Những giọt nắng chiều ký ức

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 17:35, 03/02/2022

Những giọt nắng chiều ký ức
Nhà thơ Nguyễn Thị Kim hoàn thành tập sách Phù sa ký ức, khi đã ngoài tuổi 80.
Từ rất lâu, Nguyễn Thị Kim tâm sự, đến một lúc nào đó thật thảnh thơi, thật rảnh rỗi, chị sẽ viết về tất cả những dấu ấn kỷ niệm đã đi qua trong cuộc đời mình. Nguyễn Thị Kim là nhà thơ, và đương nhiên, thơ là sở trường trong sáng tác của chị. Vậy mà, bất ngờ thay, ngay trong những ngày tháng cả thế giới chống chọi với dịch Covid-19, Nguyễn Thị Kim đã giữ đúng lời hứa với chính bản thân mình, hoàn thành tập sách song ngữ mang tên Phù sa ký ức, NXB Hội Nhà văn. 

Đời người cũng như dòng sông, cứ mải miết chảy trôi về phía trước, cho đến khi mệt nhoài, gặp biển. Khi ấy, sông nhòa vào đại dương mênh mông, còn con người cũng nhòa vào mênh mông trời đất, những gì còn lại là chất phù sa làm tươi bờ bãi, tươi tắn hồn người. Cái tên Phù sa ký ức cho tôi chút cảm nghĩ vậy.

Phù sa ký ức với 40 mảnh ký ức được Nguyễn Thị Kim viết như lên đồng trong một tháng. Nhưng thực sự để có cuốn hồi ký này, chị đã phải trải qua quãng thời gian bằng hơn tám mươi năm cuộc đời mình. Ở đó, là Nguyễn Thị Kim từ thuở ấu thơ cho đến lúc tuổi xế chiều, với những “ký ức truyền miệng” và những “ký ức trải nghiệm”. 

Nguyễn Thị Kim có một tuổi thơ thiệt thòi khi mồ côi cha lúc mới mười một tháng tuổi, sống với mẹ cũng chỉ được dăm, sáu năm thì mẹ mất. Lớn lên, trưởng thành trong nghèo đói, chiến tranh, loạn lạc, chị tự ý thức vươn lên học tập, trau đồi tri thức để thành tài.

Theo “ký ức truyền miệng”, Nguyễn Thị Kim có một gia đình êm đềm, hạnh phúc, một cuộc sống nhung lụa đúng nghĩa: “… bố tôi làm việc cho một tàu buôn Pháp chạy viễn dương, bố phụ trách máy tàu… lương tháng của bố tôi cộng với phụ cấp một vợ sáu con nữa, gia đình sống rất sung túc. Ngôi nhà hai tầng của gia đình tôi đối diện với nhà thờ Cấm, Hải Phòng” (Mối tình đầu của chị tôi). Bố mất, mẹ mất, gia đình phút chốc trải qua bao biến cố, cuộc sống nhung lụa khép lại. Rồi “Chiến tranh chống Pháp lan rộng… Năm 1950 về Hà Nội, năm 1951 về Hải Phòng và định cư khá lâu”. Nhớ những năm tháng ấy mà không khỏi ngậm ngùi: “…chị em tôi cứ phiêu dạt như bầy kiến bò quanh những chiếc lá cuộc đời” (Hạnh phúc của chị tôi). 

Nguyễn Thị Kim không mất tuổi thơ. Đó là những tháng ngày tràn ngập ánh sáng của tri thức qua những câu chuyện mẹ đọc cho cả nhà nghe vào những đêm ngồi kéo sợi bông rất khuya: “Thương cả nhà làm việc khuya buồn ngủ, mẹ tôi đọc truyện, đủ các thể loại, truyện cổ tích Việt Nam, truyện nước ngoài… Hôm nào không đọc sách thì mẹ bắt tôi phải thuộc lòng những bài thơ mẹ dạy” (Mẹ tôi lao động). Qua đó, để thấy bóng tối của căn nhà đối lập với ánh sáng mẹ thắp lên trong tâm hồn thơ trẻ của chị. Dẫu sau này mẹ cũng bỏ chị đi từ sớm nhưng tình yêu với sách, với thơ ca mẹ đã kịp gieo vào lòng chị, làm giàu hạt giống tâm hồn chị. Những hạt giống “tri thức đầu đời” đã được ươm mầm để sau này có một tiến sĩ khoa học, nhà thơ Nguyễn Thị Kim. 

Chị nhận thức: “Tôi hiểu tri thức là sự lao động không mệt mỏi, không tự nhiên mà có, nếu không tự mình trau dồi. Nhà trường, thầy cô, sách vở là những phương tiện giúp ta học tập.

Và tôi cũng đã nhận ra món quà mà những người đi trước ban tặng lại cho thế hệ sau là sách trong ngoài nước, món quà vô giá, như những viên ngọc cuộc đời” (Hạnh phúc của chị tôi).

Và cũng từ nguồn ánh sáng tri thức ban đầu mẹ gieo đã dẫn chị đến con đường mang tên tình yêu, hạnh phúc. Chị yêu sách và bị hấp dẫn bởi tủ sách đồ sộ của người mình tìm hiểu: “Tôi đến với tủ sách của anh trước, sau mới tìm hiểu chủ nhân của nó. Tôi đọc như chưa bao giờ được đọc. Đọc xong mỗi cuốn, tôi và anh cùng chia sẻ, đàm luận, cùng viết ra giấy những cảm nhận xem có trùng nhau không. Những ngày đó đối với tôi sao mà hạnh phúc…” (Món canh “toàn quốc”).

