Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Thực tế, tránh hình thức

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 18:51, 23/09/2018

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tổ chức hội nghị tổng kết phong trào giai đoạn từ năm 2000 đến 2018.
Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Dự hội nghị còn có lãnh đạo nhiều ban, ngành và tỉnh, TP. Về phía TP Hà Nội, có Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Nặng về số, nhẹ về chất


Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là sự hưởng ứng của quần chúng Nhân dân, phong trào toàn dân (PTTD) đã trở thành phong trào rộng lớn của quần chúng, thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần nêu gương người tốt, việc tốt, khơi dậy trách nhiệm đấu tranh với cái xấu, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân”.
Trình bày báo cáo tổng kết giai đoạn 2000 – 2018, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: “PTTD đã tạo ra được phong trào thi đua rộng khắp từ gia đình, làng xã đến các cấp, ngành, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy quy ước, hương ước của làng xã. Thông qua các hoạt động của phong trào, nhiều mô hình tự quản tại các khu dân cư đã phát huy hiệu quả tích cực”. Đối với Hà Nội, việc triển khai thực hiện PTTD từ năm 2000 đến nay đã thu được những thành tựu to lớn, góp phần tích cực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra: “Danh hiệu gia đình văn hóa, thôn ấp, cơ quan văn hóa nhiều hơn và trở thành hình thức. Các phong trào liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới chỉ chủ yếu và chú ý đầu tư vật chất, chưa thực sự quan tâm đến vấn đề căn cốt của văn hóa”. Chính vì vậy, trong thời gian tới, một trong những giải pháp trọng tâm của Phong trào là tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa... nhằm đưa việc bình xét, khen tặng và tôn vình các danh hiệu văn hóa đạt thành quả và chất lượng.

Nhân dân giữ vai trò đặc biệt


Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “nếu đời sống vật chất mà không có tinh thần, không có văn hóa thì không có ý nghĩa. Chúng ta xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không phải xây dựng xã hội thị trường”.

Xây dựng đời sống văn hóa là nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo Nhân dân mà theo Thủ tướng, “ai cũng muốn gia đình hạnh phúc, xóm làng yên ấm”. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa thật sự là động lực, nền tảng tinh thần của xã hội; chăm lo bồi dưỡng, phát triển con người Việt Nam đủ tự tin, đủ bản lĩnh và năng lực hội nhập thế giới, đủ sức đề kháng với mặt phản văn hóa trong toàn cầu hóa. Theo Thủ tướng, phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cả cấp độ quốc gia, địa phương, cơ sở, trong từng cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực của đời sống. Cần tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn. Cần đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý. Xây dựng đời sống văn hóa là việc làm của toàn dân, là nhiệm vụ toàn diện và lâu dài, phải huy động được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành T.Ư và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; Phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”…

Lại Tấn/KTĐT