Lãnh đạo nhiều địa phương không đối thoại với dân
Tin tức - Ngày đăng : 07:38, 23/08/2018
Ngày 22-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10. Tham dự phiên họp có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; cùng đại diện một số bộ, ban, ngành trung ương.
Tại phiên làm việc, các thành viên Ủy ban Tư pháp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND.
Theo dự thảo Báo cáo giám sát do bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp trình bày tại phiên họp, thời gian qua, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động trong công tác soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cho rằng, chủ tịch UBND, UBND nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Theo đó, một trong những yêu cầu của việc ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tham gia tố tụng, giải quyết khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Năm 2017, tỷ lệ không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện Luật Tố tụng hành chính 2015 (năm 2015 là 10,71%; năm 2016 là 21,93%; năm 2017 là 31,69%). Có những địa phương, sau khi Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành, chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch UBND tham gia tố tụng; sau đó, phó chủ tịch UBND cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.
Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, việc thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án thuộc trách nhiệm của chủ tịch UBND, UBND ở một số địa phương thời gian qua chưa được thực hiện nghiêm túc.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao việc Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp đã chọn đúng vấn đề, tạo ra cú hích trong việc nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong tất cả các loại án thì tồn đọng trong án hành chính là lớn nhất, tỷ lệ giải quyết thấp nhất, hủy sửa cũng cao. Đặc biệt, sự tham gia của tố tụng của người đại diện của UBND, chủ tịch UBND rất hạn chế. Từ thực tế này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cần xem xét cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu cho người dân và trách nhiệm ra tòa của các chủ tịch UBND...