Loại bỏ bạo lực gia đình: Cần giải pháp căn cơ, chủ động

Tin tức - Ngày đăng : 11:06, 27/08/2018

Cha mẹ đánh đập con cái, vợ chồng hành hạ, xúc phạm lẫn nhau là những hành động thường thấy khi nói về nạn bạo hành gia đình. Để giảm thiểu tình trạng này, tiến tới loại bỏ tận gốc bạo lực gia đình, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, chủ động hơn nữa.
Loại bỏ bạo lực gia đình: Cần giải pháp căn cơ, chủ động
Một buổi tư vấn về sức khỏe sinh sản và phòng chống bạo lực gia đình tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên). Ảnh: Đình Vinh

Khi gia đình không còn là mái ấm

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vừa nhận được đơn kêu cứu, nhờ can thiệp vụ hai cháu nhỏ, thường trú tại phường Phúc Đồng (quận Long Biên), bị bố đẻ là Lê Văn G. thường xuyên đánh đập dã man. Trước đó, Hội cũng nhận được đề nghị tương tự từ một trường hợp khác ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh), bị bố là Nguyễn Văn Th. bạo hành đến rách giác mạc, bầm tím cơ thể. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ bạo hành gia đình đã và đang diễn ra trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước. Điểm chung của các vụ việc này là đều tồn tại trong thời gian dài trước khi bị đánh động, lên án. Hệ lụy của nó không chỉ là những tổn thương về tinh thần, thể xác, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của gia đình, xã hội.

Thống kê từ Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho thấy, 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm trên cả nước xảy ra khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình và khoảng 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực trong đời. 27% số vụ cấp cứu, 10% ca điều trị y khoa nghiêm trọng tại các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn…; 80% vụ ly hôn trên toàn quốc có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. 

Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu, mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội. Nhức nhối là vậy, song vì nhiều lý do, tình trạng trên vẫn chưa được đẩy lùi. Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhận thức về bình đẳng giới chưa cao cộng thêm các yếu tố kinh tế và tệ nạn xã hội như: Nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, mại dâm…, khiến bạo lực gia đình vẫn còn “đất sống”. Con số thống kê bạo lực gia đình chưa phản ánh hết thực tế, bởi vẫn còn không ít trường hợp im lặng chịu đựng, vì ngại “vạch áo cho người xem lưng” hay “xấu chàng hổ ai”. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn nhiều hạn chế và nhiều người vẫn quan niệm, việc chồng cho vợ vài "bạt tai" hay cha mẹ đánh đập con cái không phải là mầm mống của bạo lực.

Cần ngăn chặn từ gốc
Loại bỏ bạo lực gia đình: Cần giải pháp căn cơ, chủ động
Một buổi tập huấn công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên do Hội Liên hiệp phụ nữ Tiền Giang tổ chức.

Cùng với những nguyên nhân nêu trên, hệ thống luật pháp cũng như các chính sách, chương trình, chiến lược hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình chưa thật sự đi vào cuộc sống; tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất trong các văn bản quy định; sự phối hợp lỏng lẻo, thiếu ổn định, chậm trễ của các ban, ngành, địa phương… cũng tác động không nhỏ tới hiệu quả của công tác này.

Bà Lê Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) cho biết, Thông tư 02/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL về thành lập các cơ sở tham vấn, hỗ trợ nạn nhân quy định người làm công tác tham vấn được cấp chứng chỉ hành nghề, song đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến những người tham gia công tác này gặp khó khăn. Tương tự, các quy định: Hỗ trợ 200.000 đồng chi phí bông băng/năm; 40.000 đến 50.000 đồng chi phí ăn, uống/ngày cho nạn nhân tới xin hỗ trợ tại các “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng cũng được rất ít nơi thực hiện, vì lý do thiếu kinh phí... Cũng về vấn đề này, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội thừa nhận: "Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác gia đình ở địa phương còn thiếu ổn định. Cán bộ phụ trách chủ yếu là kiêm nhiệm, trong khi đội ngũ cộng tác viên hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai, nắm bắt tình hình tại cơ sở…".

Để đẩy lùi bạo hành gia đình, theo luật sư Phạm Hồng Thái (Công ty Luật quốc tế Hồng Thái), cần có các giải pháp chủ động, căn cơ để ngăn chặn từ gốc. Các cơ quan chức năng cần kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục bằng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức với sự vào cuộc có trách nhiệm từ nhiều phía. Khi hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, cần giải quyết gắn với pháp luật để nghiêm trị, răn đe, chứ không đặt “nặng” tính hòa giải.

Ở khía cạnh khác, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần có các chương trình giáo dục kiến thức, kỹ năng về gia đình cho thanh niên trước khi kết hôn; tăng cường trang bị kiến thức nền tảng về văn hóa gia đình cho trẻ nhỏ trong các nhà trường… Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để nhân rộng các mô hình “địa chỉ tin cậy”, “ngôi nhà bình yên”…

Được biết, Bộ VH-TT&DL đang triển khai thí điểm bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 9 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Hy vọng, đây cũng là một trong những giải pháp "mềm" để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

HNM