Nhiếp ảnh căn bệnh cố hữu và xu thế phát triển

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 20:54, 23/08/2018

Hơn nửa thập kỷ trở lại đây, nhiếp ảnh đang trỗi dậy như vũ bão và đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Bởi so với nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhiếp ảnh có lợi thế hơn. Các nhiếp ảnh gia đã dùng phương tiện máy ảnh để tạo hình đưa ra cho công chúng thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật phản ảnh về một thế giới quan sinh động và cuộc sống nhân tình thế thái của con người.
Ngày nay, nhờ có máy ảnh, nhất là các dòng máy ảnh hiện đại có tính năng vượt trội cùng những phần mềm hỗ trợ đã giúp các nhiếp ảnh gia và những người đam mê nhiếp ảnh có điều kiện tiếp cận nhanh hơn, dễ dàng hơn với nhiếp ảnh. Chỉ cần học một số thao tác đơn giản để làm quen với máy ảnh và một số tính năng ứng dụng là các bạn có thể chụp và cho ra đời một sản phẩm nhiếp ảnh ưng ý.

Nhiếp ảnh căn bệnh cố hữu và xu thế phát triển
Ông đồ chơi chữ. Ảnh: Phạm Công Thắng
Ở bài viết này, tôi không muốn đi sâu vào kỹ thuật chụp ảnh hay nói về một dòng sản phẩm máy ảnh nào đó, mà muốn đề cập đến một vấn đề trào lưu sáng tác “bầy đàn”; công nghệ setup; những tiêu cực trong đời sống nhiếp ảnh và hướng đi của nhiếp ảnh Việt Nam trong những năm tới.

Có thể nói trong những năm vừa qua, không thể phủ nhận những thành tựu mà nhiếp ảnh Việt Nam đã gặt hái, được Đảng, Nhà nước và anh chị em nhiếp ảnh cũng như công chúng trong cả nước ghi nhận. Ngoài những thành tích đã đạt được trong sáng tác cũng như phong trào nhiếp ảnh, có thể nói cuộc thi và tuyển chọn những tác phẩm nhiếp ảnh: “30 năm Nhiếp ảnh Việt Nam đồng hành cũng đất nước”, đã phần nào tôn vinh những tác phẩm và tác giả tiêu biểu cho phong trào nhiếp ảnh nước nhà trong chặng đường 30 năm.

Nhiếp ảnh căn bệnh cố hữu và xu thế phát triển
Ký ức sông Hồng. Ảnh: Phạm Công Thắng
Tuy rằng qua cuộc tuyển chọn này cũng có không ít những ý kiến xì xèo trái chiều, thậm chí có cả những bất bình trong việc tuyển chọn và trao giải của Ban tổ chức cũng như chuyện lình xình của ông Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Vũ Quốc Khánh trong việc nhận giải theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi mà báo chí đã tốn không ít giấy mực để phản ánh.

Ngoài những thành tựu nhiếp ảnh trong nước, nhiều anh chị em cầm máy cũng đã tích cực tham gia nhiều cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế và đã mang về cho Tổ quốc nhiều huy chương vàng, bạc, đồng, ảnh dự treo, làm rạng danh cho nhiếp ảnh nước nhà. Và không ít các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đạt thứ hạng cũng như tước hiệu cao của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP và nhiều tổ chức nhiếp ảnh quốc tế có danh giá khác trao tặng.

Mặc nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, nhiếp ảnh Việt Nam còn bộc lộ nhiều nhược điểm mà theo tôi Hội NSNA Việt Nam cần tập trung tháo gỡ. Đó là Hội nên đứng ra tổ chức những cuộc hội thảo mang tính chuyên sâu để định hướng cho anh chị em, nếu không, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiếp ảnh Việt Nam sẽ có bước đi chệch hướng và biến tướng.

