Giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020
Tin tức - Ngày đăng : 08:00, 18/09/2018
Các thành viên Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thống nhất, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức như hiện nay là phù hợp..., nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi này đến hết năm 2020.
Tối 17-9, thông tin về cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia mở rộng năm 2018 diễn ra vào sáng cùng ngày, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, những kết quả đạt được của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là quan trọng, cần được ghi nhận; những tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục.
Ảnh minh họa. |
Các thành viên đồng tình với cách xử lý quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh và bảo vệ danh dự cho đội ngũ nhà giáo, đồng thời thống nhất cao quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đây là dịp để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những năm tới.
Thông qua thảo luận và đánh giá lại 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thống nhất, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy học, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, bảo đảm gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh, nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi này đến hết năm 2020, song cần điều chỉnh một vài nội dung về kỹ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn.
Để tổ chức tốt kỳ thi năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện quy chế thi và hướng dẫn theo hướng xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi, cụ thể hóa chế tài xử lý sai phạm; tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi, bảo đảm phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi; chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như sao in đề thi, coi thi, chấm thi; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các hội đồng thi...
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ điều chỉnh một số vấn đề trong khâu tổ chức thi nhằm hạn chế hành vi gian lận, trong đó có việc hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa sai phạm trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi, tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi và xem xét việc tổ chức chấm thi bảo đảm nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi của học sinh tỉnh mình (có thể tổ chức chấm thi theo cụm).
Với những điều chỉnh như trên, ông Mai Văn Trinh khẳng định, những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2019 đều hướng tới mục tiêu bảo đảm cho kỳ thi thực chất, công bằng hơn, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Những điều chỉnh chủ yếu liên quan đến vấn đề kỹ thuật, đối tượng tác động là người tổ chức thi, phía học sinh không phải lo lắng gì.