Trong Phù sa ký ức, Nguyễn Thị Kim có nhiều kỷ niệm về hai cậu con trai mà chị gọi yêu là hai cậu bé ngốc nghếch không ít lần làm mẹ phiền lòng bởi những trò nghịch dại. Ấy là chuyện ấm nước sôi để nguội mẹ để cho hai anh em uống khi đi làm vắng nhà cũng bị thằng anh lấy ra tắm cho thằng em với lý do “nóng quá” rồi khoe mẹ để chờ lời khen. Khỏi phải nói bà mẹ chỉ có hai tiếng quý giá để nghỉ trưa sững sờ đến thế nào, bởi còn áp lực sau lưng là con đường đến cơ quan phải đúng giờ, nếu không sẽ bị phạt: “Chậm năm phút cờ xanh, chậm mười phút cờ vàng, đi làm đúng giờ cờ đỏ, điều này rất quan trọng cho việc bình xét thi đua cuối tháng”. Và chuyện về con lại hóa thành chuyện về thời bao cấp, thời của phân phối. Khi chị lôi một cách tự nhiên những thứ bị ướt trong gậm giường ra phơi thì thời bao cấp với bao hỉ nộ ái ố như cũng được phơi ra: “… nào là lốp xe, săm xe Sao Vàng phân phối, nào là xà phòng Liên Xô 72%, thuốc đánh răng, dép nhựa Tiền Phong… tất cả những đồ phân phối đều mua theo tiêu chuẩn… chia nhau mỗi người năm chiếc bát ăn cơm, phích thì phải bốc thăm, ai trúng mới được mua vì nó không chia được”. 

Chị nhớ về con, người con trai đầu đầy cá tính khiến chị không ít lần phiền lòng, không ít lần hạnh phúc. Người con trai lắm tài “thích viết lách nên rất gắn bó với cây bút”. Bước ngoặt số phận, bệnh hiểm nghèo đã tiễn con trai về miền xanh thẳm.  Thương nhớ con, chị gửi vào bài thơ Lòng mẹ với những câu thơ như thắt ruột gan: Lúc này đây/ mẹ đành nhường bước tử thần/ đưa tiễn con về nơi cõi Phật nương thân/ Hai nỗi đau/ đều như dao cắt/ Nhưng nỗi đau sinh con/ Sao sánh được nỗi đau… mẹ mất con. 

Trước khi làm mẹ, chị có thời con gái sôi nổi với những đêm diễn kịch lấy nước mắt khán giả. Nhớ có lần, diễn vở kịch câm, chị vào vai người vợ trẻ đón chồng về khi hòa bình lập lại. Nhưng bi kịch ở chỗ, đứa trẻ da đen xuất hiện trong gia đình chị lại không phải con của anh, mà là hậu quả của chiến tranh. Sau đó là màn giằng xé nội tâm giữa hai vợ chồng. Chị đã diễn tròn vai. Nhưng chưa hết lâng lâng với niềm vui đã bị “dội gáo nước lạnh”: “Vừa về đến nhà, tôi chưa kịp khoe buổi diễn thành công thì chị gái tôi té tát cho một trận: “Mới mười mấy tuổi đầu, lại chưa có chồng con, sao em lại nhận vai diễn như vậy”…

“Ôi, nghệ thuật và đời thực! Lúc này thì tôi khóc thật chứ không phải là diễn nữa” (Diễn viên nghiệp dư).

Nguyễn Thị Kim cũng không quên một thời nghèo đói. “Món cháo ngon nhất” là món cháo đầy sáng tạo, linh hoạt của chị gái để lừa miệng các em có “mùi thơm nồng của cải mào gà, vị ngọt thơm của mắm tép và vị nhặng đắng của giá hạt bông”. Chị không quên thời chiến tranh. Trên đường đạp xe từ Hà Nội về thăm vợ con sơ tán ở Hà Bắc, chồng chị khi “qua sân bay Kép”, “trọng điểm đánh phá của địch”, đã “không màng đến sự an nguy của mình”, “dừng lại nhặt bông gòn để dành làm gối cho con”. (Chiếc gối bông gòn). 

Trong Phù sa ký ức, Nguyễn Thị Kim khóc nhiều nhưng cũng cười nhiều, tự hài hước trong cuộc sống để mọi thứ nhẹ nhàng hơn (Thấy cả Thủ đô, Món “Mèn mén” của em Bảo, Bé ăn cơm với canh “toàn quốc”, Cho con về thôi, Sát thủ). Những hạt đắng, hạt ngọt, hạt buồn, hạt vui lắng lại trong ký ức người đàn bà tuổi xế chiều tựa như những giọt nắng lắng đọng cuối ngày phía đường chân trời. Tạm gọi chúng là những giọt nắng chiều ký ức. Khi quỹ thời gian ngày càng ngắn lại, đã mỏi mệt, muốn thảnh thơi, nhưng dường như cuộc đời luôn thử thách sự kiên nhẫn, tính chịu đựng, chưa biết khi nào dừng nghỉ. Để vượt qua những vất vả của số phận, chị vẫn từng ngày lặng lẽ, thế thôi!.

Nguyễn Thị Kim
Thơ Haiku

Lá sen
gói bầu trời hương lúa
cốm Vòng
*
Thấp thoáng khăn Piêu
đôi ống nước
quẩy ráng chiều
*
Mưa bụi bay
ngàn xanh rạo rực
xuân say

Linh Lan