thắng yên cương tung vó vượt đèo/ Rặng duối cờ có đàn voi đứng/ Gió rì rào như tiếng quân reo/ Nghe vang vọng hồi chuông chùa Mía/ Ngày lắng dần theo nhịp thu không/ Đao đình cổ cong cong huyền diệu/ Tháo vầng trăng xuống thắp đèn lồng" (Bước nhẹ ở Đường Lâm). Chùa Mía - ngôi chùa nổi tiếng với tượng các vị La Hán đã in vào anh cùng với suy ngẫm sâu sắc, đa chiều về cuộc đời: "Nhân gian có gì nghiêng ngửa/ Cau mày La Hán đôi bên/ Có phải đời là bể khổ/ Tuyết Sơn khép mắt ngồi thiền/ Thành tâm một nén dâng lên/ Di Lặc Phật cười ngây ngất/ Ta như gặp được nhân duyên/ Nhẹ nhõm đứng trong trời đất". Nhưng cuối cùng, cái quan trọng nhất, tâm đắc nhất là: “Chùa Mía quanh năm lễ Phật/ Người đi say hẹn, say mời/ Yêu nhau lòng ta cho thật/ Mới thành quả phúc người ơi" (Chùa Mía).
Một nhà thơ nữa cũng viết nhiều về thị xã Sơn Tây, đó là Vũ Đình Tuệ. Trong thơ ông, xưa và nay thường đồng hiện và hòa quyện: "Trăng mây mờ tỏ thần làng cổ/ Bạch Đằng xưa nhắc nhở bao điều" (Lăng Ngô Quyền). "Hổ linh xưa vọng vang ấp cũ/ Dấu cũ rừng xanh nay ở nơi đâu?" (Đền Phùng Hưng). "Ngậy nồng đá ong thơm ấm tổ/ Đọng giấc ca ru ngọt nắng mưa" (Đường Lâm), "Thần công giờ lặng lẽ/ Lim dim bên thành mơ/ Xem người vào lối cổ Trong ngàn xanh hồn thơ".
Đi trong phố cũ, thành xưa, những người thị xã Sơn Tây vẫn hướng về hôm nay, về ngày mai nhiều hơn. Đó cũng là quy luật của cuộc sống, nhất là cuộc sống đang phát triển, đang đi lên. Cô giáo, nhà thơ Chu Thị Linh Quang trong Đi trong trăng thành cổ viết: "Bứt chiếc lá em cười/ Con thuyền trăng vỗ cánh/ Chờ ngày mai ra khơi". Còn Nguyễn Việt Chiến khi thăm thành cổ Sơn Tây, nhìn những cỗ thần công, anh lại nghĩ về những người lính chiến: "Bao người lính vô danh/ Vùi mình trong bùn đất/ Đau nỗi đau thần công/ Không muốn thành rỉ sắt" (Sơn Tây cổ thành). Nhà thơ Vân Long thì xúc động nhìn những cô gái dân quân tập bắn dưới chân thành cổ. "Cô gái Thành Sơn quần xắn gọ/ Mắt nheo tập bắn dưới chân thành/ Tiếng chim hót, tiếng cười khúc khích/ Nắng xao đầu súng nét mi thanh" (Giây lát xứ Đoài).
Nhà thơ Quốc Toản tâm nguyện: "Con hiểu vì sao cha thường kể/ Miền đất xứ Đoài thi ca huyền thoại/ Nơi lắng hồn cha ông tổ tiên nguồn cội/ Cho con không lạc bước những ngày xa" (Con của xứ Đoài). Nhà thơ Tô Thi Vân trước Phế Thành, bất giác: "Mười ngón tay/ Tôi bíu chặt đơn côi/ Văng vẳng nỗi u hoài/ Chợt bừng lên… một cánh bướm vàng bay/ Thức dậy xôn xao bạt ngàn hoa đã cúc/ Hồn xưa tơi! Chầm chậm ru nét vàng tươi". Nhà thơ Hồng Nguyệt Cầm có một tình yêu lỡ với người con gái Sơn Tây nhưng "Xứ mặn nồng ấp iu thời trai trẻ/ Chim bay xa nhớ tổ lại quay về/ Như tình anh gắn bó một vùng quê" (Về Thanh Sơn). Nhà thơ Trúc Thông hiện đại hóa một vị La Hán trẻ ở chùa Mía để ca ngợi sức trẻ - sự sống (Chùa Mía, mùa xuân). Nguyễn Thị Bình ca ngợi sự trường tồn, sức chiến thắng của dân tộc qua hàng duối xưa Ngô Quyền buộc voi nghìn năm trước vẫn chẳng già mà: "Kẽ lá mọng vàng bên dưới/ Như giọt lệ mừng khải hoàn ca".
