Hà Nội lấy ý kiến về phương án tuyển sinh lớp 10: Tránh học tủ, học lệch

Tin tức - Ngày đăng : 07:41, 23/08/2018

Trong tuần qua, thông tin về việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bất ngờ đưa ra thêm phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 để lấy ý kiến góp ý đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Đa số cho rằng phải thay đổi phương án thi, nhưng cũng đều băn khoăn bởi không rõ việc tăng số môn thi có giúp tăng chất lượng giáo dục, tránh học tủ, học lệch như mục tiêu đề ra hay sẽ khiến học sinh chịu thêm áp lực.

Hà Nội lấy ý kiến về phương án tuyển sinh lớp 10: Tránh học tủ, học lệch
Học sinh Hà Nội mong sớm chốt phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020.

Ba phương án tuyển sinh

Theo lộ trình về đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội dự kiến áp dụng phương án tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông mới từ năm học 2019-2020. Nhằm lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. 

Cụ thể: Phương án 1 là thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư (thuộc một trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) sẽ được Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3-2019. Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Phương án 3: Tổ chức thi với 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân) hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học). 

Điều đáng nói là vào tháng 4-2018, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2019-2020 với một phương án duy nhất là tổ chức 3 bài thi độc lập, gồm toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp (phương án 3). Việc bất ngờ đưa ra thêm phương án tuyển sinh khiến không ít phụ huynh, học sinh lo lắng. 

Lý giải về việc này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Sau khi công bố dự kiến về phương án tuyển sinh lớp 10, Sở GD-ĐT Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Đây là căn cứ để Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định bổ sung phương án và mong tiếp tục nhận được sự góp ý, với mục tiêu chọn được phương án phù hợp nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tránh tình trạng “học lệch”. "Ngoài ra, việc tiến tới tổ chức thi theo các bài thi tổ hợp như định hướng của chương trình, sách giáo khoa mới cần có lộ trình, bởi nếu thay đổi đột ngột sẽ khiến học sinh chịu thêm áp lực. Vì vậy, cá nhân tôi ủng hộ phương án 1" - ông Phạm Quốc Toản nói.

Sớm công bố phương án chính thức

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, các ý kiến đều đồng tình với việc đổi mới phương án tuyển sinh hiện tại (thi tuyển 2 môn kết hợp với xét tuyển học bạ cấp trung học cơ sở), bởi phương án này đã được áp dụng từ hơn mười năm qua, bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có việc “học lệch” và hiện tượng thiếu thực chất trong kiểm tra, đánh giá ở cấp trung học cơ sở.

Tuy nhiên, hai phương án tuyển sinh mới đưa ra lại thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đồng thời là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng ủng hộ phương án 3 (gồm 2 bài độc lập và 1 bài tổ hợp với 4 môn). "Cấp trung học cơ sở là để phổ cập, bảo đảm kiến thức tối thiểu cho học sinh, song phần lớn học sinh đang học lệch. Phương án 3 có thể khiến không ít học sinh lo lắng vì sẽ phải ôn tập đến 6 môn, nhưng đó là phương án tối ưu để học sinh học toàn diện. Để khắc phục nguy cơ về việc thi nhiều môn dẫn đến dạy thêm, học thêm tràn lan, Sở GD-ĐT Hà Nội cần sớm chốt phương án, ban hành đề thi minh họa, xây dựng đề thi theo hướng mở để phát triển kỹ năng, tránh việc ra đề yêu cầu học thuộc lòng..." - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.

Còn cô giáo Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) lại ủng hộ phương án 1 (thi 4 bài độc lập) và cho rằng, ngoài 3 môn là toán, ngữ văn, ngoại ngữ đã được biết trước, từ cuối tháng 3-2019, sau khi công bố môn thi, học sinh chỉ phải học thêm 1 môn nữa. Phương án này giúp học sinh đỡ vất vả hơn bởi không phải ôn quá nhiều môn trong một thời gian ngắn.

So với phương án hiện tại, hai phương án tuyển sinh mới đều tăng số môn thi, trong đó có những môn thi không được biết trước, đó là điều khiến học sinh, phụ huynh vô cùng lo lắng. Lần thứ hai có con chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, anh Lê Tuấn Anh (phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn, quận Long Biên) cho biết: Có con lớn tham gia kỳ thi lớp 10 cách đây 2 năm, cả gia đình tôi đã quay cuồng cùng con ôn luyện mới có được cơ hội vào trường công lập. Vì thế, Sở GD-ĐT Hà Nội cần sớm chốt phương án để học sinh yên tâm học tập và giảm áp lực tâm lý đối với trẻ.

Giải tỏa phần nào băn khoăn, lo lắng của học sinh, ông Phạm Quốc Toản cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 để sớm trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, công bố trong học kỳ I năm học 2018-2019. Ngay khi chốt phương án, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ ban hành đề thi minh họa để định hướng cho việc dạy và học ở các nhà trường.

HNM