Hà Nội: Giao ban trực tuyến công tác bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý trật tự xây dựng
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 19:22, 24/09/2018
Sáng nay (24-9), Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2018 bàn về hai nội dung quan trọng.
Chủ trì hội nghị từ điểm cầu chính đặt tại trụ sở Thành ủy Hà Nội (số 219, đường Trần Phú, quận Hà Đông) có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.
Hội nghị giao ban quận huyện quý III-2018 |
Dự hội nghị có đại biểu một số cơ quan trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, trưởng các ban Đảng Thành ủy; Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố; các Thành ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành. Tham gia hội nghị tại các điểm cầu địa phương có bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn các quận, huyện, thị xã.
Hội nghị thảo luận 2 nội dung gồm: Kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và kết quả khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý chất thải rắn
Trình bày báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, 1 năm qua, thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới để tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhận thức của người dân Thủ đô, các tổ chức, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao một bước.
Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế tiếp tục được cải thiện; các dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm đã được quyết định chủ trương đầu tư, đang được đẩy nhanh tiến độ, hướng tới mục tiêu đưa vào vận hành trong năm 2020 như: Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; 2 nhà máy xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn. Thành phố đã xử lý ô nhiễm nguồn nước tại 132 hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C; lắp đặt bè thủy sinh, máy sục khí, nạo vét bùn ở 118 hồ. Đặc biệt, thành phố đã triển khai cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm và nạo vét bùn hồ Tây. Việc thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ. Tính đến tháng 8-2018, toàn thành phố đã trồng được 845.400 cây xanh. Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố từng bước giảm. Hà Nội đã hoàn thành nghiên cứu và đề xuất xây dựng mạng lưới quan trắc không khí cho thành phố gồm 34-37 trạm; đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động và công bố công khai kết quả quan trắc trên website của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường. Thành phố cũng đã thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ” tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) và nhân rộng mô hình này.
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ, nhất là các dự án đầu tư, còn chậm so với tiến độ thành phố giao. Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu của nghị quyết kết quả triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Thời gian tới, thành phố xác định 3 nhóm giải pháp chung, 4 nhóm giải pháp cụ thể tương ứng nhằm xử lý chất thải rắn, ô nhiễm nước và cấp nước sạch, ô nhiễm không khí; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Trong đó, thành phố ưu tiên đẩy nhanh xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu và xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào hai sông trên và các sông Sét, Lừ, Cầu Bây. Đáng chú ý, ngay trong năm nay, thành phố sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý vi phạm và yêu cầu thời hạn khắc phục ô nhiễm. Nếu sau thời hạn, các cơ sở không có giải pháp xử lý ô nhiễm, các sở, ngành sẽ báo cáo, đề xuất phương án đình chỉ hoạt động sản xuất.
Kiểm tra 15.299 công trình xây dựng
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 1-6-2017 của UBND TP Hà Nội về việc khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, qua đánh giá việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, nhìn chung các đơn vị đã nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện kế hoạch của thành phố; chủ động xây dựng kế hoạch của đơn vị, giao nhiệm vụ cụ thể đến các phòng, ban, chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn.
Sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đã hoàn thành nhiều đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cấp dưới. Các đồ án, dự án theo quy hoạch khu đô thị, phát triển nhà ở, thiết kế đô thị và quy chế được triển khai đáp ứng yêu cầu chung. Thành phố đã có chủ trương thi tuyển chọn phương án, mời tư vấn nước ngoài thực hiện một số đồ án nhằm nâng cao tính khả thi, tiếp cận công nghệ hiện đại kết hợp với bảo tồn các giá trị truyền thống, văn hóa có giá trị.
Kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng trong năm 2017 và trong 8 tháng năm 2018 ghi nhận: Công tác quản lý theo quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đã có chuyển biến tích cực; 100% các công trình xây dựng đều được kiểm tra, kiểm soát; các vi phạm phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận đã dần được hạn chế; các vi phạm còn tồn đọng được rà soát, phân loại, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh; tình hình vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng cơ bản được phát hiện và kiểm soát; ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị đang từng bước được nâng cao; trách nhiệm và thẩm quyền xử lý, giải quyết vi phạm đã được xác định cụ thể. Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước (năm 2016: 13,5%; năm 2017: 10,99% và 8 tháng năm 2018 là 5,39%).
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 1-6-2017 của UBND TP Hà Nội về việc khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, qua đánh giá việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, nhìn chung các đơn vị đã nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện kế hoạch của thành phố; chủ động xây dựng kế hoạch của đơn vị, giao nhiệm vụ cụ thể đến các phòng, ban, chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn.
Sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đã hoàn thành nhiều đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cấp dưới. Các đồ án, dự án theo quy hoạch khu đô thị, phát triển nhà ở, thiết kế đô thị và quy chế được triển khai đáp ứng yêu cầu chung. Thành phố đã có chủ trương thi tuyển chọn phương án, mời tư vấn nước ngoài thực hiện một số đồ án nhằm nâng cao tính khả thi, tiếp cận công nghệ hiện đại kết hợp với bảo tồn các giá trị truyền thống, văn hóa có giá trị.
Kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng trong năm 2017 và trong 8 tháng năm 2018 ghi nhận: Công tác quản lý theo quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đã có chuyển biến tích cực; 100% các công trình xây dựng đều được kiểm tra, kiểm soát; các vi phạm phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận đã dần được hạn chế; các vi phạm còn tồn đọng được rà soát, phân loại, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh; tình hình vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng cơ bản được phát hiện và kiểm soát; ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị đang từng bước được nâng cao; trách nhiệm và thẩm quyền xử lý, giải quyết vi phạm đã được xác định cụ thể. Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước (năm 2016: 13,5%; năm 2017: 10,99% và 8 tháng năm 2018 là 5,39%).
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trình bày báo cáo tại hội nghị |
Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, trong 8 tháng năm 2018, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra tất cả các công trình xây dựng (15.299 công trình). Trong đó, số công trình lập hồ sơ vi phạm là 824 trường hợp, tương ứng 5,39%, giảm 867 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017…
UBND cấp xã, cấp huyện đã xử lý, giải quyết 680/824 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 82,52%). UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 1.086 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt là hơn 6,78 tỷ đồng, thu về ngân sách gần 5,31 tỷ đồng.
Trong xử lý nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo), từ tháng 10-2017 đến tháng 4-2018, đã tiếp tục xử lý 12/132 trường hợp nhà đất thuộc diện này đã tồn đọng từ nhiều năm trước chưa giải quyết được. Thành phố cũng giao Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xem xét, thống nhất với đề xuất của các quận tiếp tục thu hồi phục vụ mục đích công cộng với 32 trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị. Với những nhà, đất siêu mỏng, siêu méo hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới (từ 2013 đến nay) có tổng số 552 trường hợp. Đến nay, đã xử lý, giải quyết 493/552 trường hợp (đạt 89,31%), số còn lại đang tiếp tục xử lý và dự kiến hoàn thành trong năm 2018…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Năng lực của đơn vị tư vấn hạn chế dẫn đến việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu đồng bộ; chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp thực tiễn dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư gây bức xúc; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ còn chậm, đặc biệt là các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, quy chuẩn 4 quận trung tâm hạn chế phát triển... Bên cạnh đó, tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn phát sinh vi phạm, tiêu cực nhưng vai trò của chính quyền địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn còn mờ nhạt, chưa thực thi đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước chưa đạt yêu cầu. Một số quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chưa nghiêm chỉnh chấp hành báo cáo, thiếu kiên quyết trong việc xử lý, giải quyết vi phạm trật tự xây dựng, còn đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí có nơi còn tình trạng bao che và cố tình vi phạm.
Tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, trọng điểm
Mở đầu phần thảo luận, bàn về kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, sau 1 năm thực hiện, nghị quyết đã giúp tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về bảo vệ môi trường. Đề cập vấn đề xử lý rác thải y tế, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, hiện nay còn rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư. Ông kiến nghị thành phố tập trung ưu tiên đầu tư xử lý rác thải tại các cơ sở y tế công lập.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện, Nghị quyết 11-NQ/TU ra đời đã đáp ứng được sự mong mỏi của đông đảo người dân, không chỉ giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân mà còn giúp thành phố phát triển du lịch. Thực hiện nghị quyết, sở đã tham mưu với thành phố từng bước nâng cấp chất lượng xe buýt góp phần làm giảm ô nhiễm không khí. Hiện nay, thành phố đang vận hành 116 tuyến xe buýt đến 100% quận, huyện, thị xã và khoảng 70% xã, phường, thị trấn; các xe buýt cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn khí thải euro 3, một số phương tiện mới đạt tiêu chuẩn euro 4... Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu và thực hiện thay thế xe buýt cũ bằng các xe buýt chất lượng cao, có thể tính tới việc đưa xe buýt điện vào hoạt động. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị, thành phố rà soát, ban hành các quy định nâng cao chất lượng quản lý phòng ngừa ô nhiễm môi trường như tăng cường kiểm tra các xe ra vào công trường; xử lý 190 bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng (đa số không phép)...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, tình trạng ô nhiễm nặng của hệ thống sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu Bây ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất. Hiện nay, thành phố đang huy động doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng các nhà đầu tư rất lo ngại tình trạng ô nhiễm các sông, nên không mặn mà đầu tư. Đồng chí Chu Phú Mỹ kiến nghị, thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án cống Liên Mạc; thúc đẩy việc tiếp nước từ sông Hồng vào sông Tích và từ sông Tích vào sông Đáy để cải thiện môi trường nước các sông.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, sở đã xây dựng chương trình bảo vệ môi trường gồm 6 nội dung. Trong đó, sở đã tuyên truyền hướng dẫn thực hiện chương trình tổ chức sản xuất sạch hơn đối với các doanh nghiệp. Sở dùng kinh phí khuyến công để triển khai có hiệu quả việc đưa công nghệ thân thiện môi trường ở các làng nghề. Tuy nhiên, hiện còn 18 cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải, đồng chí Lê Hồng Thăng đề nghị các quận, huyện, thị xã tích cực phối hợp đẩy nhanh việc xây dựng. Tới đây, sở sẽ tham mưu để các khu cụm công nghiệp chỉ được cho các nhà đầu tư thứ phát vào hoạt động khi có trạm xử lý nước thải được vận hành; đẩy nhanh tiến độ các cụm công nghiệp làng nghề để đưa cơ sở sản xuất trong làng nghề ra ngoài khỏi khu dân cư.
Đại diện lãnh đạo Huyện ủy Ba Vì cho biết, đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Huyện cũng đã bàn giao 5,6ha trong khu vực cho Sở Xây dựng để làm khu xử lý rác thải công nghệ cao. Sở Xây dựng đã nhận bàn giao để triển khai dự án. Huyện đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn; xử lý 15 hộ sản xuất gây ô nhiễm, phạt hành chính hơn 260 triệu đồng; yêu cầu đóng cửa 2 cơ sở không bảo đảm các điều kiện về môi trường...
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU, quận đã kiên quyết lấp 8 giếng khoan trái quy định; triển khai xây dựng 1 trạm trung chuyển rác thải, tuyên truyền bảo đảm 100% công trình xây dựng sử dụng gạch không nung; đưa 6 xe hút bụi vào hoạt động thay thế việc quét rác; tuyên truyền để người dân không sử dụng than tổ ong, đốt vàng mã; trồng mới trên 2.500 cây xanh (vượt gấp 1,5 lần mục tiêu); thực hiện mục tiêu 1 vạn giỏ hoa ở các trường học bằng phương thức xã hội hóa... Lãnh đạo quận Thanh Xuân kiến nghị, thành phố thống nhất chủ trương để quận được sử dụng ngân sách hỗ trợ việc cải tạo các bể phốt ở các khu chung cư cũ, đây là hạng mục đã xuống cấp nặng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân.
