Như áng mây trôi

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 18:58, 01/02/2022

Đò đã sang sông. Phan đã đi rồi. Tôi đứng chôn chân vào bãi cát, tần ngần nhìn dòng trôi. Những khóm lục bình tan tác. Từng cánh tím lịm rã rời. Hoàng hôn sẫm tối. Chỉ còn là gió vi vút.
Như áng mây trôi
Minh họa: Hữu Tiệp.

Phan đã đợi tôi đến chuyến đò cuối cùng. Nhưng tôi không dám gặp Phan để nói lời từ biệt. Tôi đứng nép vào bụi cây nhìn con thuyền lòe nhòe rồi tan vào màn sương.

Tôi không thể sang bờ bên kia, cũng như Phan không thể vì tôi mà ở lại. Mỗi chúng tôi đều có con đường riêng trước mặt. Tôi quay lưng đi, để lại đằng sau dòng sông âm thầm hòa vào bóng tối.

***

Mùa này, xuyến chi đâm lên những đọt non, xanh mỡ màng. Tôi bứt một loáng đã được đầy một rổ. Chợt nhớ Phan cũng thích ăn ngọn xuyến chi xào tỏi. Có lần chúng tôi đi hết cả buổi chiều chỉ để hái ngọn xuyến chi ở bãi sông. Những bông hoa trắng mỏng tang run rẩy trong gió. Cánh hoa rớt xuống, nhụy hoa thành hạt, từng hạt nâu bóng mảnh dẻ có cái móc gai trên đầu bung ra. Phan vốc những nhụy hoa tua tủa ném về phía tôi. Tôi chạy trong gió chiều, mái tóc xổ ra găm đầy những sợi móc gai. Tôi bất giác đưa tay lên vuốt tóc. Tiếng cười ngưng bặt từ một thời tuổi cũ. Tôi rảo bước trở về.

Mẹ vẫn nằm bất động trên giường. Bộ ngực lép kẹp phập phồng hơi thở mỏng. Tôi tự hỏi đã bao giờ mẹ có được phút giây nào hạnh phúc? Kể từ khi mẹ dắt tôi tới chốn này, chạy trốn khỏi người chồng vũ phu, cờ bạc làm tán gia bại sản. Tôi không nhớ mặt cha và cũng không có nhu cầu nhớ nữa. Mẹ con tôi sống âm thầm, tạm bợ suốt mười mấy năm trên cái bãi sông này. Bây giờ, người ta không cho mượn đất nữa, chúng tôi sắp bị đuổi ra đường, nói chi đến chữa bệnh cho mẹ. Vậy mà lão Cốc xuất hiện, dàn xếp mọi chuyện, lại hứa đưa tiền trị bệnh cho mẹ tôi.

Tôi nghĩ về lão Cốc, một người đàn ông ngoài 40, cơ thể vạm vỡ đen bóng, chi chít sẹo và hình xăm trổ. Lão giàu nhất khu này. Cơ ngơi lão có được là nhờ nghề hút cát trên sông. Tôi sờ sợ mỗi khi phải đối mặt với lão. Vì cái vẻ ngoài dữ tợn và vì cả những lời đồn.

***

Chiều cuối đông, tôi gặp Phan ở bến sông. Phan vừa bước lên bờ, tôi thoáng thấy đã vội kéo cái nón che khuất nửa mặt rồi rảo bước. Phan chạy theo, giằng cái nón ra. Tôi cúi mặt, hai má rát bỏng trong cơn gió bấc ngằn ngặt. Phan nắm lấy tay tôi, một luồng hơi ấm chạy dọc thân thể. Tôi sững lại trong vài giây rồi vội vàng rút tay ra. Phan về đi, để cho tôi yên. Phan lắc đầu, ánh mắt đâm vào tôi như nhụy xuyến chi tua tủa những móc gai.

Mẹ Phan vốn không thích tôi. Cũng như người dân khắp cái bãi ven sông này không thích mẹ con tôi. Người ta đổ tiếng oan cho mẹ tôi dụ dỗ những người đàn ông của họ cũng như bảo tôi mới nứt mắt ra mà đã dụ dỗ Phan. Phan không bận tâm nhưng tôi thì có, dần dần tôi tránh mặt Phan. Phan đỗ đại học, lên thành phố, còn tôi ở lại với bến sông. Và trở thành người vợ thứ ba của lão Cốc, giúp cho lão có một thằng cu nối dõi tông đường. Người ta bảo tôi tham tiền. Phan hỏi tại sao. Tôi chỉ lắc đầu. Phan không hiểu đâu. Ừ, làm sao mà hiểu được! Một cô gái mới lớn như tôi lại chấp nhận lấy một lão bằng tuổi cha mình, nếu không vì tiền thì vì điều gì chứ? Phan không hiểu nên Phan đã bỏ lại tôi và ký ức. Phan lên con thuyền chòng chành giữa dòng trôi giá lạnh. Phan đi theo giấc mơ của mình. Mang theo cả giấc mơ của tôi.

