Hà Nội: Phát triển công nghiệp văn hóa đã hội đủ các điều kiện cần thiết
Tin tức - Ngày đăng : 21:16, 31/01/2022
Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII đã thông qua Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là điều kiện quan trọng để các cấp, các ngành của thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển. Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên tạp chí Người Hà Nội có cuộc trò chuyện với ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội để hiểu rõ hơn về câu chuyện phát triển văn hóa ở Thủ đô.
Ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
PV: Thưa ông, sau khi Hà Nội có Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa thì nhiệm vụ này đang được nhiều người quan tâm. Vậy, ông có thể chỉ ra những đặc tính cơ bản của ngành công nghiệp văn hóa?
Ông Phạm Thanh Học: “Các ngành công nghiệp văn hóa” (Cultural industries) là khái niệm được sử dụng để chỉ các ngành sản xuất và dịch vụ văn hóa khác nhau cung cấp theo thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia và gắn kết các sản phẩm văn hóa của từng quốc gia lại với nhau trong quá trình toàn cầu hóa để nuôi dưỡng phát triển sự đa dạng văn hóa cả trong hiện tại lẫn tương lai. Theo UNESCO, công nghiệp văn hóa (CNVH) được xác định là một ngành công nghiệp có sự kết hợp của 3 đặc tính cơ bản: sáng tạo, cơ sở hạ tầng, công nghệ sản xuất hiện đại. Theo quan điểm này trên thế giới có nhiều ngành công nghiệp văn hóa khác nhau. Ở Việt Nam chiến lược phát triển các ngành CNVH của Chính phủ đã xác định 12 ngành, gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Một vấn đề rất đáng nói ở đây đó là CNVH phải gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ. Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) coi CNVH là một bộ phận quan trọng của công nghiệp bản quyền (copyright industries). Ngành CNVH là ngành tập trung khai thác năng lực sáng tạo của con người, và nhân rộng giá trị sáng tạo đó tới đông đảo người thụ hưởng. Vì vậy, vấn đề bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề đặc biệt quan trọng, giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ thể sáng tạo và góp phần khuyến khích các hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về chủ thể của ngành công nghiệp văn hóa cũng như mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật với kinh doanh, thị trường và doanh nghiệp?
Ông Phạm Thanh Học: Có nhiều cách tiếp cận để xác định chủ thể của ngành CNVH. Đứng về mặt quản lý Nhà nước, định hướng hoạch định chính sách phát triển thì chủ thể phải là Nhà nước hay cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Về sáng tạo ra sản phẩm văn hóa thì chủ thể phải là những người làm sáng tạo (văn nghệ sĩ, trí thức, nghệ nhân, doanh nhân...). Về tổ chức các dịch vụ văn hóa, phân phối, lưu thông sản phẩm văn hóa, ứng dụng KHCN hiện đại vào sản xuất, tổ chức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp thì chủ thể phải là doanh nghiệp.
Để phát triển các ngành CNVH đòi hỏi nhận thức rõ vị trí, vai trò của mỗi chủ thể trong từng công đoạn tạo ra sản phẩm CNVH. Các chủ thể nêu trên có sự liên kết, tương tác, hình thành mối quan hệ biện chứng, tạo nên lực lượng sản xuất chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành CNVH.
Đầu tiên chúng ta xác định rõ vai trò của các chủ thể khi tham gia vào các khâu từ sản xuất đến kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay từ xu thế thế giới cho thấy, vai trò chủ thể của doanh nghiệp có vị trí rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết trong quá trình phát triển các ngành CNVH. Khi chuyển từ một sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật thành hàng hóa phải có doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải tự xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tạo ra sản phẩm và nguồn doanh thu khi đáp ứng những yêu cầu thị trường dưới sự quản lý của nhà nước. Doanh nghiệp chuyên sản xuất các dịch vụ văn hóa - nghệ thuật rồi kinh doanh những sản phẩm, tác phẩm ấy... Lúc đó công nghiệp văn hóa mới thực sự hình thành. Nó không những mang lại nguồn thu khổng lồ mà còn chi phối trực tiếp đến đời sống hằng ngày của hàng tỷ khách hàng, thậm chí còn mang hệ giá trị, biểu tượng thẩm mỹ của quốc gia, dân tộc... Ví dụ ngành thiết kế và thời trang trên thế giới lâu nay có những thương hiệu dẫn dắt cả xu hướng tiêu dùng của nhiều người trên trái đất như Louis Vuitton, Hermes, Channel, Cartier, Tiffany, Kenzo, Gucci, Versace...
