Làng So có nghề làm miến dong
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:36, 28/01/2022
Làng So còn có tên là Sơn Lộ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km. Đây là ngôi làng cổ được biết đến với ngôi đình So nổi tiếng, được xưng tụng là đẹp nhất xứ Đoài: “Đẹp đình So, to đình Cấn”. Ngoài nghề nông, dân làng còn có nghề truyền thống làm miến dong. Theo các cụ cao niên trong làng và dựa trên nguồn sử liệu là các thần phả được lưu giữ trong đình, nghề làm bún gạo (tiền thân của miến dong) đã xuất hiện ở Làng So hơn 10 thế kỷ trước, gắn với câu chuyện dân làng So làm lễ tiễn Đinh Bộ Lĩnh và 300 tráng đinh lên đường dẹp loạn 12 xứ quân. Từ xa xưa, người dân nơi đây lưu truyền câu ca: “Cỗ yến thiếu miến làng So”, ý nói mâm cỗ dù có nhiều món ngon đến đâu cũng không thể thiếu miến làng So.
Miến dong làng So có hương vị khác biệt so với các nơi khác nhờ được làm hoàn toàn từ củ cây dong riềng mọc nhiều ở khu vực ven bờ bãi sông Đáy. Cùng với đó là nguồn nước ngọt được thẩm thấu từ mạch nước ngầm qua lớp đá ong giúp miến có độ trắng, trong. Để làm được mẻ miến ngon, nguyên liệu phải được chọn kỹ càng với những củ dong riềng đạt chất lượng. Sau khi thu hái về, người dân đem thái nhỏ, phơi khô, nghiền thành bột mịn. Tiếp đó là ngâm, thau rửa bột 3 lần để loại bỏ cặn bã rồi cho vào lò tráng thành từng lớp mỏng, đổ ra khay và cắt thành sợi nhỏ. Cuối cùng, người ta xếp miến lên các phên tre và phơi nắng cho đến khi miến khô, đạt yêu cầu về độ dai, giòn mà không bị nát khi nấu.
Ngày nay, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất, hơn 100 hộ dân làng So đã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ nghề làm miến. Cho dù có những cải tiến nhất định nhưng người dân luôn ý thức giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống của cha ông, để nghề truyền thống không bị mai một và phát triển trong đời sống hiện đại.