Hoài Đức hướng tới trở thành đô thị trong tương lai
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 18:12, 07/08/2018
“Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót”, ấy là nhắc đến Hoài Đức - một vùng đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, giàu truyền thống với 54 làng cổ và 12 nghề truyền thống. Nơi đây đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao nhân tài cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Xưa nay, người Hoài Đức vốn nổi tiếng là cần cù, năng động, sáng tạọ trong lao động sản xuất. Từ khi sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết XV của Quốc hội, Hoài Đức lại có thêm những lợi thế để phát triển đột phá hướng tới trở th
Vận dụng lợi thế - Tạo bước đột phá
Hoài Đức là huyện có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, với nhiều tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, các trục tỉnh lộ 442 và nhiều dự án quan trọng như đường vành đai 4 và các khu đô thị.
Năm 2017, kinh tế của Hoài Đức tiếp tục phát triển toàn diện. Tổng giá sản xuất thực hiện 17.290 tỷ đồng, đạt 100,08% kế hoạch, tăng 10,38 % so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng: Thương mại – dịch vụ (47,94 %), công nghiệp – xây dựng (45,28%), nông nghiệp (6,78%). Toàn huyện hiện có 52/54 làng có nghề, 12 làng nghề được cấp bằng công nhận, 1.299 doanh nghiệp và trên 10.155 hộ sản xuất kinh doanh...
Các xã triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Trong đó chú trọng ưu tiên các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hộ nghèo. Ưu tiên người có nhu cầu học nghề là người nghèo, người bị thu hồi đất canh tác. Do vậy thu nhập bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 45,2 triệu đồng/người/năm (tăng 6,8 triệu đồng so với năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,52% (902 hộ), giảm 255 hộ so với năm 2016. Công tác thu ngân sách trên địa bàn huyện cũng được tập trung thực hiện đồng bộ. Tổng thu ngân sách giai đoạn từ 2013 - 2018 khoảng 3.099,8 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 thu 2.316 tỷ đồng.
Chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả. Lĩnh vực giáo dục cũng được huyện đầu tư với 1.200 tỷ đồng cho việc xây dựng 464 phòng học, 120 phòng chức năng, 150 phòng hiệu bộ…. Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội... được cán bộ, Đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện được giữ vững ổn định; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, đô thị “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”.
Vấn đề về môi trường đặc biệt được quan tâm với một huyện có nhiều làng nghề như Hoài Đức. Bên cạnh Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà (xã Dương Liễu) công suất 20.000m3/ngày, đêm đã được đưa vào hoạt động, thành phố cũng đang triển khai xây dựng thêm Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, công suất 8.000m3/ngày, đêm, kinh phí đầu tư 206 tỷ đồng và chuẩn bị khởi công Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, công suất 5.000m3 ngày đêm, kinh phí đầu tư 139 tỷ đồng.
Ngoài ra huyện cũng đã quy hoạch được 50 điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn các xã, thị trấn. Cuối năm 2017 toàn huyện có 14/20 xã, thị trấn được cấp nước sạch.
Quyết tâm đưa Hoài Đức lên quận vào năm 2020
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố luôn quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận. Vấn đề là phải làm sao để Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020 có tính khả thi và đúng tiến độ.
Theo Chủ tịch thành phố, quan trọng nhất là xây dựng quy hoạch kiến trúc tổng thể cho huyện Hoài Đức. Muốn làm được điều đó cần đánh giá được thực trạng hiện tại của huyện Hoài Đức, đây là một huyện nông thôn mới nhưng vẫn nợ một số tiêu chí như vấn đề xử lý môi trường, y tế, trường học vẫn chưa đạt chuẩn. Muốn huyện thành quận thì huyện phải thúc đẩy hoàn thiện việc này.
Để hiện thực hóa Đề án lên quận vào năm 2020, huyện Hoài Đức đang tiếp tục hoàn thiện những tiêu chí về cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong những năm qua, đã có khoảng 900 dự án được đầu tư với mức kinh phí 1.700 tỷ đồng tập trung vào các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh như: trường học, trạm y tế, giao thông, nhà văn hóa, chiếu sáng, thoát nước… Đồng thời qua nhiều năm mức độ đô thị hóa đã diễn ra với tốc độ cao. Một số khu đô thị đã có cư dân sinh sống như: KĐT Bắc An Khánh, KĐT Nam An Khánh, KĐT Gleximco, khu nhà ở biệt thự sinh thái cao cấp An Khánh, KĐT Bắc quốc lộ 32, khu nhà ở Đức Thượng, KĐT Vân Canh,…
Về cơ bản hiện nay Hoài Đức đã đạt 13/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tới Hoài Đức cần nỗ lực hơn để hoàn thành các chỉ tiêu còn thiếu để đáp ứng tiêu chí lên quận vào năm 2020. Với những thành tích đã đạt được trên mọi lĩnh vực và sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo và toàn thể nhân dân thì việc Hoài Đức trở thành quận nội đô phát triển năng động của Thủ đô Hà Nội có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.