Ở nước ta, năm 2017 nhà thiết kế Công Trí cũng chính thức bước vào thế giới thời trang cao cấp (haute couture) toàn cầu khi có những đơn đặt hàng của hai khách hàng nổi tiếng là ca sĩ Rihanna và ca sĩ Katy Perry...
Tôi thấy, hiện nay có những nhóm người hoặc công ty có khả năng tạo ra giá trị rất lớn về kinh tế mà chủ yếu bằng nguồn tài nguyên chính là sự sáng tạo. Ví dụ ngành sáng tạo phần mềm và game vừa qua ở Hà Nội có thông tin về những cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân hàng chục tỉ đồng năm 2020 cho nguồn doanh thu trăm tỉ từ viết phần mềm trên Google Play, App Store. Trong điện ảnh, phim Hai Phượng lần đầu tiên cán mốc triệu USD doanh thu phòng vé năm 2020, để rồi kỷ lục này của phim Việt được phá bởi Bố già với 420 tỉ doanh thu tại thị trường Việt Nam và 1,08 triệu USD tại thị trường nước ngoài và nhiều thương hiệu phim Việt ra đời liên tục lọt top phim ăn khách như Lật mặt và Gái già lắm chiêu...
PV: Ông có ý kiến gì về Nghị quyết phát triển Công nghiệp văn hóa vừa được Đại hội Đảng bộ Thành phố thông qua?
Ông Phạm Thanh Học: Theo tôi, vấn đề văn hóa đã được đề cập qua các kỳ đại hội Đảng bộ thành phố. Đến kỳ này, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi từ thực tiễn, nhất là tiếp thu tinh thần mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và xu thế thời đại, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa đã hội đủ các điều kiện cần thiết.
Nghị quyết được xây dựng công phu trên cơ sở tổng hợp từ thực tiễn về công tác phát triển văn hóa trong thời gian qua; tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực và tham vấn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng nhiều ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Nghị quyết đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng của thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, thành phố tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào 6 ngành, lĩnh vực để trở thành kinh tế mũi nhọn, đó là: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ. Đáng chú ý, Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% trong GRDP của thành phố, đến năm 2030 đóng góp khoảng 8%, đến năm 2045 đóng góp khoảng 10%.
PV: Ông có thể cho biết, những năm qua ngành công nghiệp văn hóa đã có những đóng góp như thế nào về giá trị kinh tế cho thành phố?
Ông Phạm Thanh Học: Qua điều tra khảo sát, tạm tính năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp giá trị khoảng 1,49 tỷ USD, tương đương 3,7% GRDP. Tuy nhiên, giá trị này còn chưa thống kê được đóng góp của các làng nghề trên địa bàn thành phố, nên chỉ tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp 4-5% là phù hợp và có tính khả thi. Cứ đóng góp 1% GRDP thì tương đương với 0,5% lực lượng lao động. Vì vậy cho nên khi chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa sẽ mở ra rất nhiều triển vọng.
PV: Ông có đánh giá gì về thực trạng đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa của Hà Nội hiện nay?
Ông Phạm Thanh Học: Qua 9 năm thực hiện Nghị quyết số11/2012/NQ-HĐND, lĩnh vực văn hóa của Thủ đô đang phát triển theo đúng định hướng. Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã quan tâm đầu tư, bố trí gần 17.000 tỷ đồng cho công tác phát triển văn hóa. Từ năm 2013 đến nay, có 10 dự án lớn (1 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang triển khai) với số vốn khoảng 700 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa. Các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đông đảo đời sống của nhân dân được quan tâm đầu tư. Mặc dù vậy việc thực hiện nghị quyết ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa đồng bộ, nhiều lúng túng; nhiều chỉ tiêu, đề án, dự án thiếu tính khả thi nên không được hoàn thành hoặc bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Tỷ lệ ngân sách thành phố đầu tư cho các thiết chế văn hóa trên địa bàn mới đạt 0,83% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố; nguồn lực chi thường xuyên bố trí cho lĩnh vực văn hóa chiếm 1,9% tổng chi thường xuyên ngân sách thành phố. Định mức chi cho hoạt động sự nghiệp văn hóa cấp thành phố là 13.000 đồng/người/năm, cấp huyện là 9.000 đồng/người/năm… Có thể thấy đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa đâu đó còn dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
PV: Để khắc phục những hạn chế đó, theo ông Hà Nội cần có những giải pháp cụ thể nào?
