Thạch Thất - Bức tranh kinh tế sôi động sau 10 năm sáp nhập

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 23:39, 08/08/2018

Về với Thạch Thất hôm nay, chúng ta cảm nhận được rõ ràng sự đổi thay, sự phát triển mạnh mẽ của một vùng xưa nay nổi tiếng với các làng nghề truyền thống. Dọc con đường rẽ vào huyện là san sát những nhà máy, công ty, xí nghiệp với không khí lao động khẩn trương, hăng say. Đó là những điểm nhấn của bức tranh kinh tế sôi động của Thạch Thất sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội.
Đạt mức tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực nông thôn

Sau khi sáp nhập về Hà Nội, Thạch Thất là huyện tiếp nhận thêm 3 xã là Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung (Lương Sơn, Hòa Bình); đến nay, huyện có 23 xã, thị trấn, 196 thôn, diện tích tự nhiên 18.744,18ha, dân số 206.000 người (dân tộc Mường chiếm 5,2%). Khi được sáp nhập về Hà Nội và được mở rộng thêm về diện tích, đã đặt ra cho Thạch Thất thêm cơ hội phát triển nhưng kèm theo đó là những thách thức và khó khăn.

Bài toán đặt ra cho huyện là làm sao vận dụng được hết tiềm năng sẵn có của mình để phát triển, đồng thời phải tìm cách để kéo gần khoảng cách giữa 3 xã mới tiếp nhận và các xã còn lại trên địa bàn. Nhưng những băn khoăn, trăn trở đó là câu chuyện của 10 năm về trước, còn bây giờ, Thạch Thất như một bức họa kinh tế sôi động với các gam màu phát triển đan xen.

Để đạt được những kết quả đáng mừng như hôm nay, không thể không nhắc tới sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; sự quan tâm, giúp đỡ của các sở, ban, ngành; sự cố gắng của các cấp, các ngành trong huyện.

Thạch Thất - Bức tranh kinh tế sôi động sau 10 năm sáp nhập
Một góc Thạch Thất

Trong 10 năm qua, kinh tế của huyện tiếp tục ổn định và phát triển, đạt mức tăng trưởng bình quân 12,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp, tương ứng là 68,2% - 22,2% - 9,6%); thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm, tăng gấp 4,5 lần so với trước khi hợp nhất về Hà Nội và là huyện có thu nhập bình quân cao nhất khu vực nông thôn.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được tập trung chỉ đạo, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện và mở rộng các cụm, điểm công nghiệp; phát huy và phát triển các làng nghề truyền thống, quan tâm đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu các sản phẩm làng nghề…

Đến nay, huyện  đã có 1 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp, 10/50 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, 1.316 doanh nghiệp và 20.885 hộ sản xuất kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2017 đạt 11.363.715 triệu đồng; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13%; một số ngành có mức tăng trưởng khá cao.

Công tác thu, chi ngân sách được tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả, năm 2017 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 500 tỷ đồng, bằng 255% dự toán thành phố giao. Việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Thạch Thất cũng đạt được nhiêu hiệu quả thiết thực, đến nay, toàn huyện đã có 21/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu trong năm 2018 đạt huyện nông thôn mới. Về cấp nước sạch, huyện đã hoàn thành việc cấp nước sạch ở 10 xã, thị trấn, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 69%. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, trao đổi thương mại, hợp tác quốc tế của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện được tăng cường. Các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, làng nghề... hàng năm thu hút trên trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước.

Năm 2017, tổng giá trị thương mại, dịch vụ đạt 3.590.334 triệu đồng; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,2%. Huyện cũng chỉ đạo thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ hiệu quả vốn đầu tư xây dựng. Từ sau hợp nhất đến nay, được sự quan tâm đầu tư của thành phố, huyện đã triển khai  1.051 dự án, với tổng số vốn 5.954.005 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách 3.880.766 triệu đồng; vốn doanh nghiệp đầu tư 1.888.676 triệu đồng, vốn xã hội hóa của nhân dân 184.563 triệu đồng. Riêng 3 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân đã được đầu tư 735.594 triệu đồng; hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện tương đối đồng bộ, đảm bảo cho phát triển kinh tế, xã hội.

