Nghệ sĩ ưu tú Bùi Đắc Ngôn: Say mê với hoạt động cộng đồng
Tin tức - Ngày đăng : 06:48, 20/08/2018
Xông pha nơi khói bom, đạn lửa trong quân ngũ, rồi hơn 30 năm công tác ở Điện ảnh Quân đội nhân dân nhưng chưa điều gì khuất phục được người lính già Bùi Đắc Ngôn. Nay khi đã về hưu, người lính “cụ Hồ” ngày nào lại hăng hái, tất bật, tâm huyết với những công việc “không lương” của khu dân cư số 12, phường Trung Liệt (quận Đống Đa, TP. Hà Nội).
Dấu ấn trên từng chặng đường
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, cách đây đúng 53 năm, chàng thanh niên Bùi Đắc Ngôn tốt nghiệp ngành chế tạo cơ khí - Trường Trung cao cấp cơ điện Hà Nội (nay là trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) hăng hái lên đường nhập ngũ, cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại Lữ đoàn dù 305 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, ông được đơn vị cử đi học tại Liên Xô. Đến năm 1968, Bùi Đắc Ngôn trở thành trợ lý kỹ thuật của Bộ Tư lệnh binh chủng không quân, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về kỹ thuật, vô tuyến điện trên máy bay phục vụ chiến đấu MIG 21.
NSƯT Bùi Đắc Ngôn
Cuộc sống chiến đấu sôi nổi trên bầu trời và mặt đất của miền Bắc khi đó là hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam đã thôi thúc chàng thanh niên Bùi Đắc Ngôn cầm bút viết về đồng đội mình, nhân dân mình đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1975, Bùi Đắc Ngôn tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được phân công về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân. Đến năm 1977, ông được điều động sang làm biên kịch, kiêm đạo diễn điện ảnh tại xưởng phim quân đội, nay là Điện ảnh Quân đội nhân dân.
“Từ tháng 2 đến tháng 5/ 1979, tôi cùng tổ làm phim bám sát mặt trận biên giới Đông Bắc, từ Móng Cái - Bắc Luân đến Pò Hèn - Thán Phún – Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) để ghi lại những hình ảnh quân dân ta quật khởi, vừa kháng chiến vừa sản xuất, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc” - Ông Ngôn nhớ lại khoảng thời gian đầu về công tác tại xưởng phim quân đội.
Năm 1984, ông lại cùng đồng đội ngược lên Hà Giang ghi lại những hình ảnh khắc họa một thời giữ nước gian khổ của quân và dân ta với những chiến hào ngập nước, bữa cơm độn bo bo với cá khô và rau rừng mà vẫn vững tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.
NSƯT Bùi Đắc Ngôn (ngoài cùng bên phải) trong một hoạt động văn hóa tại khu dân cư.
Hơn 30 năm công tác tại Điện ảnh Quân đội nhân dân, NSƯT Bùi Đắc Ngôn đã không ngừng rèn luyện, kiên trì học hỏi. Ông tổ chức sản xuất phim và đã hoàn thành xuất sắc trên 50 tác phẩm điện ảnh, ở các thể loại: phim truyền thống, phim phóng sự tài liệu, phim khoa học, phim khắc họa chân dung… Trong đó, 8 bộ phim được trao giải thưởng cao trong các cuộc liên hoan phim quốc gia và liên hoan phim truyền hình các ngành, mà tiêu biểu phải kể đến như các tác phẩm: “Tác chiến trên quê hương đồng nước” - Bông sen Bạc, liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9 năm 1991; “Có một nhà máy như thế” - Huy chương Vàng, liên hoan phim truyền hình Quân đội năm 1999; “Tổ quốc đón anh về” - Bằng khen tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIV năm 2004…
Với sự sáng tạo trong hoạt động sáng tác và những nỗ lực trong quá trình công tác, năm 2007 Đại tá Bùi Đắc Ngôn đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Không chỉ được biết đến qua những thành tích trong ngành điện ảnh, NSƯT Bùi Đắc Ngôn còn được biết đến là một nhà thơ, nhà báo với trên 200 tác phẩm báo chí, hàng chục bài thơ tiêu biểu đăng trên các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương như: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Hà Nội mới…
“Viết báo là để tác chiến kịp thời, đáp ứng tuyên truyền nhanh về các hoạt động của nhân dân và đồng đội mình. Còn làm thơ để biểu lộ tình cảm sâu lắng của mình trước thực tế sôi động của quê hương, đất nước mà cụ thể là của nhân dân, đồng đội mình trên những cung đường tác nghiệp” - Ông Ngôn chia sẻ.