Ông Phạm Thanh Học: Theo tôi, Hà Nội cần rà soát, đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thực hiện nội dung quy hoạch văn hóa cho giai đoạn 2021-2030 và định hướng cho những năm tiếp theo. Cùng với đó là bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao sang mục đích khác. Để phát triển lĩnh vực văn hóa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, Hà Nội cần tăng cường nguồn lực đầu tư, cân đối tỷ lệ vốn ngân sách phù hợp. Bên cạnh đó, Hà Nội cần thu hút, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho phát triển văn hóa. Có cơ chế chính sách hấp dẫn, khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào thị trường công nghiệp văn hóa, nhất là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tính đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển. Đặc biệt, thành phố cũng cần phát huy được tối đa lòng tự hào, tinh thần đổi mới sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô nhằm tạo nên những đột phá mới trong sáng tạo sản phẩm văn hóa mang tầm khu vực và thế giới, góp phần đưa ngành CNVH Thủ đô phát triển bền vững, thiết thực xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
PV: Nhân dịp năm mới, ông có nhắn nhủ gì tới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô?
Ông Phạm Thanh Học: Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Chúc các văn nghệ sĩ dồi dào sức khỏe, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chúc cán bộ, phóng viên, biên tập viên, tạp chí Người Hà Nội đoàn kết, phát triển xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc gần xa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
PV: Ông có thể nói rõ hơn về chủ thể của ngành công nghiệp văn hóa cũng như mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật với kinh doanh, thị trường và doanh nghiệp?
Ông Phạm Thanh Học: Có nhiều cách tiếp cận để xác định chủ thể của ngành CNVH. Đứng về mặt quản lý Nhà nước, định hướng hoạch định chính sách phát triển thì chủ thể phải là Nhà nước hay cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Về sáng tạo ra sản phẩm văn hóa thì chủ thể phải là những người làm sáng tạo (văn nghệ sĩ, trí thức, nghệ nhân, doanh nhân...). Về tổ chức các dịch vụ văn hóa, phân phối, lưu thông sản phẩm văn hóa, ứng dụng KHCN hiện đại vào sản xuất, tổ chức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp thì chủ thể phải là doanh nghiệp.
Để phát triển các ngành CNVH đòi hỏi nhận thức rõ vị trí, vai trò của mỗi chủ thể trong từng công đoạn tạo ra sản phẩm CNVH. Các chủ thể nêu trên có sự liên kết, tương tác, hình thành mối quan hệ biện chứng, tạo nên lực lượng sản xuất chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành CNVH.
Đầu tiên chúng ta xác định rõ vai trò của các chủ thể khi tham gia vào các khâu từ sản xuất đến kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay từ xu thế thế giới cho thấy, vai trò chủ thể của doanh nghiệp có vị trí rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết trong quá trình phát triển các ngành CNVH. Khi chuyển từ một sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật thành hàng hóa phải có doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải tự xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tạo ra sản phẩm và nguồn doanh thu khi đáp ứng những yêu cầu thị trường dưới sự quản lý của nhà nước. Doanh nghiệp chuyên sản xuất các dịch vụ văn hóa - nghệ thuật rồi kinh doanh những sản phẩm, tác phẩm ấy... Lúc đó công nghiệp văn hóa mới thực sự hình thành. Nó không những mang lại nguồn thu khổng lồ mà còn chi phối trực tiếp đến đời sống hằng ngày của hàng tỷ khách hàng, thậm chí còn mang hệ giá trị, biểu tượng thẩm mỹ của quốc gia, dân tộc... Ví dụ ngành thiết kế và thời trang trên thế giới lâu nay có những thương hiệu dẫn dắt cả xu hướng tiêu dùng của nhiều người trên trái đất như Louis Vuitton, Hermes, Channel, Cartier, Tiffany, Kenzo, Gucci, Versace...
Ở nước ta, năm 2017 nhà thiết kế Công Trí cũng chính thức bước vào thế giới thời trang cao cấp (haute couture) toàn cầu khi có những đơn đặt hàng của hai khách hàng nổi tiếng là ca sĩ Rihanna và ca sĩ Katy Perry...
Tôi thấy, hiện nay có những nhóm người hoặc công ty có khả năng tạo ra giá trị rất lớn về kinh tế mà chủ yếu bằng nguồn tài nguyên chính là sự sáng tạo. Ví dụ ngành sáng tạo phần mềm và game vừa qua ở Hà Nội có thông tin về những cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân hàng chục tỉ đồng năm 2020 cho nguồn doanh thu trăm tỉ từ viết phần mềm trên Google Play, App Store. Trong điện ảnh, phim Hai Phượng lần đầu tiên cán mốc triệu USD doanh thu phòng vé năm 2020, để rồi kỷ lục này của phim Việt được phá bởi Bố già với 420 tỉ doanh thu tại thị trường Việt Nam và 1,08 triệu USD tại thị trường nước ngoài và nhiều thương hiệu phim Việt ra đời liên tục lọt top phim ăn khách như Lật mặt và Gái già lắm chiêu...
