Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô: Tăng công suất, nâng chất lượng
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 17:44, 21/08/2018
Trữ lượng nước ngầm ngày càng suy giảm, trong khi tốc độ đô thị hóa của Thủ đô đang diễn ra mạnh mẽ, đã kéo theo nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao. Trước thực trạng trên, TP Hà Nội đang phải tính toán lại nhu cầu dùng nước và điều chỉnh các phương án cấp nước, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước sạch cho cả khu vực đô thị và nông thôn...
Để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước sạch cho người dân, TP Hà Nội đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước.Ảnh: Mạnh Hùng |
Chậm so với kế hoạch
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tổng công suất các nguồn cấp nước đô thị khoảng 950.000-1.000.000m3/ngày, đêm. Tỷ lệ cấp nước khu vực đô thị đạt gần 100%, nhưng chưa bảo đảm về lưu lượng và chất lượng. Hiện, nguồn cấp nước cho đô thị chủ yếu là nước ngầm. Qua nhiều năm khai thác, đến nay trữ lượng nước đã suy giảm. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm, hàm lượng sắt, mangan cao xảy ra ở nhiều giếng khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hà Đông... Trong khi đó ở khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch cung cấp theo hệ thống còn thấp, đến hết tháng 5-2018, mới đạt gần 52%, chất lượng nước cũng không bảo đảm.
Về tổng thể, hệ thống cấp nước của thành phố nói chung được phân theo phạm vi quản lý, mang tính cục bộ, nên không hỗ trợ lẫn nhau trong các trường hợp có sự cố.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, năm 2013, UBND TP Hà Nội đã lập đồ án Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi là khu vực đô thị và nông thôn liền kề (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và Quy hoạch cấp nước, vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong 4 năm qua, việc phát triển hệ thống cấp nước cho đô thị và nông thôn hầu như bị chậm so với kế hoạch. Việc đầu tư phát triển các nhà máy nước không theo kịp giai đoạn cấp nước đến năm 2020 và 2030, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với tốc độ phát triển tổng thể nền kinh tế, xã hội và thực tế quản lý đầu tư phát triển cấp nước của Thủ đô. Do đó, rất cần phải điều chỉnh đồ án quy hoạch này.
Sự điều chỉnh cần thiết
Lắp đặt đường ống nước trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Linh Ngọc |
Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12-2017, TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc điều chỉnh hướng đến mục tiêu là nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước, phát triển hệ thống cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn theo mô hình cấp nước tập trung với cùng một tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch của Bộ Y tế.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tiêu chí tổng quát của việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước là: Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, hạn chế và giảm dần việc khai thác nguồn nước ngầm; xây dựng mới và mở rộng, nâng công suất các nhà máy nước mặt để bổ sung nguồn cấp nước cho Thủ đô; bảo đảm dịch vụ cấp nước an toàn, ổn định theo quy định về các khía cạnh: Khối lượng, chất lượng, áp lực nước và thời gian cấp nước; ưu tiên lựa chọn công nghệ và thiết bị xử lý nước tiên tiến, chất lượng nước sau xử lý bảo đảm tiêu chuẩn nước uống trực tiếp. Phạm vi nghiên cứu lần này không những trải rộng trên toàn địa giới hành chính Thủ đô mà còn mở rộng ra vùng phụ cận Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) - đơn vị được giao lập quy hoạch cho hay: Đơn vị đã rà soát, đánh giá hiện trạng cấp nước Thủ đô, các quy hoạch và dự án đang triển khai. Từ đó tính toán nhu cầu dùng nước và đề xuất các giải pháp về định hướng quy hoạch nguồn nước, quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn...
Đáng chú ý, với lần điều chỉnh quy hoạch này, việc bảo đảm cấp nước ổn định, an toàn, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cấp dẫn đến thiếu hụt khi xảy ra sự cố và việc nghiên cứu, khai thác các nguồn nước mặt khác đã được tính đến. “Trong các nguồn nước mặt có tiềm năng được phân tích và đánh giá, thì sông Hồng, sông Đà và sông Đuống có trữ lượng lớn nhất và bảo đảm về mặt chất lượng để đáp ứng yêu cầu cấp nước dài hạn. Đây là các nguồn nước mặt quan trọng cung cấp nước thô cho các hệ thống cấp nước tập trung có quy mô lớn và là nguồn nước chủ đạo để cấp nước sạch cho Hà Nội. Hiện chúng ta cũng đã khai thác một phần nước mặt sông Đà và sông Đuống.
Trong định hướng quy hoạch phát triển các nhà máy nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc nâng công suất, xây mới các nhà máy khai thác nguồn nước mặt cũng được đặt ra” - ông Hùng chia sẻ. Ngoài ra, việc xây dựng mạng lưới hệ thống cấp nước cũng được đưa ra, sẵn sàng kết nối, hỗ trợ cho các khu vực khi cần thiết.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước Hà Nội lần này hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước. Dự kiến, cuối năm 2018, Quy hoạch cấp nước Thủ đô (điều chỉnh) sẽ được Bộ Xây dựng thẩm định, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.