Cho đời thêm những trái thơm
Năm 2007, Đại tá Bùi Đắc Ngôn về nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường và tham gia công tác tại quê nhà. Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu dân cư số 12 phường Trung Liệt (quận Đống Đa, TP. Hà Nội).
Trên cương vị là Bí thư Chi bộ khu dân cư 12, ông Ngôn luôn phát huy vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; xây dựng tổ chức cơ sở ngày càng vững mạnh toàn diện. Sẵn có kiến thức về văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là tấm lòng nhiệt huyết, ông Ngôn là tác giả của nhiều “tác phẩm văn hóa” có ý nghĩa ở khu dân cư.
Từ chiếc cổng chào, trụ sở ban bảo vệ an ninh, sân chơi thiếu nhi, hệ thống tiêu, thoát nước, hệ thống cấp nước sạch, giao thông nội bộ, đèn chiếu sáng, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, đồng bộ hệ thống treo cờ Tổ quốc ở khu dân cư… đến những công trình văn hóa và đời sống khác đều in đậm dấu ấn trách nhiệm của người Bí thư Chi bộ Bùi Đắc Ngôn. Vì vậy, NSƯT Bùi Đắc Ngôn đã nhiều lần vinh dự được tặng thưởng giấy khen, bằng khen của quận Đống Đa, phường Trung Liệt, được tặng danh hiệu “Người tốt - Việc tốt” và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Dẫn chúng tôi đi trên tuyến phố ngõ 3 ngách 3/24, ông Cao Văn Ngạc, Bí thư Chi bộ Khu dân cư 12 cho biết, năm 2000, ông Ngôn đề xuất và trực tiếp thiết kế, xây dựng điểm văn hóa tại ngách 3/24, phố Thái Hà. Khu vực này gồm 1 bản tin, một bảng sơ đồ khu dân cư, hai bảng báo và hai bảng ảnh thời sự.
Để làm được điều này, rất cần áp dụng công tác dân vận một cách linh hoạt nhằm giải tỏa “nút cổ chai” ở đầu ngách phố để việc di dời và tái định cư cho một gia đình trong tổ dân phố được thuận lợi. Ông Ngôn đã trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng liên quan cùng với đó vận động nhân dân đóng góp, hỗ trợ kinh phí để chủ hộ thực hiện di dời.
“Sau khi thực hiện giải tỏa xong, ngách phố được mở rộng, ông lại vận động nhân dân xã hội hóa xây dựng bảng tin, biển báo, bảng báo... làm đẹp cho khu dân cư. Từ đó, vừa tạo sự gắn bó tình làng, nghĩa xóm, tình đồng chí, đồng đội, vừa tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân để mọi người chung sức xây dựng khu dân cư văn hóa. Bên cạnh đó, ông Ngôn còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể nhân dân ở khu dân cư, để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp…” - Ông Ngạc thông tin.
Chủ tịch UBND phường Trung Liệt Nguyễn Thao Hùng thì cho biết, khu dân cư số 12 phường Trung Liệt luôn là một trong những khu dân cư, chi bộ cơ sở tiêu biểu của phường về triển khai thực hiện các chương trình mà thành phố, quận Đống Đa, phường Trung Liệt triển khai. Những kết quả nổi bật đó có sự đóng góp và công sức không nhỏ của nguyên Bí thư Chi bộ Bùi Đắc Ngôn.
“Bác Ngôn là một Đảng viên gương mẫu, một người khiêm tốn, trung thực và thẳng thắn, rất tích cực tham mưu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của phường, khu dân cư, tổ dân phố. Tuy đã về hưu nhưng bác Ngôn luôn giữ vững phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Bác Ngôn cũng là người xây dựng sáng lập ra đội múa lân hàng chục năm trước, từng phục vụ lễ hội gò Đống Đa nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến nay, đội múa lân của ông Ngôn đi vào hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương nhất là khu dân cư” – Ông Hùng nói.