Nhiếp ảnh căn bệnh cố hữu và xu thế phát triển
Mùa vàng thôn quê. Ảnh: Phạm Công Thắng
Để làm rõ vấn đề trên. Thứ nhất chúng ta cần xác định rõ là hiện nay có phải nhiếp ảnh đang lãng quên yếu tố “Chân - Thiện - Mỹ” hay không. Tại sao vậy? Bởi chúng ta đang quá lạm dụng phần mềm photoshop để can thiệp chỉnh sửa, chắp ghép và công nghệ setup để biến cái không có thành có và nguy hơn là chúng ta đang làm cho nhiếp ảnh méo mó đi hình ảnh chân thực vốn có; Thứ nữa là thông qua các cuộc thi nhiếp ảnh, phần lớn ảnh của các tác giả chụp đều dùng công nghệ setup và photoshop để tô son trát phấn làm cho tác phẩm nhiếp ảnh của mình thêm bóng bẩy, nuột nà, nhìn rất bắt mắt nhưng lại không ăn nhập với thực tế của cuộc sống. Mà khi đã mất dần đi yếu tố Chân - Thiện - Mỹ thì nhiếp ảnh đã trở thành một thứ ảnh khô cứng như đồ họa và dạng ảnh này chỉ nên dùng cho công nghệ quảng cáo, làm bìa báo, tạp chí thì đúng hơn.

Một hiện thực nữa trong nhiếp ảnh đang được rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh lo ngại đó là hiệu ứng “bầy đàn” và công nghệ setup trong sáng tác. Một cây bàng mồ côi mùa đông, ở Hoài Đức, Hà Nội mà có hàng trăm NSNA kéo lên thuê mẫu, diễn quần nát cả một vùng đất để cho ra đời những tác phẩm na ná nhau, nhìn đến nhàm chán. Hoặc những chuyến đi sáng tác do các Hội Trung ương, địa phương hay các nhóm tổ chức có đến vài chục người lên chụp ruộng bậc thang; hay mới đây nhất đến lễ hội Cầu Bùn ở Bắc Giang có hàng trăm nhà báo, NSNA cùng chụp, sau đó cho ra đời hàng trăm sản phẩm giống nhau không biết dùng vào đâu rồi sau đó lại cất vào kho lưu trữ.

Thông qua sự việc trên cho thấy công cuộc đi sáng tác “bầy đàn” và công nghệ setup đang trở nên lỗi thời, lạc lõng bởi nó không đúng với tiêu chí đó là người nghệ sĩ phải tự lăn lộn, tìm tòi để sáng tạo ra tác phẩm cho mình chứ không phải tập trung đóng cụm một chỗ rồi thi nhau bấm máy. Theo tôi, đây là một tư duy chụp phô diễn “bầy đàn”, vừa gây lãng phí, tốn kém tiền bạc của anh em mà tính hiệu quả lại không cao. Đó là chưa kể khi trở về các tác giả tham dự các cuộc thi, đa số các tác phẩm trùng lặp về ruộng bậc thang hoặc non nước Bắc Sơn, làm mệt đầu công tác tổ chức và Ban giám khảo.

Thứ ba là bệnh thành tích trong nhiếp ảnh đang diễn ra như một trào lưu đó là thứ chạy đua háo danh, ngộ nhân, hãnh tiến. Nói đến nhiếp ảnh phải nói đến nhiếp ảnh sạch và nói đến người nghệ sĩ phải nói đến người nghệ sĩ chân chính chứ không phải là thói chạy theo thấy người ta “nghệ sĩ” mình cũng muốn trở thành “nghệ sĩ”. Hiện nay, căn bệnh này đã ăn vào máu nhiều người, ấy vậy mà có thời gian rộ lên nạn chạy giải, chạy điểm vào Hội diễn khá phổ biến. Một số người cố tình làm quen với thành viên BGK sau đó đến nhà hoặc gặp nhau ở quán cafe và cao hơn là gửi file vào email cho vị giám khảo đó xem trước. Và thế là một cuộc nâng đỡ ngoạn mục xảy ra giữa một bên là người chạy giải và một bên là giám khảo. Vào cuộc chấm, ông giám khảo A, nháy cho giám khảo B là bỏ phiếu cho ảnh này nhé, thế là đã có một sự hợp tác bí mật diễn ra giữa hai đối tác. Bởi quy luật, lần này ông giúp tôi, lần khác tôi giúp ông, chuyện này có thể là xảy ra như cơm bữa trước các cuộc thi nhiếp ảnh, chưa kể có cả việc ăn chia sau khi có tác giả vào giải giữa các vị giám khảo chấm giải với nhau.