Chủ động ngăn ngừa những sai phạm nảy sinh
Tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Lê Vinh thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng quy hoạch đô thị hiện còn tồn tại một số hạn chế. Công tác quy hoạch phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu bản đồ. Hiện UBND thành phố đang nỗ lực chỉ đạo việc số hóa dữ liệu bản đồ và khu dân cư. Việc này khi hoàn thành sẽ trợ giúp đắc lực cho công tác quy hoạch, quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng cho biết, thành phố đang tập trung hoàn thành quy hoạch chi tiết 16 khu chung cư cũ, các quy hoạch chuyên ngành như: Quy hoạch cấp nước, thoát nước và xử lý rác thải. Bên cạnh việc quy hoạch phát triển đô thị, thành phố cũng sẽ tích cực hoàn thiện quy hoạch các khu nhà ở xã hội, quy hoạch nội đô và các xã nông thôn mới... "Thành phố sẽ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, tiếp thu những công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng quy hoạch Thủ đô” - Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết.
Báo cáo về thực trạng công tác quy hoạch trên địa bàn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, huyện đã chủ động lập quy hoạch 23 xã với 9 trung tâm và 155 điểm dân cư nông thôn gắn với quy hoạch thành phố thông minh, di tích lịch sử Cổ Loa, sân bay Nội Bài từ nguồn kinh phí đầu tư của thành phố và nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, căn cứ vào quy hoạch chung của Thủ đô, huyện Đông Anh kiến nghị, thành phố chuyển điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã thành điểm dân cư đô thị; nghiên cứu quy hoạch 6 xã thuộc địa bàn Đông Anh ở phía Bắc cầu Tứ Liên thành 3 khu dân cư đô thị để đồng bộ quy hoạch trên địa bàn toàn huyện.
Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai và trật tự xây dựng, huyện Đông Anh đã rà soát, xử lý triệt để 25 vụ vi phạm được thống kê từ tháng 6-2017. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện rà soát, sắp xếp lại đội thanh tra xây dựng, thành lập 2 đội kiểm tra, rà soát các vụ vi phạm mới phát sinh. Huyện cũng kiến nghị thành phố xử lý dứt điểm những sai phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường tồn đọng từ nhiều năm trước của một số doanh nghiệp nhằm giảm thiểu những bức xúc trong nhân dân.
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết, với quyết tâm xử lý nghiêm sai phạm, không để phát sinh sai phạm mới trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng, quận đã công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận tin báo của nhân dân để kịp thời xử lý sai phạm. Công tác kiểm tra sau cấp phép được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, Nam Từ Liêm đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ nên mật độ xây dựng lớn. Trung bình mỗi năm, quận cấp khoảng 2.000 giấy phép xây dựng, dẫn tới vẫn còn tồn tại một số vi phạm về vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng trên địa bàn. Nêu tình trạng quy hoạch của một số tuyến đường và khu dân cư trên địa bàn quận đang thực hiện dang dở, chưa được triển khai cắm mốc, quận Nam Từ Liêm đề xuất thành phố sớm giải quyết, tạo điều kiện cho quận thực hiện tốt hơn những quy định về quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.
Đại diện huyện Thanh Trì, quận Hà Đông và huyện Sóc Sơn cũng nêu một số thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng. Nếu như huyện Thanh Trì gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp tồn đọng từ nhiều năm trước thì quận Hà Đông cũng đang đứng trước áp lực rất lớn nhằm quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng hiệu quả vì mỗi năm cấp hơn 3.000 giấy phép xây dựng các loại.
