Sáng ngời phẩm chất người chiến sĩ cảnh vệ
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:34, 12/09/2018
Dù ở thời chiến hay thời bình, trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào thì các cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đều nỗ lực hết mình, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp bảo vệ Đảng, chính quyền, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ.
Người lính “3 không”
Trong không khí hân hoan của mùa thu lịch sử, phóng viên báo Người Hà Nội đã có buổi trao đổi với ông Trịnh Văn Xuýt, một cán bộ cảnh vệ đã từng sống và chiến đấu qua những thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, bảo vệ tổ quốc thiêng liêng để hiểu được thêm những hy sinh thầm lặng của người lính cảnh vệ.
Với ông Xuýt, còn sống là còn cống hiến cho quê hương, đất nước.
Gặp ông tại tổ dân phố số 2, (phường Quan Hoa, quận Cầu giấy, TP. Hà Nội) ông Xuýt cho biết, vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 16 tuổi, ông đã sớm tham gia hoạt động kháng chiến với vai trò là dân quân du kích, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Đến tháng 10 năm 1968, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ vào đơn vị Công an vũ trang E600 (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) đơn vị trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh tụ của Đảng, Nhà nước. Trực tiếp tham gia chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ tại Ba Đình, Hà Nội; góp phần cùng quân, dân cả nước làm lên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, giành độc lập dân tộc.
Ngược dòng lịch sử, nhớ về những năm tháng hào hùng của một thời chiến tranh ác liệt, ông Xuýt cho biết: “Hồi ấy và bây giờ, việc bảo vệ lãnh tụ, lãnh đạo đều phải tuyệt đối bí mật, ban ngày cũng như ban đêm, nhất quyết đều phải âm thầm, lặng lẽ. Từ việc đi đứng, họp hành đều phải tuyệt đối bí mật, ngày cũng như đêm không để lộ bất cứ một thông tin nào, đi đêm cũng không được soi đèn, họp hội ý cũng chỉ nói thầm, thậm chí đến việc phơi phóng quần áo cũng đều phải rất cẩn trọng…”.
Bảo vệ trên đất liền đã khó, nhưng trên biển còn khó hơn. Cảnh vệ luôn phải căng mắt quan sát dù trời nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, dù rét buốt đến thấu xương hay những khi trưa hè nắng như đổ lửa. Chỉ cần một phút lơ là mất tập trung, là có thể sẽ phải đối diện với các cuộc tập kích bất ngờ của “người nhái” hoặc bom đạn của kẻ thù, an nguy của lãnh tụ, lãnh đạo cũng vì vậy sẽ bị ảnh hưởng.
Với mỗi người lính cảnh vệ, những điều mình làm, mình thấy đều là bí mật, họ gọi là điều 3 không. Tuyệt đối không được làm phiền người mà mình bảo vệ, không được lên tiếng nói chuyện trước, không được nở nụ cười cầu cạnh trước. Trong đó, có cả những điều suốt cả cuộc đời tâm niệm là “sống để bụng chết mang theo”. Nghĩa là bí mật, ngay cả vợ con, người thân cũng không hề thổ lộ.
Kỷ niệm khiến ông Xuýt không thể nào quên đó là lần bảo vệ cố Tổng Bí thư Trường Chinh lên Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. “Ngày đó, Tam Đảo không có hầm trú ẩn nên để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải lên phương án chi tiết nhất. Với nhiều kế hoạch được vạch ra. Đặt giả thuyết, nếu bị lộ, địch bao vậy là phải bảo vệ Tổng Bí thư vượt rừng núi Tam Đảo để đi qua vùng ATK (An toàn khu) Thái Nguyên. Trong các vùng ATK nếu không may bị tấn công là sẵn sàng đóng cửa hầm để cố thủ và sẵn sàng hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ lãnh đạo của mình…”, ông Xuýt nhớ lại.
