Bảo mật sinh trắc học lần đầu có tiêu chuẩn đánh giá chính quy
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 20:45, 12/09/2018
Giờ đây, bảo mật sinh trắc học đã rất quen thuộc trên thiết bị di động và ngày càng phổ biến đối với máy tính cá nhân. Tuy nhiên, thế giới chưa hề có tiêu chuẩn nào để đánh giá các công nghệ này trong suốt nhiều năm qua.
Chính vì vậy, khi Liên minh FIDO (FIDO Alliance) công bố Chương trình Chứng nhận thành phần sinh trắc học (BCCP: Biometric Component Certification Program), người tiêu dùng và các doanh nghiệp công nghệ trên toàn cầu đã nhanh chóng bày tỏ sự quan tâm.
Được thành lập vào tháng 2-2013, liên minh có trụ sở tại Mỹ này được sáng lập bởi nhiều đơn vị có tên tuổi, gồm Lenovo, PayPal, Nok Nok Labs... Tới cuối năm 2016, Liên minh FIDO đã quy tụ được hơn 260 thành viên, với Ban Điều hành bao gồm cả MasterCard, Intel, Microsoft, Samsung, Qualcomm, NTT Docomo...
Sử dụng phòng thí nghiệm độc lập để đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn của các công nghệ bảo mật sinh trắc học (như nhận diện khuôn mặt, đọc dấu vân tay, đọc mống mắt...), FIDO khẳng định BCCP sẽ giải quyết rất nhiều phức tạp đang tồn tại trong lĩnh vực này, điển hình là việc mỗi hãng nếu muốn chứng minh cơ chế bảo mật nhận diện khuôn mặt của mình không thể bị lừa bởi một bức ảnh, họ sẽ phải tiến hành thực nghiệm và quảng bá quá trình này. Thay vào đó, với BCCP, chỉ cần chứng nhận dán trên sản phẩm là đủ đảm bảo hiệu quả của công nghệ bảo mật tích hợp.
BCCP cũng được kỳ vọng sẽ đem tới sự an tâm cho cả người dùng và các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ rằng các hệ thống bảo mật sinh trắc học là đáng tin cậy để triển khai cho các ứng dụng. Với các nhà sản xuất linh kiện, BCCP cũng cho phép tiết kiệm tiền bạc và thời gian thông qua việc cắt giảm các khâu thử nghiệm, chứng thực tính hiệu quả của sản phẩm như nêu ở trên. Nói cách khác, với sự hiện diện của BCCP, Liên minh FIDO kỳ vọng sẽ tạo ra một tiêu chuẩn cơ bản cho các công nghệ bảo mật sinh trắc học vốn đang rất đa dạng và khó đánh giá chính xác độ tin cậy.