7 tuyến vành đai của Hà Nội: Phân kỳ đầu tư sẽ khả thi, hiệu quả hơn

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 23:01, 24/01/2022

Nguồn vốn dành cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là bộ khung chính với những tuyến đường vành đai, đường sắt đô thị quá lớn, mà nhu cầu giao thông của Hà Nội lại vô cùng bức thiết, và không đồng đều với từng khu vực.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, TP nên lựa chọn, phân kỳ đầu tư từng tuyến, từng đoạn tuyến sẽ khả thi và hiệu quả hơn.
Đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Thanh Hải
Đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Thanh Hải

Mới hoàn thành non nửa

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo các đồ án quy hoạch liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài trên địa bàn TP là 285,46km. Trong đó có năm tuyến vành đai chính gồm: Vành đai 1, 2, 3, 4, 5; hai tuyến hỗ trợ là: Vành đai 2,5 và 3,5.

Về đặc thù, có bốn tuyến khép kín gồm: Vành đai 2, 3, 4, 5; ba tuyến hở chỉ phục vụ cho khu vực phía Nam sông Hồng là: Vành đai 1; 2,5; 3,5. Năm tuyến Vành đai nằm trong khu vực đô thị là: Vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5; hai tuyến nằm ngoài đô thị trung tâm là: Vành đai 4 và 5.

Các tuyến vành đai đều có chức năng, vai trò kết nối giao thông với hầu hết các tuyến đường trục hướng tâm để phân bổ giao thông theo các hướng phục vụ giao thông nội vùng và liên vùng. Bốn tuyến được xác định là đường trục chính đô thị (Vành đai 1; 2; 2,5 và 3,5). Hai tuyến cao tốc đô thị có thành phần đường cao tốc trên cao đối với các đoạn qua khu vực đô thị là Vành đai 3 và 4); một tuyến đường cao tốc Vành đai 5

Cũng trong 7 tuyến này, có 4 tuyến Vành đai đối ngoại, kết nối giao thông liên vùng (Vành đai 3; 3,5; 4; 5). Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, vai trò của bốn tuyến đường liên kết vùng này cực kỳ quan trọng. Vành đai 3 và 3,5, bên trong kết nối với các trục chính hướng tâm Hà Nội; bên ngoài kết nối với năm tuyến cao tốc và bảy đường Quốc lộ (QL). Bao gồm: cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Bắc Giang; Láng - Hòa Lạc); QL1, 2, 3, 5, 6, 18, 32.

Vành đai 4 và 5 kết nối với tất cả 8 tuyến đường cao tốc đến hoặc đi qua Hà Nội, 11 tuyến QL và đường liên quan. Ngoài các tuyến tương tự nêu trên, Vành đai 4 và 5 còn kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Nội Bài - Hạ Long; Tây Bắc - QL 5; đường Hồ Chí Minh; QL21; 21B; và tuyến trục Bái Đính - Chùa Hương). “Có thể thấy vai trò của các tuyến vành đai là cực kỳ quan trọng.

Bên trong giải quyết UTGT cho khu vực trung tâm, tăng cường kết nối giữa các khu vực của Thủ đô; bên ngoài thông thương, gắn bó với cả Vùng Thủ đô, mở rộng liên kết với toàn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Việc đầu tư xây dựng bảy tuyến vành đai là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho Hà Nội cũng như Vùng thủ đô” – ông Phan Trường Thành nhận định.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện mới chỉ hoàn thành đầu tư được 132,26km/285,46km đường vành đai (tương ứng 46,33%); đang triển khai đầu tư 20,51km (7,18%); chuẩn bị, lập chủ trương đầu tư 83,26km (29,16%); còn lại 49,43km (17,33%) chưa được nghiên cứu hình thành dự án.

Lựa chọn ưu tiên

Thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng, kể cả bố trí vốn ngân sách lẫn huy động đầu tư xã hội hoá, Hà Nội cũng không thể gom tất cả các dự án đường vành đai vào một giai đoạn đầu tư. Việc phân kỳ đầu tư, lựa chọn các vành đai quan trọng hơn; trên cơ sở đó lại lựa chọn một số đoạn tuyến hiệu quả trước, làm trước, là đáp án khả thi nhất cho bài toán khó phát triển hạ tầng giao thông khung của TP.

Ví dụ như với đường Vành đai 1, còn đoạn tuyến Hoàng Cầu – Voi Phục, trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ nên triển khai trước hai nút giao có áp lực ùn tắc nặng nề nhất là: Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh và Láng Hạ - Giảng Võ). Hay với Vành đai 2, cần hoàn thành các dự án: cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng. Còn đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy có thể đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đối với Vành đai 2,5, nên đẩy nhanh tiến độ 4 dự án: Cầu Giấy - Khu đô thị mới Dịch Vọng; Đầm Hồng - QL1A; hầm chui QL1A và đường Lĩnh Nam. Ba đoạn tuyến còn lại: Khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ; Trung Kính - Trần Duy Hưng; Ngụy Như Kom Tum - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng, có khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn, phức tạp, có thể xem xét đầu tư sau năm 2025.

Vành đai 3 hiện là tuyến có lưu lượng giao thông lớn nhất Thủ đô cần nghiên cứu bổ sung đoạn tuyến từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến Quang Minh vào kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 để khép kín, tối ưu hiệu quả giao thông toàn tuyến. Đối với tuyến đường Vành đai 3,5 cần đẩy nhanh tiến độ năm đoạn tuyến: Cầu Thượng Cát và nhánh nối bắc sông Hồng; cầu Thượng Cát - QL32; đoạn tuyến nối với Đại lộ Thăng Long; nút giao khác mức đại lộ Thăng Long; đoạn tuyến từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Thạc sĩ Phan Trường Thành nói: “Riêng Vành đai 4 là tuyến đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô nói chung, giảm tải mạnh mẽ cho Vành đai 3, mở hướng tránh các luồng lưu thông quá cảnh đi qua khu vực trung tâm, cần rất tập trung để đẩy nhanh các bước nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư”. TP cần đốc thúc các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ cùng nhà đầu tư làm việc rốt ráo với các cơ quan chuyên môn của Văn Phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT để kịp thời giải trình, làm rõ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5/2022.

Còn đường Vành đai 5, Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT chủ trì đầu tư để hỗ trợ cho các địa phương cũng như đảm bảo tính kết nối đồng bộ trên toàn tuyến. Trong trường hợp cần thiết có thể đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để có giải pháp phù hợp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ưu tiên lựa chọn đầu tư từ các dự án lớn đến mỗi đoạn tuyến nhỏ là biện pháp tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông khung của Hà Nội. Đồng thời, các đoạn tuyến được lựa chọn ưu tiên, sau khi hoàn thành có thể phát huy hiệu quả ngay, bổ sung nguồn lực cho TP tiếp tục đầu tư phần còn lại.

Kinh phí đầu tư các tuyến đường vành đai của Hà Nội là rất lớn. Chỉ tính riêng đối với năm dự án của đường Vành đai 3,5 và một dự án của Vành đai 4, đoạn qua Hà Nội, vốn đầu tư công cần bố trí đã khoảng 53.574 tỷ đồng. Một số dự án, đoạn tuyến có số lượng GPMB, tái định cư cũng như kinh phí rất lớn tác động ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân cũng như tiến độ và tính khả thi của mỗi dự án.

KTĐT