Nhà thơ Dương Thị Xuân Quý: Cuộc đời vẫn đẹp sao
Thơ - Ngày đăng : 11:54, 26/08/2018
Đi qua phố 195 Hàng Bông tôi bồi hồi biết bao kỷ niệm về người bạn cũ. Ngôi nhà vẫn còn, cây bàng vẫn còn… nhưng người bạn ấy đã vĩnh viễn nằm lại làng Thị Thại, Duy Thành, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Qua tin tức tôi thật mừng vì đã tìm thấy phần mộ và bà con nhường mảnh vườn để xây miếu “Cô Quý” khi cải cát ngày 3/8/2006 đã tìm được hài cốt, mảnh xương sọ và chiếc cặp tóc.
Bé Ly con gái Xuân Quý cũng là nhà báo về thắp hương trên mộ mẹ. Tôi cứ cay cay mắt khi ôn những dòng kỷ niệm. Hồi Hà Nội mới giải phóng, tôi học lớp 5A trường Trưng Vương II do cô Thục làm chủ nhiệm, cô Nghiêm Chưởng Châu là hiệu phó. Tôi nhớ có lần được phân vai Táo Quân lên báo cáo với Ngọc Hoàng tình hình của lớp. Bài thơ báo cáo, thể ngũ ngôn do Dương Thị Xuân Quý chắp bút. Bí nhất về chiếc áo thụng, bàn Tôn Nữ Y Lan… mang ngay về cho mượn chiếc áo dài Thượng Hải. Ngượng, nhưng vẫn phải mặc để đóng vai Táo Quân. Tôi, Quý và Thịnh thường tụ tập ở phố Tạ Hiện để biên tập “báo lớp”. Gần đây được gặp anh Tài, cựu chiến binh kể thêm: - Anh cùng Quý và nhiều đoàn viên xuất sắc dịp 19/5 được cử mang tấm hình Bác Hồ kết bằng hạt ngô, đỗ, bí… có nhuộm màu để dâng lên Bác. Bạn bè còn nhớ hình ảnh Dương Thị Xuân Quý năng nổ khi cùng bạn bè đi lao động ở đường Cổ Ngư, đi đắp đê Mai Lâm (Đông Anh)… Bận công tác nhưng Quý vẫn học giỏi trừ môn khoa học tự nhiên phải học, làm bài ở nhà còn các môn khoa học xã hội, Quý chỉ nghe thầy cô giảng và học trong lúc truy bài.
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý ở Trường Sơn
Có lần ra mỏ Đèo Nai tôi được một anh công nhân kể Quý từng ở đây lăn lộn xuống hầm lò để viết về công nhân mỏ, lúc này Quý đang công tác ở báo Phụ nữ Việt Nam. Tôi vẫn dõi theo tác phẩm của bạn: Về làng (1964). Chỗ đứng (1968), Hoa rừng (1969). Giải thưởng Nhà nước về VHNT 2007. Quý hi sinh ngày 8/3/1969 ở Duy Thanh, lúc đó bé Ly mới 16 tháng ở cùng bà ngoại, sơ tán tại Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên. Tôi không cầm nổi nước mắt cũng như nhiều bạn đọc khi đọc “Hoa rừng”: Sáng nay ở cái căn nhà gạch dưới dốc đê làng Mễ ấy, những bố mẹ của lũ trẻ con sơ tán lại mang về cho chúng những chiếc bánh ngọt và cái hôn. Còn Ly của chúng ta chẳng có bố về thăm, cũng chẳng có mẹ. Ly ngồi xổm trên giường nhặt rau với bà. Móng tay của Ly cắc dài và đen nhẻm. Khổ thân con ta biết bao nhiêu. Con ơi, sáng nay, mẹ vừa khóc vì thương con… (trang 273)… Đúng là mùa hè đã tới, con sẽ sống ra sao, trong mùa hè này? Năm ngoái mẹ thường vào màn từ 7 giờ tối ru cho con ngủ và quạt cho con suốt đêm. Năm nay bà ngoại còn có khỏe và quạt cho con không (trang 278)…
Cô giáo Cao Bích Xuân, trường THCS Nghĩa Tân đã chọn bình giảng đoạn nhật ký (Văn 6) để thi giáo viên giỏi ở trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Ít có giờ dạy nào trong đợt thi ấy lại làm xúc động thầy trò đến thế. Cô giáo mắt rưng rưng. Học trò sụt sùi khóc thương. Cô phải ngừng một lúc mới giảng tiếp được ý định của các nhà làm sách đạt hiệu quả vì một thời gian quên mất việc giáo dục gia đình cho các em nhỏ.
***
Nhà Quý nay chuyển về số 37 ngõ Giếng, phố Đông Các, quận Đống Đa. Tôi tìm tới được bà Dương Thị Mai, chị ruột Quý niềm nở đón tiếp và cho xem nhiều kỷ vật sau đó đã chuyển đến Bảo tàng Hà Nội trưng bày bên cạnh tủ kính có kỷ vật của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (1942 - 1970). Tôi cũng hoàn thành tập tư liệu 60 trang gồm bút tích, lưu niệm, bản nhạc, bản đồ… về “Dương Thị Xuân Quý liệt sĩ, nhà văn” gửi tới trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, trường Trung học cơ sở Trưng Vương, để trưng bày nhân 100 năm ngày thành lập (1917 - 2017)…
Xuân Quý, một ánh sao băng giữa trời đã ra đi ngày 8/3/1969. Nhà thơ Bùi Minh Quốc - chồng Quý đã khóc nấc lên trong bài thơ “Thương vợ”. Bài thơ đăng báo Tiền phong khoảng tháng 7/1971, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, nghệ sĩ Quốc Hương ca. Đến nay đã gần nửa thế kỷ vẫn được mọi người yêu thích, các bạn trẻ vẫn hát với nhiều cảm hứng.
Cuộc đời vẫn đẹp sao
Tình yêu vẫn đẹp sao
Dù đạn bom man rợ thét gào
Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích...