Săn ếch trên rừng, thấy nhiều cũng không dám bắt thêm
Tin tức - Ngày đăng : 12:08, 07/09/2018
Những cơn mưa hối hả giăng khắp núi rừng. Nước xối loang lổ, đọng đầy những hang hốc, khe suối, thấm đẫm từng bụi cỏ, gốc cây. Hơi sương quẩn quanh đám lá rụng, không khí ẩm ướt, các loại côn trùng phát triển mạnh, kêu râm ran như dàn đồng ca, xé tan bầu không khí tĩnh mịch của rừng đêm. Đó là lúc nhiều người lặn lội, băng rừng, vượt khe suối săn ếch đát...
Một thanh niên Mỹ Lung xuyên đêm săn ếch đát.
Ông bà ta có câu “con ếch chết vì cái miệng” một phần để nói tới việc loài ếch thường kêu inh om khắp đồng, thế nhưng câu răn ấy dường như chưa thực sự phù hợp với loài ếch đát. Bởi dù đã quen thuộc với người dân nơi bìa rừng, thế nhưng nhiều người chưa từng nghe tiếng kêu của loài ếch ấy.
Ngay cả với những "thợ rừng" lâu năm cũng không nhận biết được khu vực, vị trí, dấu hiệu mà loại ếch này lẩn trốn vào ban ngày. Có lẽ do suốt ngày dài nóng nực, con ếch phải trốn sống dưới những tán rừng, trong hang đá, hốc cây... nên khi đêm về chúng mới ra bờ khe, bờ suối kiếm mồi.
Những đêm hè, ếch đát ngồi trên phiến đá ở vị trí cao nhất, thoáng nhất để chờ bắt những loại côn trùng bay ngang qua. Chỗ này một con, chỗ kia từng cặp, chễm chệ ngồi, dạn dĩ giương cặp mắt to, tròn xoe chăm chăm nhìn ánh đèn, ánh đuốc đỏ rực quét qua, thế là người đi rừng cứ tự nhiên đến bắt mà không cần rón rén...
Ếch đát có nhiều loại, nhưng phổ biến mà người dân địa phương hay bắt là loại "ếch cóc" vì chúng có vẻ ngoài màu đen, sù sì giống con cóc hoặc "ếch nai" thường to, thân vuông... có những con to hơn cả bàn tay người lớn, trọng lượng đến 4 - 5 lạng/con.
Đi bắt ếch rất đơn giản, không cần chuẩn bị và đầu tư nhiều dụng cụ. Ngoài chiếc đèn pin hoặc ắc quy là dụng cụ không thể thiếu, người ta chuẩn bị đoạn ống giang để nguyên phần mấu mắt ở một đầu, đầu còn lại chẻ thành nhiều lạt để buộc bụng con ếch lúc bắt được. Làm như vậy thì mỗi con ếch sẽ được buộc vào 1 lạt, buộc được nhiều hơn mà chúng sẽ không bị xô, đè vào nhau như đựng trong giỏ hay túi tải và khi phải xách để di chuyển, đi lại trong rừng cũng dễ dàng hơn.
Thịt ếch đát ngọt, mát nên là món ăn ưa thích của nhiều người
Cuối giờ chiều, lúc mặt trời đã chuyển dần sang màu đỏ, nằm chênh chếch trên đỉnh núi, với "cơm nắm lá dong" gói sẵn mang theo, những "thợ săn" ở Mỹ Lung bắt đầu hành trình vào rừng.
Đi bộ hết đường nhựa tới đường mòn, rồi đi dọc theo khe đá sâm sấp nước, cây cối, dây leo phủ kín hai bên, chừng quá một tiếng đồng hồ, trước khi trời tối mới soạn đèn pin, dụng cụ và ăn cơm ngay ở rừng trước khi bắt đầu ngược khe tìm bắt ếch đát. Khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Thọ - Yên Bái là vùng núi khá cao, nhiều khe, suối như: Ao giời - suối Tiên, khe Ván, khe Rêu, khe Dâu...
Thanh niên khỏe chân, chăm đi thì từ lúc chập tối đến 2-3 giờ sáng mới tới được đỉnh khe. Rừng đêm lạnh và nhiều sương nên chỉ nghỉ mệt lát là những người săn ếch xuôi khe quay về để kịp lúc trời sáng.
Anh Chiến - một người dân địa phương cho biết: "Khoảng hơn 20 năm về trước, ếch đát khá nhiều và cũng rất quen với những người dân Mỹ Lung. Khi đi làm trên nương, trời tối đi vòng vòng ở bờ khe, hết cây đóm là có thịt ếch nấu canh ăn tối...
"Loài ếch đát có khả năng "dự báo thời tiết" rất chính xác bởi khi con ếch ngồi trên mỏm đá nhìn ra khe nước tức là trời còn tiếp tục nắng nóng. Thế nhưng khi thấy nó ngồi quay đầu vào phía trong rừng thì lâu lắm cũng chỉ hai tiếng đồng hồ sau là sẽ có mưa, bởi vậy người đi săn ếch hay đi rừng phải quay trở về hoặc tìm chỗ trú thật nhanh để tránh mưa, tránh lũ khe, lũ quét", anh Chiến cho biết thêm về loài ếch đát.
Ếch đát có thịt màu trắng, rất dai dù hầm kỹ, mùi vị thơm ngọt và mát nên trẻ con người lớn đều thích ăn. Sớm ra, thấy người đi rừng về thủng thẳng bước chân, nặng nề túm ếch là nhiều người hỏi mua với mức giá trung bình khoảng 120.000 đồng/kg.
Tuy vậy, người ta chỉ bán khi bắt được quá nhiều, bởi chủ yếu họ sẽ đem biếu người thân, hàng xóm, phần còn lại để gia đình thưởng thức. Những con ếch rừng to mập, da đốm xanh đốm nâu, thân bóng nhẫy, hai đùi căng mọng... thường được người dân địa phương nấu với hoa chuối, lóng chuối, măng rừng hoặc nấu cháo. Khi nấu chỉ cần thêm một chút muối là đã đủ ngọt, đậm, không cần thêm bất kể loại gia vị gì khác.
Mỗi đêm như vậy, một người có thể bắt được tới cả chục cân ếch, nhưng theo kinh nghiệm đi rừng thì họ không bắt quá nhiều bởi việc di chuyển trong rừng rất khó khăn, trơn trượt, những "túm" ếch nặng sẽ cản trở tốc độ và đôi khi còn gây nguy hiểm cho những người đi rừng.
Người săn ếch đát giống như những cánh vạc giữa rừng, bởi chẳng ai biết trước chuyến vượt khe, vượt suối trắng đêm có mang về kết quả như mong muốn. Vất vả là thế nhưng lâu nay, người dân Mỹ Lung vẫn giữ thói quen đi săn ếch như một bản sắc riêng của vùng đất bìa rừng. Và những đêm hè oi nồng, tĩnh mịch, trên những khe suối tận đỉnh núi cao vẫn sáng lập lòe ánh đèn của những người dân trong mùa săn ếch đát.
Ông Trần Kim Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung vui vẻ kể: "Ngày xưa đi rừng, dụi tàn đóm rơi vào đầu con ếch mà nó cũng không chạy, lấy tay "vuỗi" mắt rồi lại chễm chệ ngồi nhìn. Chẳng biết các nơi khác thế nào, chứ cụm từ "giương mắt ếch" được người dân Mỹ Lung dùng để dạy dỗ trẻ nhỏ trong lễ nghi, phép tắc, chào hỏi với người lớn tuổi hơn chính là từ hình ảnh con ếch đát...".