Trị ung thư gan nhờ “khóa” mạch máu nuôi khối u ác tính
Tin tức - Ngày đăng : 08:44, 15/09/2018
“Cắt nguồn” nuôi ung thư bằng nút mạch
Tháng 4/2018, ông Đỗ Xuân Túy (84 tuổi, Hà Nội) phát hiện mắc ung thư gan. Khối u có kích thước tương đối lớn (4x5cm) do được cấp máu “nuôi dưỡng” từ nhiều nhánh của động mạch gan và động mạch dưới hoành phải.
Dựa trên kết quả xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chẩn đoán ông Túy bị ung thư tế bào gan nguyên phát. Phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật cắt bỏ khối u gan. Do ông Túy có tiền sử mắc ung thư hạch, sỏi mật cùng các bệnh khác, đã từng phẫu thuật nhiều lần nên nếu phẫu thuật trực tiếp sẽ rất khó khăn và nhiều nguy cơ. Ông Túy được chỉ định Nút mạch khối u gan bằng hóa chất (TACE). Phương pháp này vừa giúp cắt đứt nguồn máu nuôi dưỡng khối u, vừa thu nhỏ kích thước và kiểm soát sự phát triển của khối u để cải thiện sức khỏe người bệnh.
Hình ảnh khối u gan được bơm thuốc nút mạch dưới hướng dẫn DSA
Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn, Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Vinmec Times City) cho biết: “Trong khoảng 2h-3h, bệnh nhân được đặt 1 ống thông từ động mạch đùi phải, luồn vào các nhánh động mạch nuôi khối u để bơm dung dịch Lipiodol và hóa chất, gây tắc hoàn toàn các mạch máu nuôi khối u. Quá trình nút mạch được thực hiện trong phòng chụp mạch DSA nên có thể nhìn rõ các nhánh mạch máu đi vào khối u, cho phép tiếp cận khối u gần nhất và chính xác nhất”.
Sau 2 lần nút mạch gan vào tháng 5 và 6/2018, khối u gan của ông Túy được kiểm soát trên 90%. Kết quả chụp CT khi khám lại vào tháng 7/2018 cho thấy: Kích thước khối u giảm chỉ còn 3 x 3.5cm, toàn bộ mạch máu nuôi u đã được nút tắc hoàn toàn.
Tuy sẽ phải theo dõi chặt chẽ và khám định kỳ hàng tháng nhưng đến nay, sức khỏe ông Túy đã cải thiện rõ rệt: Ông ăn uống ngon miệng trở lại, lên cân, giảm dần các cơn đau tức.
Hình ảnh khối u gan sau khi được nút mạch-1
“Tôi chỉ nằm viện 2 ngày và đã được xuất viện ngay. Cách điều trị khoa học và hiệu quả đã khiến tôi vượt qua giai đoạn chữa bệnh khá nhẹ nhàng. Tôi rất yên tâm và sẽ theo dõi chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ” – ông Túy nói.
Khai thác triệt để chẩn đoán hình ảnh trong điều trị bệnh hiểm nghèo
Với bệnh nhân ung thư gan nguyên phát như ông Túy, sau khi “phong tỏa” đường mạch nuôi khối u, khi kích thước khối u đã thu nhỏ, các bác sĩ có thể tiếp tục thực hiện kỹ thuật điều trị khối u gan bằng đốt sóng cao tần (RFA) dưới hướng dẫn của siêu âm. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ có thể nhìn thấy chính xác đường đi của kim và đặt kim đúng vào trung tâm khối u để phá hủy khối u triệt để nhất.
Nút mạch gan
Theo TS.BS Trần Thị Phương Thúy (Trung tâm Gan Mật Tụy, Bệnh viện Vinmec Times City): “Trong trường hợp không còn khả năng phẫu thuật, phương pháp đốt sóng cao tần hoặc kết hợp nút mạch u gan và đốt sóng cao tần (TACE + RFA) được ưu tiên để điều trị triệt để khối u hoặc kìm hãm sự phát triển của khối u, làm giảm triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là can thiệp tối thiểu nhưng mang lại hiệu quả điều trị cao và an toàn” – BS Thúy nhấn mạnh.
Tại Vinmec, công nghệ chẩn đoán hình ảnh giữ vai trò đặc biệt quan trọng khi triển khai các phương pháp điều trị này. Dưới hướng dẫn của máy siêu âm, cộng hưởng từ MRI, cắt lớp vi tính CT, phòng chụp mạch DSA hiện đại, khối u sẽ được xác định và tiếp cận ở nhiều hướng khác nhau. Từ đây, các bác sĩ có thể loại bỏ tối đa các mạch máu nuôi khối u ác tính mà vẫn bảo tồn được các mạch máu nuôi nhu mô gan lành. Do đó, chức năng gan không bị tổn thương nặng sau can thiệp, bệnh nhân có kết quả điều trị vượt trội.
Với định hướng phát triển trở thành hệ thống Y tế hàng đầu Việt Nam về Chẩn đoán hình ảnh, Ung thư, Vinmec đã trang bị đầy đủ, khai thác tối đa tính năng và công suất của hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại hàng đầu thế giới. Từ đây, Vinmec có thể tối ưu hóa hiệu quả chẩn đoán và điều trị các bệnh hiểm nghèo, mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống người bệnh.