Xác định công việc cảnh vệ gian nan vất vả cả ngày lẫn đêm, nên tất cả việc riêng tư, gia đình, ông đều phải gác lại và nêu cao tinh thần không ngừng học hỏi, nỗ lực, phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó. Những cố gắng không biết mệt mỏi của ông được ghi nhận với nhiều danh hiệu: “Vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ Lãnh tụ”, kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” cùng rất nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.
Trọn đời với lý tưởng cao đẹp
Hòa bình được lập lại, ông tiếp tục tham gia công tác bảo vệ an ninh, quân sự tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Trưởng phòng Bảo vệ, dường như nghiệp nhà binh đã là một phần trong con người ông.
50 năm đã trôi qua kể từ ngày ông bắt đầu đảm nhiệm trọng trách thiêng liêng nhưng với thân hình quắc thước, ánh mắt tinh anh, khuôn mặt hiền lành, đậm nét giản dị nhưng vẫn toát lên một phẩm chất, khí phách đặc trưng người lính cảnh vệ. Không một ngày nghỉ ngơi, sau thời gian nghỉ chế độ, ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương được người dân tín nhiệm với nhiều vai trò kiêm nhiệm khác nhau như: Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu dân cư, được người dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Nhờ những năm tháng được bảo vệ, học tập các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nên khi trở về địa phương với vai trò tổ trưởng tổ dân phố, ông đã cùng các cựu chiến binh và người dân nơi đây phấn đấu, xây dựng trở thành khu dân cư kiểu mẫu liên tục trong nhiều năm.
6 năm công tác làm tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Quan Hoa cũng ngần đó năm tổ dân phố số 2 được công nhận là tổ dân phố văn hóa, tổ dân phố sạch đẹp, tổ dân phố đoàn kết... Trong tổ dân phố, các hộ dân đều có mức sống khá, không có hộ nghèo và cận nghèo; đời sống văn hóa được nâng cao, an ninh chính trị, an toàn, trật tự xã hội được ổn định. Chi hội Cựu chiến binh do ông làm Chi hội trưởng năm nào cũng được công nhận là chi hội trong sạch, vững mạnh, xuất sắc. Bản thân ông được Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khen tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt năm 2017”.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Quang Thận, Bí thư Chi bộ số 1, (Phường Quan Hoa, quận Cầu giấy) cho biết: Khi bác Xuýt nghỉ hưu năm 2012, tôi và bác Xuýt đều tham gia sinh hoạt tại tổ dân phố số 2. Với sự tín nhiệm, bác Xuýt được nhân nhân khu phố bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Trong quá trình công tác ở địa phương, bác Xuýt là một người trách nhiệm với công việc. Đồng thời, rất gần dân, sát dân, chia sẻ nắm bắt tâm tư nguyện vọng nhân dân. Trong suốt quá trình công tác tại địa phương, tổ dân phố luôn là đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua yêu nước mà phường Quan Hoa phát động.
Nhiều năm liền, bác Xuýt vinh dự được quận Cầu Giấy tặng danh hiệu “Người tốt - Việc tốt”, Chi hội Cựu chiến binh do bác Xuýt đứng đầu cũng luôn là chi hội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu của Hội Cựu chiến binh phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy.
Trong ngôi nhà đầy ắp tiếng cười của 4 thế hệ truyền thống nối tiếp nhau giữa lòng thủ đô, ông Xuýt nở nụ cười mãn nguyện khi kể về ngày 19/5 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông vinh dự được cùng đoàn cán bộ, nhân dân quận Cầu Giấy tới viếng Bác và báo công trước Lăng Bác.
Năm nay chuẩn bị bước sang tuổi 70, nhưng ông luôn tâm niệm “Còn sức khỏe là còn cống hiến”, mỗi hành động và việc làm là sự khẳng định về phẩm chất của người lính cảnh vệ, thành công có được là do lòng nhiệt huyết, cố gắng không mệt mỏi với tác phong làm việc của người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam.