Đoàn viên cùng Táo quân

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:04, 31/01/2022

Mỗi đêm 30 Tết, trước giờ khắc đất trời chuyển mình bước sang năm mới, người người, nhà nhà được rộn ràng đoàn viên cùng… Táo quân. Từ đây, những tiếng cười sảng khoái, những ngẫm suy, những ước ao… cứ xôn xao bên ô cửa chào đón mùa xuân về.
Cái lệ đoàn viên cùng... Táo quân ấy khá đặc biệt khi nó trở thành món ăn tinh thần “thương hiệu” cho mỗi gia đình Việt trong suốt 17 năm qua. Thế nên, lẽ ra phải gọi tên đầy đủ là chương trình Gặp nhau cuối năm - một chương trình hài kịch chính luận nhằm tổng kết lại các sự kiện vào dịp cuối năm qua buổi chầu của các Táo với Ngọc Hoàng, nhưng bao lâu nay khán giả chỉ cần gọi ngắn gọn: Táo quân là ai cũng biết. Và, cũng không có gì ngạc nhiên mỗi khi năm cũ chuẩn bị khép lại là bao người lại mong ngóng: Năm nay có Táo quân không? Táo quân sẽ chầu trời những chuyện gì thế nhỉ?

Sang năm thứ 18 - xuân Nhâm Dần 2022 này cũng vậy, vừa bước sang tháng Một âm lịch, khán giả đã lại phấp phỏng dò hỏi về Táo quân. Nỗi phấp phỏng này càng đong đầy hơn bao giờ hết khi suốt năm qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho đời sống, kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn. Rồi thì Táo quân đã từng bị gián đoạn năm 2020 và mới trở lại vào năm 2021 song vẫn chưa thực sự chinh phục được niềm yêu thích của công chúng như những năm xưa. Thậm chí, trong mấy năm trở lại đây, chương trình còn vấp phải những chỉ trích bởi nội dung cũ, diễn xuất nhạt, cảm xúc người xem bị ngắt quãng vì quảng cáo. Không ít ý kiến đã thẳng thắn cho rằng nếu không thể làm mới thì đã đến lúc Táo quân phải “nghỉ hưu”.

Nhưng cũng thật lạ thay, khi đơn vị sản xuất - Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) chính thức thông tin đêm 30 Tết năm nay các Táo sẽ có buổi chầu trên thiên đình thì người người, nhà nhà lại mừng rỡ đón chờ, mừng rỡ nhắc nhớ về những giây phút được cùng người thân quây quần thưởng thức Táo quân qua màn ảnh nhỏ. Những cảm xúc này dường như càng được nâng niu, trân trọng hơn bao giờ hết giữa thời dịch bệnh phức tạp, không thể long rong ngoài phố, không thể vi vu đến những điểm hẹn vui chơi... Và càng đặc biệt hơn với không ít người vì nhiều lý do khác mà không thể về nhà nhưng vẫn có thể tự sưởi ấm lòng mình khi được Táo quân bắc nhịp cầu trở về bên gia đình, người thân.


Vậy năm nay Táo quân có gì mới? Sẽ là sự vắng bóng của Cô Đẩu - NSND Công Lý và anh Nam Tào - NSƯT Xuân Bắc? Bên cạnh các gương mặt Táo quân quen thuộc như NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng, nghệ sĩ Vân Dung... sẽ có những gương mặt mới nào? Nhất là, năm nay các Táo sẽ chầu gì với Ngọc Hoàng?


Cũng như mọi năm, nội dung buổi chầu của các Táo luôn được ê-kíp sản xuất, các nghệ sĩ sáng tạo bí mật đến khi chương trình được chính thức phát sóng vào đêm 30 Tết. Có chăng chỉ “rò rỉ” đôi điều như: Từ giữa năm ê-kíp sản xuất đã ghi nhận các sự kiện nổi bật, những câu thoại hài hước làm chất liệu cho chương trình. Hay, mất vài tuần các anh em nghệ sĩ và ê-kíp thảo luận với nhau để tìm ra chủ đề và làm thế nào để phán ánh những vấn đề năm qua sát nhất qua những lăng kính hài hước, câu chuyện hài hước cũng như những bài hát chế, làm thế nào sát sườn nhất với những vấn đề nổi cộm của xã hội.


Thế nhưng, vì là chương trình tổng kết cuối năm qua lăng kính nghệ thuật nên nội dung chương trình Táo quân vẫn luôn được khán giả dành không ít thời gian đoán già, đoán non sự kiện A rồi vụ việc B trong mỗi chén trà, cuộc cờ hay chỉ là dăm phút nghỉ ngơi sau giờ lao động mệt nhọc. Có thể những đoán già, đoán non ấy trúng hoặc trật nhưng cũng đủ thấy từ lâu Táo quân không đơn thuần dừng lại ở một chương trình giải trí đơn thuần mà còn là nơi khán giả kỳ vọng như một cuộc tổng kết cuối năm về các vấn đề xã hội được thể hiện qua hình thức sân khấu hóa và thậm chí còn là nơi khán giả muốn được dãi bày, gửi gắm những tâm tư, ước nguyện. Và, trong 17 chương trình Táo quân đã được thực hiện từ năm 2003 đến nay thì có không ít những câu chuyện mà Táo quân kể luôn nóng hổi tính thời sự, chạm đến các vấn đề xã hội quan tâm, cùng nhiều câu nói chí lý, thâm thúy mà nhiều người tâm đắc lấy làm câu cửa miệng.


Cũng bởi thế mà rất đỗi tự nhiên khi khán giả luôn khe khắt với Táo quân mong chờ chương trình có một nội dung thực sự chất lượng, sâu sắc trong từng câu thoại được chắt lọc từ cuộc sống, về một cách thể hiện gần gũi, đời thường chứ không phải dừng lại ở những lối mòn nhạt nhẽo, không nói hết, không nói tới được những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Còn nhớ, sau mấy năm nhạt nhòa, đêm 30 Tết Canh Tý 2020 không có buổi chầu trên thiên đình của các Táo quân, thế vào đó là chương trình nghệ thuật tổng hợp mang tên Làng Vũ Đại thời hội nhập với kỳ vọng sẽ là phiên bản mới thay cho chương trình Táo quân. Nhưng chương trình nghệ thuật tổng hợp ấy dù vẫn có sự tham gia của các nghệ sĩ quen mặt ở Táo quân như Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Quốc Khánh, Quang Thắng… và cả những nghệ sĩ nổi tiếng như Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền... song đã không thể cứu vãn cho một kịch bản giải trí nửa vời, màu mè gây thất vọng cho khán giả. Và ngay năm sau - đêm tất niên Tết Tân Sửu 2021 Táo quân đã trở lại, dù chưa thực sự mới mẻ, sâu sắc, hấp dẫn nhưng vẫn được đón chờ.


Thế mới thấy, 17 năm qua, Táo quân đã thực sự xây dựng được “thương hiệu” của mình trong lòng công chúng là những nhớ mong, chờ đợi, kỳ vọng. Vì vậy, từ những nỗ lực của ê-kíp sản xuất, của các nghệ sĩ giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành, hy vọng đêm tất niên Tết Nhâm Dần 2022, khán giả tiếp tục được đoàn viên cùng… Táo quân để thỏa lòng hỉ - nộ - ái - ố chuyện đời, chuyện nhà và cả chuyện của chính mình.

Miên Thảo