Thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 07:40, 26/09/2022

Trước xu thế phát triển điện ảnh toàn cầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Điện ảnh chủ trì xây dựng đề án “Trung tâm Phát hành và Phổ biến phim trực tuyến”.
Việc này nhận được sự đồng thuận của giới nghề với kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức để có được Trung tâm hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh
Viện Phim Việt Nam tiến hành số hóa nhiều bộ phim Việt Nam và nước ngoài. Ảnh: Thụy Du

Đưa điện ảnh đến với công chúng

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong những năm trở lại đây đã tác động đến lĩnh vực điện ảnh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp phim đã chuyển hướng phát hành theo hình thức trực tuyến song song với phát hành tại rạp.

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành, điện ảnh Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển của điện ảnh toàn cầu. Nếu thế giới có nền tảng xem phim trực tuyến Netflix, thì Việt Nam cũng đã có VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, Danet… đang thu hút được lượng lớn người truy cập. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí trong xu hướng mới, việc khai thác chiếu phim trên không gian mạng còn tạo cơ hội để điện ảnh Việt Nam đưa các tác phẩm đến gần công chúng hơn, góp phần quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ngày 18-10-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2649/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng Đề án “Trung tâm Phát hành phim trực tuyến”. Trong quá trình khảo sát xây dựng, đề án đổi tên thành “Trung tâm Phát hành và Phổ biến phim trực tuyến” để phù hợp với xu thế. Trung tâm này thực hiện các nhiệm vụ phát hành, phổ biến, kinh doanh và lưu trữ các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài; hỗ trợ và kết nối với trung tâm văn hóa - điện ảnh của các địa phương trên toàn quốc; là địa chỉ giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Việt Nam một cách chính thống đến kiều bào nước ngoài và bạn bè thế giới... Đây cũng là kênh chính thống của Nhà nước để phát hành và phổ biến phim Việt Nam, với các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình…; là nơi lưu trữ và cung cấp nguồn phim do Nhà nước đầu tư đặt hàng sản xuất cho các trung tâm văn hóa - điện ảnh địa phương phục vụ nhiệm vụ chính trị; đồng thời phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Ở đó, có phim Việt Nam kinh điển, phim được sản xuất từ nhiều thời kỳ, phim từng đạt giải cao tại các kỳ liên hoan phim quốc gia, quốc tế và phim thương mại có doanh thu cao khi ra rạp.

Theo dự thảo, Trung tâm được xây dựng theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022-2027) do Nhà nước cấp một phần kinh phí, Trung tâm duy trì 3.000-4.000 phim. Giai đoạn 2 (2028-2030), cũng do Nhà nước cấp một phần kinh phí, Trung tâm phấn đấu đạt từ 1 triệu lượt truy cập kênh, từ 500.000 thuê bao có trả tiền/năm, cung cấp tối đa 5.000 giờ phim/năm, trong đó phim Việt 2.500 giờ/năm và phim nước ngoài 2.500 giờ/năm. Giai đoạn 3 (từ năm 2031 trở đi), Trung tâm tự bảo đảm chi phí vận hành, phấn đấu đạt từ 3 triệu lượt truy cập kênh, từ 1,5 triệu thuê bao có trả tiền/năm, cung cấp tối đa 10.000 giờ phim/năm...

Thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh
Quang cảnh hội thảo “Xây dựng Trung tâm Phát hành và Phổ biến phim trực tuyến” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ảnh: Vũ Liên

Còn nhiều thách thức

Hiện tại, nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật, điện ảnh của khán giả có xu hướng thay đổi. Chị Lương Thu Hà (phường Định Công, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng nhiều kênh phim, giải trí trả tiền, nhưng ở đó ít có phim Việt Nam. Các kênh không chính thống thì chất lượng phim rất kém”.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng cho biết, có rất nhiều phim tài liệu ý nghĩa, giá trị chỉ được phát sóng một vài lần trên truyền hình, vào những khung giờ ít người theo dõi. Tương tự, nhiều phim truyện do Nhà nước đầu tư chỉ chiếu tại các rạp trong thời gian ngắn, còn lại “nằm kho”. Việc xây dựng Trung tâm Phát hành và Phổ biến phim trực tuyến sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội...

Tuy nhiên, nếu xây dựng Trung tâm là kênh phát hành, phổ biến phim miễn phí, hoặc tính phí thấp thì khó thu hút được các đơn vị, nhà sản xuất hợp tác ra mắt những bộ phim mới. Còn nếu Trung tâm hướng đến việc trở thành kênh phim thu phí, cạnh tranh với các nền tảng có trả tiền khác, cần sự đầu tư lớn về số lượng, chất lượng phim cũng như công nghệ để tạo trải nghiệm tốt cho người xem. Về vấn đề nguồn phim cho Trung tâm, hiện Viện Phim Việt Nam đang có kho phim lớn, đa dạng. Phó Viện trưởng điều hành Viện Phim Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng thông tin, đơn vị đang lưu giữ, bảo quản 80.000 cuốn phim nhựa. Song, mỗi năm Viện chỉ số hóa được 700 cuốn với độ phân giải thấp do công nghệ, thiết bị lạc hậu. Nếu được số hóa, đưa vào Trung tâm khai thác, các phim sẽ được giữ gìn và lan tỏa đến nhiều đối tượng khán giả.

Ủng hộ thành lập Trung tâm Phát hành và Phổ biến phim trực tuyến, song các doanh nghiệp, nhà sản xuất phim vẫn lo ngại về vấn đề bản quyền. Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp, tạo hành lang pháp lý an toàn, bảo đảm quyền lợi của các bên, để nhà sản xuất yên tâm gửi gắm tác phẩm.

 Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, việc xây dựng Trung tâm Phát hành và Phổ biến phim trực tuyến phải song song với việc xây dựng đề án số hóa phim để tạo nguồn phim; đồng thời cần phối hợp xây dựng nền tảng phát hành, phổ biến phim hiện đại, phân loại tốt, có tính bảo mật cao, đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Hanoimoi