***

Cứ nghe tiếng động cơ xành xạch ở phía sông là tôi biết lão về. Những lúc ấy tôi bỗng thấy bấn loạn, chân tay bủn rủn. Tôi muốn tránh mặt nhưng kiểu gì lão cũng lôi tôi ra để hứng chịu những cơn cuồng bạo của lão sau mấy ngày lênh đênh trên sông. Hai bà vợ trước, vì không thể chịu đựng nổi nên đã cao chạy xa bay mà chưa kịp sinh mụn con nào. Tôi rùng mình nghĩ những ngày tháng tới sẽ ra sao, khi mà vết bầm tím cũ chưa tan thì lại những vết mới đã in hằn trên cơ thể. Nhưng tôi không thể rời khỏi lão. Mẹ tôi còn đang đau đớn, vật vã trên giường bệnh. Dù có phải ở trong địa ngục tôi cũng chấp nhận, để có tiền chữa bệnh cho mẹ.

Năm năm rồi tôi vẫn chẳng có bầu. Lão ngày càng thô bạo. Dân làng xì xào bàn tán, chắc lão này vô sinh. Càng nghe người ta nói vậy, cái sĩ diện của một thằng đàn ông càng trỗi dậy, lão về hành hạ tôi bất cứ lúc nào lão muốn. Tôi đã không còn biết khóc. Đôi mắt ráo hoảnh trân trân nhìn lão. Lão càng cay cú, cứ nốc rượu ừng ực. Rồi say, quát tháo, đập phá. Tôi bỏ mặc lão, đi về phía sông. Sông ôm chứa nỗi đau của tôi vào lòng. Tôi nhìn thấy con thuyền chở Phan lòe nhòe trên dòng trôi. Tôi lao theo, cất tiếng gọi trong gió chiều khắc khoải. Chợt hình bóng Phan tan biến. Phan đã đi rồi. Phan cũng khinh miệt tôi như bao nhiêu người khác. Năm năm rồi Phan không về quê. Bố mẹ Phan cũng bán đất, bán nhà lên thành phố. Phan đã rũ bỏ tất cả những gì thuộc về tôi. Xuyến chi ở bãi sông hết ra những đọt non lại trổ hoa và kết nhụy thành những sợi móc gai. Không ai còn hái ngọn xuyến chi về xào tỏi. Những sợi móc gai găm vào tôi đau nhói. Tôi chạy theo dọc dài gió thổi, những bờ bãi ven sông héo úa trong cái lạnh tái tê. Tôi ngã trước nấm mồ của mẹ. Tôi gục xuống ôm từng nắm đất. Đất nâu hoang lạnh rã rời.

Cuối cùng mẹ cũng bỏ tôi đi. Lặng lẽ chôn giấu nỗi đau trong từng nắm đất. Chẳng hiểu tại sao tôi vẫn còn ở lại, với nỗi đau của riêng mình. Có người bảo tôi, mẹ mày chết rồi, mày còn ở chốn địa ngục ấy làm gì nữa? Tôi cười và tự hỏi, ừ, ở làm gì nữa? Nhưng tôi vẫn ở, như một thói quen.

***

Một sáng, bỗng thấy nụ hoa đào nở sớm trong vườn nhà, tự nhiên tôi chợt rưng rưng. Tôi nhìn gương mặt mình trong bể nước rồi bất giác đưa tay rờ lên những vết thương trên mặt. Chợt giật mình, tiếng nói nào từ trong ký ức ùa về: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”(*). Mị muốn đi chơi à, muốn đi chơi thì cũng phải học xong bài này đã. Phan cười giòn tan, ngắt bông hoa đào vừa hé cài lên tóc tôi. Tôi quay ra hờn dỗi, đừng gọi mình là Mị, mình không muốn trở thành người đàn bà khổ đau nhường ấy. Phan rối rít xin lỗi, truyện thôi mà, giờ còn ai khổ vậy. Chúng mình thi đỗ đại học, lên thành phố học rồi kiếm được việc làm tử tế thì đời cô Mị chỉ còn trong sách giáo khoa mà thôi…

