Thủ tướng dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018
Tin tức - Ngày đăng : 07:38, 10/08/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đã có những chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu như: xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách đều tăng qua từng năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt.
Với quy mô dân số gần 1,75 triệu người, Tiền Giang vừa là thị trường khá lớn trong vùng ĐBSCL, vừa là nơi cung cấp lực lượng lao động dồi dào, trong đó, lực lượng lao động trong độ tuổi khoảng 1,35 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 47%. Hiện nay, tỉnh có trên 4.800 doanh nghiệp và hàng năm thành lập mới thêm khoảng trên 700 doanh nghiệp; số doanh nghiệp này sẽ kết nối, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư mới để cùng nhau liên kết, hợp tác phát triển.
Tiền Giang cũng nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía đông của tỉnh, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đa dạng như: lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, xoài, thủy sản các loại với sản lượng lớn như: trái cây hơn 1,4 triệu tấn/năm, lớn nhất cả nước, rau màu khoảng 1 triệu tấn/năm, đàn gia cầm khoảng 13 triệu con. Vì vậy, chế biến nông sản hiện là ngành rất có tiềm năng để tiếp tục đẩy mạnh phát triển.
Quỹ đất phát triển phi nông nghiệp của Tiền Giang vẫn còn khá lớn. Đến thời điểm hiện tại, ngoài KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương có tỷ lệ lấp đầy 100%, các KCN hiện hữu còn quỹ đất cho phát triển như KCN Long Giang, KCN Soài Rạp và các cụm công nghiệp. Theo qui hoạch, trong thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển các KCN: Tân Phước 1, Tân Phước 2, Bình Đông và các Cụm công nghiệp như: Hậu Thành, Mỹ Phước Tây, Thạnh Tân, Tân Lý Đông, Long Bình, Vĩnh Hựu, Phú Đông, Mỹ Lợi, Bình Ninh. Hệ thống hạ tầng kết nối như giao thông, cấp điện, cấp nước, được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, tăng khả năng liên kết trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi liên kết sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Tại hội nghị, Tiền Giang ưu tiên mời gọi đầu tư vào 19 dự án với tổng vốn dự kiến trên 16.000 tỷ đồng trên các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; trong du lịch, ưu tiên đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, các điểm du lịch và mạng lưới kết nối tuyến du lịch trong, ngoài nước như bến du thuyền, tàu cao tốc... Đồng thời, trao quyết định chủ trương đầu tư và chủ trương nghiên cứu cho 31 dự án với tổng mức đầu tư trên 15.650 tỷ đồng.
Thủ tướng thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp
Tiền Giang đã và đang quyết tâm tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cũng trong hội nghị hôm nay tỉnh đã nhận được hỗ trợ, đóng góp an sinh xã hội của quý doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng./.