Thơ về Thị xã Sơn Tây có những vần thơ mới ca ngợi sự đổi mới, sự phát triển của thị xã sau ngày sáp nhập về Hà Nội: "Xứ Đoài cổ nay hợp về Hà Nội/ Đường Lâm thành danh thắng đất Thăng Long/ Đá ong đỏ như lên màu sắc mới/ Đường làng quê hội tụ khách muôn phương" (Kẻ Mía, Đường Lâm - Hoàng Gia Cương). Và không thể không nhắc đến những vần thơ về những người anh hùng của ngày xưa: Phùng Hưng, Ngô Quyền, Giang Văn Minh… những người lính vô danh giữ thành cổ.
Những người dân quân kháng Pháp, chống Mỹ… những người mẹ, người vợ ở hậu phương, những con người không nói tên nhưng đã làm rạng rỡ hơn cho thị xã, cho thị xã trở thành một trung tâm giao thông với những con đường mới thênh thang. Và với những con người có tên bình thường nhưng đóng góp được coi trọng - đó là những nhà thơ có tài, có nhân cách đã trở thành nguồn cảm xúc cho những nhà thơ của Sơn Tây và Hà Nội. Đó là nhà thơ Doãn Trang trong thơ Nguyễn Trung Sơn, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc trong thơ Dương Kiều Minh, là cô gái kiên tâm và tin tưởng trong thơ Quang Dũng, là nàng Vọng Phu thời hiện đại trong thơ Bùi Kim Anh và tiêu biểu là nhà giáo, nhà thơ Thế Mạc trong thơ Tô Thi Vân, Đặng Hiển, Phùng Quang Vinh.
Những người dân quân kháng Pháp, chống Mỹ… những người mẹ, người vợ ở hậu phương, những con người không nói tên nhưng đã làm rạng rỡ hơn cho thị xã, cho thị xã trở thành một trung tâm giao thông với những con đường mới thênh thang. Và với những con người có tên bình thường nhưng đóng góp được coi trọng - đó là những nhà thơ có tài, có nhân cách đã trở thành nguồn cảm xúc cho những nhà thơ của Sơn Tây và Hà Nội. Đó là nhà thơ Doãn Trang trong thơ Nguyễn Trung Sơn, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc trong thơ Dương Kiều Minh, là cô gái kiên tâm và tin tưởng trong thơ Quang Dũng, là nàng Vọng Phu thời hiện đại trong thơ Bùi Kim Anh và tiêu biểu là nhà giáo, nhà thơ Thế Mạc trong thơ Tô Thi Vân, Đặng Hiển, Phùng Quang Vinh.
Không thể nói hết sự tươi đẹp, phong phú và đa dạng của thơ về thị xã Sơn Tây vì thị xã Sơn Tây là vùng đất của thi ca, bởi đó là một trung tâm, trung tâm văn hóa, trung tâm chính trị và lịch sử và đang trở thành một trung tâm kinh tế. Nói đến Sơn Tây là nói đến cội nguồn, đến lịch sử và cũng là nói đến phát triển và đổi mới.
Thơ ca là cái cây bắt rễ sâu trong đời sống, kết trái cũng do sự vun đắp của đời sống. Mà đời sống là do những con người làm nên, từ khí phách, tài năng, trí tuệ và nhân cách của mình. Những thành quả mà thơ đã đạt được bắt nguồn từ đó. Những gì mà thơ còn thiếu, thơ sẽ tự bồi đắp trong chính quá trình xây dựng cuộc sống. Tin tưởng rằng trên nền tảng cao của truyền thống văn hóa và lịch sử, với sự quan tâm của Đảng và chính quyền và bằng nội lực của những con người quê Sơn Tây và yêu Sơn Tây, nhất định Sơn Tây sẽ là một vùng đất rực rỡ hơn nữa của thi ca như đã từng là vùng đất địa linh nhân kiệt vốn đã từ lâu nổi danh trong cả nước…
Thơ ca là cái cây bắt rễ sâu trong đời sống, kết trái cũng do sự vun đắp của đời sống. Mà đời sống là do những con người làm nên, từ khí phách, tài năng, trí tuệ và nhân cách của mình. Những thành quả mà thơ đã đạt được bắt nguồn từ đó. Những gì mà thơ còn thiếu, thơ sẽ tự bồi đắp trong chính quá trình xây dựng cuộc sống. Tin tưởng rằng trên nền tảng cao của truyền thống văn hóa và lịch sử, với sự quan tâm của Đảng và chính quyền và bằng nội lực của những con người quê Sơn Tây và yêu Sơn Tây, nhất định Sơn Tây sẽ là một vùng đất rực rỡ hơn nữa của thi ca như đã từng là vùng đất địa linh nhân kiệt vốn đã từ lâu nổi danh trong cả nước…