Bỗng có tiếng quát tháo ầm ĩ làm tôi bừng tỉnh. Một người đàn bà phì nộn và hai người đàn ông trông rất dữ dằn hiện ra trước mặt tôi. Bà ta cất tiếng, những thớ mỡ trên mặt rung rung như muốn rơi ra. Thằng Cốc nhà mày bị bắt rồi. Nó vay tiền tao làm ăn, giấy tờ đây, giờ tao đến siết nợ cái nhà này…

Tôi bàng hoàng trước những lời nói của người đàn bà lạ mặt. Thì ra lão Cốc khai thác cát lậu bị công an bắt. Tội này là đi tù…

Tôi thu xếp đồ đạc trở về ngôi nhà của mẹ. Từ khi mẹ mất, ngôi nhà thiếu hơi người, lạnh lẽo, rêu phong. Dù sao lão Cốc cũng là người mua lại mảnh đất này cho mẹ con tôi trong những ngày tháng khó khăn. Tôi hận lão nhưng cũng không thể nào quên ơn lão.

Vài hôm sau, người ta báo tin, lão Cốc chết trong tù vì trọng bệnh.

Tôi chẳng thể biết lão bị bệnh gì. Chỉ biết tôi đã đeo khăn trắng đưa lão ra đồng. Lão chết rồi. Không nhà cửa, không con cái, không tình yêu. Chắc lão sẽ cô đơn. Nhưng mà người sống còn cô đơn, huống chi là người chết.

Tôi nhìn dòng sông, ngàn đời vẫn vậy. Nỗi cô đơn thăm thẳm.

Tất cả đã bỏ tôi ra đi.

Chỉ dòng sông ở lại.

Một cơn gió thốc tới. Tôi rùng mình ớn lạnh. Bỗng một chiếc áo choàng lên vai tôi. Tôi giật mình quay lại. Không tin vào mắt mình. Người đứng trước mặt tôi chính là Phan. Tôi đẩy Phan ra. Phan ghìm chặt tôi vào lòng. Tôi lại đẩy ra, vùng chạy.

Tôi chạy qua triền sông dọc dài gió thổi. Xuyến chi phất phơ rắc cánh trắng dưới chân tôi. Phan đuổi theo, giằng tôi lại như những sợi móc gai đã vương vào tóc tôi, muốn gỡ bỏ nhưng không thể nào thoát được.

Phan về đây làm gì? Kiếm tôi làm chi? Tôi òa lên nức nở. Năm năm rồi, tôi những tưởng mình đã không còn biết khóc. Phan không nói, lặng lẽ lau nước mắt cho tôi.

***

Thời gian thấm thoắt trôi qua…

Tôi thắp nén hương lên bàn thờ mẹ. Đến lúc tôi phải đi rồi. Tôi qua sông trên chuyến đò cuối cùng. Từng con nước vẫn vẩn vơ trôi. Những cánh lục bình vẫn tím lịm rã rời. Vẫn một con thuyền lòe nhòe trong màn sương muộn. Chỉ khác là hôm nay, tôi đi cùng Phan. Trong suốt bấy nhiêu năm qua, Phan luôn dõi theo tôi nhưng nào tôi có biết. Rất nhiều lần Phan về bên bến sông, nhìn tôi từ xa khắc khoải, đau đớn, bất lực khi thấy tôi bị hành hạ. Và cuối cùng, chính Phan đã thu thập bằng chứng để tố cáo lão Cốc, đẩy lão vào tù. Tôi chẳng biết việc Phan làm là nên hay không. Tôi chẳng có quyền phán xét. Tôi chỉ biết Phan trở về và mở lại cho tôi cánh cửa ước mơ đã bị đóng kín, động viên tôi ôn thi đại học sau bao năm bỏ bê đèn sách. Chẳng thể ngờ, tôi lại có thể viết tiếp ước mơ dang dở. Phan cười, cốc đầu tôi, thấy chưa, đã bảo đời cô Mị chỉ còn trong sách giáo khoa thôi.

Đò rời bến. Bãi bờ xa ngút. Tôi nhìn lại, thấy từng thảm xuyến chi cánh trắng chập chờn dâng lên như những áng mây trôi.

------------------

(*) Trích trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài

HNMCT