PV: Ông có ý kiến gì về Nghị quyết phát triển Công nghiệp văn hóa vừa được Đại hội Đảng bộ Thành phố thông qua?
Ông Phạm Thanh Học: Theo tôi, vấn đề văn hóa đã được đề cập qua các kỳ đại hội Đảng bộ thành phố. Đến kỳ này, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi từ thực tiễn, nhất là tiếp thu tinh thần mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và xu thế thời đại, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa đã hội đủ các điều kiện cần thiết.
Nghị quyết được xây dựng công phu trên cơ sở tổng hợp từ thực tiễn về công tác phát triển văn hóa trong thời gian qua; tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực và tham vấn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng nhiều ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Nghị quyết đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng của thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, thành phố tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào 6 ngành, lĩnh vực để trở thành kinh tế mũi nhọn, đó là: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ. Đáng chú ý, Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% trong GRDP của thành phố, đến năm 2030 đóng góp khoảng 8%, đến năm 2045 đóng góp khoảng 10%.
PV: Ông có thể cho biết, những năm qua ngành công nghiệp văn hóa đã có những đóng góp như thế nào về giá trị kinh tế cho thành phố?
Ông Phạm Thanh Học: Qua điều tra khảo sát, tạm tính năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp giá trị khoảng 1,49 tỷ USD, tương đương 3,7% GRDP. Tuy nhiên, giá trị này còn chưa thống kê được đóng góp của các làng nghề trên địa bàn thành phố, nên chỉ tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp 4-5% là phù hợp và có tính khả thi. Cứ đóng góp 1% GRDP thì tương đương với 0,5% lực lượng lao động. Vì vậy cho nên khi chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa sẽ mở ra rất nhiều triển vọng.
PV: Ông có đánh giá gì về thực trạng đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa của Hà Nội hiện nay?
Ông Phạm Thanh Học: Qua 9 năm thực hiện Nghị quyết số11/2012/NQ-HĐND, lĩnh vực văn hóa của Thủ đô đang phát triển theo đúng định hướng. Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã quan tâm đầu tư, bố trí gần 17.000 tỷ đồng cho công tác phát triển văn hóa. Từ năm 2013 đến nay, có 10 dự án lớn (1 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang triển khai) với số vốn khoảng 700 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa. Các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đông đảo đời sống của nhân dân được quan tâm đầu tư. Mặc dù vậy việc thực hiện nghị quyết ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa đồng bộ, nhiều lúng túng; nhiều chỉ tiêu, đề án, dự án thiếu tính khả thi nên không được hoàn thành hoặc bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Tỷ lệ ngân sách thành phố đầu tư cho các thiết chế văn hóa trên địa bàn mới đạt 0,83% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố; nguồn lực chi thường xuyên bố trí cho lĩnh vực văn hóa chiếm 1,9% tổng chi thường xuyên ngân sách thành phố. Định mức chi cho hoạt động sự nghiệp văn hóa cấp thành phố là 13.000 đồng/người/năm, cấp huyện là 9.000 đồng/người/năm… Có thể thấy đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa đâu đó còn dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
PV: Để khắc phục những hạn chế đó, theo ông Hà Nội cần có những giải pháp cụ thể nào?
Ông Phạm Thanh Học: Theo tôi, Hà Nội cần rà soát, đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thực hiện nội dung quy hoạch văn hóa cho giai đoạn 2021-2030 và định hướng cho những năm tiếp theo. Cùng với đó là bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao sang mục đích khác. Để phát triển lĩnh vực văn hóa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, Hà Nội cần tăng cường nguồn lực đầu tư, cân đối tỷ lệ vốn ngân sách phù hợp. Bên cạnh đó, Hà Nội cần thu hút, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho phát triển văn hóa. Có cơ chế chính sách hấp dẫn, khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào thị trường công nghiệp văn hóa, nhất là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tính đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển. Đặc biệt, thành phố cũng cần phát huy được tối đa lòng tự hào, tinh thần đổi mới sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô nhằm tạo nên những đột phá mới trong sáng tạo sản phẩm văn hóa mang tầm khu vực và thế giới, góp phần đưa ngành CNVH Thủ đô phát triển bền vững, thiết thực xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
PV: Nhân dịp năm mới, ông có nhắn nhủ gì tới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô?
Ông Phạm Thanh Học: Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Chúc các văn nghệ sĩ dồi dào sức khỏe, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chúc cán bộ, phóng viên, biên tập viên, tạp chí Người Hà Nội đoàn kết, phát triển xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc gần xa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!