Lắng nghe tiếng nói văn nghệ sĩ lão thành
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:18, 06/08/2018
Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội vừa tổ chức hội nghị “Gặp mặt văn nghệ sĩ lão thành và lãnh đạo Hội Liên hiệp qua các thời kỳ”. “Chúng tôi muốn lắng nghe những kinh nghiệm sáng tác và công tác quản lý văn học nghệ thuật từ các văn nghệ sĩ gạo cội của Thủ đô và nước nhà để Thường trực và Ban Chấp hành Hội Liên hiệp có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển nền văn học nghệ thuật Thủ đô lên một tầm cao mới, đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị của Thành ủy và UBND Thành phố.” - Sau khi vu
Nhạc sĩ Doãn Nho đóng góp ý kiến. Ảnh: HT
Ngay từ sớm, hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội ở 19 Hàng Buồm thật nồng ấm. Rất nhiều bậc đại thụ của nền văn nghệ Hà Nội và cả nước như nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhạc sĩ Doãn Nho, đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc, NSND Lê Ngọc Canh, NSND Thanh Trầm, NSND Ứng Duy Thịnh, họa sĩ Trần Khánh Chương, NSND Mạnh Tưởng,.. đã đến dự.
Chia sẻ về những cái khó của văn chương, nhất là thơ ca thời nay, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, các nhà lãnh đạo văn nghệ cần tạo điều kiện thuận lợi phát triển cho văn nghệ chứ đừng gò quá vào những quy tắc, quy định. Văn nghệ sĩ luôn sẵn sàng tiếp nhận các chủ trương của thành phố song cần có một không gian mở để sáng tạo. Quan tâm đến khía cạnh làm thế nào để tác phẩm đến được với công chúng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhạc sĩ Doãn Nho đặt câu hỏi, tại sao Hội Liên hiệp không phát huy thế mạnh của internet với một trang điện tử để thường xuyên công bố các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật?
Dịch giả Lê Bá Thự cho rằng Ban chấp hành khóa XII đã rất cầu thị, tin tưởng và trông cậy vào người cao tuổi. Đây là điều đúng đắn vì với văn nghệ sĩ thì dù tuổi cao song chưa khi nào dứt niềm đam mê với văn học nghệ thuật. Điều này cũng được NSND Ứng Duy Thịnh đồng tình khi gợi ý Hội cần tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề để tiếp tục được lắng nghe những gợi ý tâm huyết của các văn nghệ sĩ lão làng.
Với nhà thơ Bằng Việt, cuộc gặp gỡ này là một sáng kiến đầy ý nghĩa của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp khóa XII. Nhân dịp này, nhà thơ góp ý: “Đã đến lúc văn nghệ sĩ phải suy nghĩ cách làm mới để sáng tác của mình bước kịp guồng quay khoa học tiên tiến. Hội Liên hiệp cũng phải làm thế nào để chuyển đầu tư sáng tác không hoàn lại sang đặt hàng. Thực ra, hình thức đặt hàng này đã được đặt ra cách đây 7 – 8 năm, song nhiệm kỳ qua mới làm được một số công trình nhỏ giọt. Bên cạnh đó, Hội cần tính đến việc mạnh dạn đầu tư cho những tác phẩm, công trình chất lượng.” Trong khi đó, họa sĩ Trần Khánh Chương thì thẳng thắn góp ý, Hội cần có quy chế hoạt động rõ ràng, quan tâm đến văn nghệ sĩ cao niên, tập hợp lực lượng trẻ.
Chỉ ra tồn tại như đầu tư sáng tác còn dàn trải, nhà thơ Nguyễn Hòa Bình cho rằng công việc sáng tác là của mỗi cá nhân. Thế nên, BCH Hội phải có “con mắt xanh” để chọn và đầu tư đúng đối tượng, có trọng tâm.
Quan tâm đến báo Người Hà Nội – cơ quan ngôn luận của văn nghệ sĩ Thủ đô, nhiều văn nghệ sĩ cũng góp ý rằng, sau khi sáp nhập với tạp chí Tản Viên Sơn, cần tiếp tục duy trì tờ tuần báo này. Những năm qua, dù rất khó khăn song tờ báo vẫn cố gắng cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức và luôn là diễn đàn văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Thủ đô.
Buổi gặp gỡ của Ban chấp hành Hội Liên hiệp và văn nghệ sĩ lão thành cùng lãnh đạo Hội qua các thời kỳ đã khép lại trong bao xúc động với những cái bắt tay thật chặt của các thế hệ văn nghệ sĩ cùng những lời trò chuyện thẳng thắn, ân tình. Và với lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, đây là cuộc gặp gỡ mở đầu để sau đó Ban chấp hành tiếp tục được lắng nghe, trân trọng tiếp thu những tâm tư, tình cảm cũng như những ý kiến đóng góp thẳng thắn của văn nghệ sĩ để Thường trực Hội, Ban Chấp hành Hội tiếp thu và có thêm nhiều kinh nghiệm trong công cuộc phát huy các giá trị văn học nghệ thuật của Thủ đô trong thời kỳ mới, tương xứng với vị thế là trung tâm văn học nghệ thuật của cả nước.