Thạch Thất - Bức tranh kinh tế sôi động sau 10 năm sáp nhập
Mô hình trồng rau, quả sạch công nghệ cao

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, 100% các thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ chuyển biến tích cực; các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Ngoài ra, huyện Thạch Thất cũng luôn chú trọng và cùng với các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân nên tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 9,71% (năm 2007) xuống còn 1,18% (cuối năm 2017). Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, đảm bảo đồng bộ thống nhất, hoạt động ngày càng hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Định hướng phát triển bền vững

Phải khẳng định thêm một lần nữa rằng, để đạt được những thành quả trên đó là sự nỗ lực, sáng tạo, chung sức chung lòng của lãnh đạo, nhân dân huyện Thạch Thất, sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Trung ương, thành phố. Vậy để viết tiếp câu chuyện 10 năm, thêm những gam màu đậm nét, tươi sáng hơn nữa cho bức tranh kinh tế - xã hội của huyện thì rất cần một định hướng đúng đắn để đưa Thạch Thất phát triển thêm một bậc cao hơn nữa xứng tầm với tiềm năng.

Thạch Thất - Bức tranh kinh tế sôi động sau 10 năm sáp nhập
Người dân huyện Thạch Thất thu hoạch lúa

Chính vì vậy, các cấp, ban, ngành của huyện đã quán triệt sâu sắc các quan điểm của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”, “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; các chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy về phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020, Huyện ủy đã cụ thể hóa để tổ chức thực hiện.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, XXIII đã xác định: Vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Thành uỷ trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của Thủ đô và đất nước; phát huy truyền thống văn hóa - anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tiếp tục đổi mới, xây dựng huyện Thạch Thất ngày càng giàu đẹp, văn minh. Phát triển kinh tế xã hội huyện Thạch Thất phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng huyện Thạch Thất trở thành huyện phát triển mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.

Định hướng đến năm 2020, Thạch Thất là trung tâm kinh tế phát triển, có sức hút mạnh của vùng phía Tây Thủ đô, cơ cấu kinh tế Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp; hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, các khu, cụm công nghiệp được đầu tư cơ bản và phát triển ổn định; các vùng nông nghiệp hàng hóa, nhất là mô hình chăn nuôi, trồng trọt chất lượng cao, sản xuất theo chuỗi tiếp tục được mở rộng đầu tư và phát triển, tạo điều kiện để phát triển các làng nghề trên địa bàn huyện.

Giáo dục đào tạo phát triển toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên mức trung bình của các huyện ngoại thành Hà Nội. Tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng cao, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Để cụ thể hóa thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ trên, qua hai kỳ đại hội, Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các chương trình công tác, các đề án và thực hiện các khâu đột phá sau. Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ, phẩm chất, năng lực công tác, ý thức trách nhiệm và tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Thứ hai: Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới, cung cấp nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường. Và cuối cùng là phải bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, lấy văn hóa làm động lực, nền tảng tinh thần để phát triển bền vũng kinh tế - xã hội. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng con người Thạch Thất phát triển toàn diện.

Thay cho lời kết

Chặng đường 10 năm huyện Thạch Thất sáp nhập về Hà Nội chưa phải là dài, cũng không ngắn, đâu đó vẫn còn những khó khăn, những hạn chế. Song nó đã đánh dấu một bước phát triển mới về mọi mặt của huyện và tạo tiền đề vững chắc để huyện đạt được các mục tiêu phát triển tiếp theo. Và chắc chắn với định hướng phát triển rõ ràng, nền kinh tế của Thạch Thất sẽ cất cánh trở thành một vùng kinh tế năng động phía Tây Bắc của Hà Nội. Và vừa qua, Thạch Thất vinh dự được Chủ tịch nước  trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, đó là phần thưởng cao quý đền đáp xứng đáng cho sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, nhân dân Thạch Thất trong những năm qua.

Lệ Quyên