Nói về trình độ thành viên giám khảo trong nhiều cuộc thi nhiếp ảnh ở Việt Nam hiện nay thì quả là một vấn đề nan giải cần phải bàn luận một cách thấu đáo cho ra gốc rễ; thậm chí phải có những cuộc hội thảo chuyên đề bởi nó động chạm đến học thuật cũng như các vấn đề chuyên sâu khác về nhiếp ảnh. 

Trước mắt, theo cảm nhận của tôi cũng như những gì thực tế đang diễn ra tại các cuộc thi nhiếp ảnh hiện nay thì vấn đề nổi cộm được nhiều nghệ sĩ bàn tán đó là hiện nay đang có nhóm lợi ích tại Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ai gần gũi thân thiết thậm chí biết xu nịnh là họ đồng ý cho vào BGK đi chấm ngay. Tôi còn nhớ ông Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, đã nhiều lần đưa ra tiêu chí là những nghệ sĩ phải có tước hiệu cao mới được vào Ban giám khảo. Nhưng ngược lại ở một số cuộc thi nhiếp ảnh vừa qua, nhiều vị giám khảo chẳng có tước hiệu gì, thậm chí trình độ nhiếp ảnh còn non kém vẫn nghiễm nhiên đi chấm ảnh cho cả những người dự thi có trình độ và tước hiệu cao hơn mình. Tuy vậy, theo quan điểm của tôi không nhất thiết người nghệ sĩ phải có tước hiệu cao mới làm được giám khảo bởi tước hiệu cũng chưa nói lên được điều gì nếu như vị giám khảo đó chưa đủ tố chất cũng như năng lực chuyên môn để có thể ngồi lên vị trí chiếc ghế nóng này.

Dông dài nói về sân chơi nhiếp ảnh cũng như các sân chơi khác phía sau nó là nhiều chuyện bi hài. Chưa kể đến chuyện hai ông thầy kể công đào tạo cho một học sinh rồi khẩu chiến xảy ra kịch liệt; rồi chuyện trò nhiếp ảnh học xong quăng thầy xuống ao, và trăm thứ chuyện ngoài lề về nhiếp ảnh dở khóc, dở cười!

Nhiếp ảnh Việt Nam đang đi về đâu nếu không có sự định hướng rõ ràng của Hội NSNA Việt Nam và sự đồng lòng của tất cả anh chị em hội viên Hội NSNA Việt Nam. Điều mà chúng ta cần làm ngay bây giờ là cần đấu tranh chống bệnh thành tích, ngộ nhận và hãnh tiến trong nhiếp ảnh. Đây là cuộc chiến không cân sức giữa một bên là những người NSNA chân chính và một bên là những NSNA cơ hội, mượn sân chơi nhiếp ảnh để đạo ảnh, trục lợi, mua danh bán chức và chia chác quyền lợi.

Năm 2019, sẽ diễn ra Đại hội nhiếp ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX, hy vọng Đại hội sẽ bầu ra một Ban chấp hành và vị Chủ tịch có tâm, có tầm, đủ sức để đưa phong trào nhiếp ảnh nước nhà lên đỉnh cao mới; tạo một sân chơi trong sạch, bình đẳng cho tất cả hội viên Hội NSNA Việt Nam. 

Phạm Công Thắng