“Quan điểm của quận Hà Đông là phải kiểm tra, rà soát ngay từ khi các công trình manh nha đặt viên gạch đầu tiên và kiên quyết xử lý vi phạm theo đúng quy định” - đại diện quận Hà Đông cho biết.
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn lại đề xuất thành phố sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, qua đó quản lý tốt hơn diện tích rừng và ngăn ngừa sai phạm nảy sinh.
Kết thúc phần thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, các ý kiến đã tập trung vào 5 nội dung. Trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với 2 báo cáo được trình bày; một số ý kiến bổ sung, đánh giá thêm tình hình; làm rõ những tồn tại, vướng mắc; đề xuất các giải pháp khắc phục yếu kém và một số công việc cụ thể khác. Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Văn phòng UBND thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện các báo cáo về 2 nội dung nêu trên.
Tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường
Tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ, các nội dung được bàn tại hội nghị là hai nhiệm vụ lớn, quan trọng, nhạy cảm, khó khăn, phức tạp; là cơ sở phục vụ cho thành phố phát triển bền vững. Với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến khách quan, toàn diện, cụ thể, sâu sát, làm rõ kết quả đạt được và cả những hạn chế, tồn tại đối với hai nhiệm vụ nêu trên; đồng thời đề cập đến nguyên nhân, đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố. Đồng chí đề nghị các quận, huyện, thị xã còn ý kiến chưa phát biểu gửi về Ban tổ chức hội nghị để tổng hợp, giải đáp từ đó cùng thúc đẩy tiến bộ ở 2 nội dung quan trọng này.
Đề cập kết quả một năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, thay mặt Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, đồng chí Hoàng Trung Hải ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết. Thành phố cũng đã đạt được một số kết quả nổi bật nêu trong báo cáo như việc đấu thầu công khai; xử lý ô nhiễm sông, hồ; thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh...
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Bí thư Thành ủy, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa cao, dẫn đến việc xả rác không đúng nơi quy định, không tôn trọng môi trường sống chung. Rác thải sinh hoạt tại một số nơi còn tồn đọng nhiều ngày chưa được thu gom kịp thời.
Đồng chí chỉ rõ: “Các đồng chí cứ nói thu gom đạt tỷ lệ lên đến 98%, nhưng không biết lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện có đi kiểm tra không, thực tế còn tồn đọng nhiều lắm. Ngày cuối tuần là thời gian người dân được nghỉ ngơi, nhưng rác thải không được dọn hết. Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải kiểm tra thường xuyên. Nếu đơn vị phụ trách thu gom rác không thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ thì phải xử lý hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm thật nghiêm. Chúng ta phải thấy xấu hổ khi để thành phố, để quận, huyện, phường, xã mình còn bẩn".
Nhấn mạnh việc triển khai thực hiện các dự án về môi trường nhìn chung tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi hình thức đầu tư BT đã trở nên khó khăn, đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết, lãnh đạo thành phố đã bàn để chuyển sang sử dụng vốn đầu tư công cho các dự án này. Đồng chí đề nghị, các cơ quan tham mưu khẩn trương rà soát cân đối nguồn vốn đầu tư công để ưu tiên cho các dự án cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết là các dự án cấp bách như cải tạo nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ - Đáy... Nhắc nhở các cấp, các ngành thành phố còn khối lượng công việc rất lớn là di dời 113 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu, các địa phương phải đề ra kế hoạch di dời cụ thể cho từng cơ sở sản xuất, kinh doanh và phải xử lý nghiêm việc xả thải trên địa bàn. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm bắt buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh phải xử lý cục bộ trước khi xả thải, để chống quá tải cho hệ thống xử lý nước thải thành phố. “Hiện nay công nghệ xử lý cục bộ rất nhiều và hoàn toàn có thể làm được. Nếu thành phố không gây sức ép, không thu giấy phép xả thải thì không bao giờ khắc phục ô nhiễm sông, hồ; cho dù có đầu tư cải tạo sông, hồ thế nào đi nữa" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường; HĐND thành phố chỉ đạo tăng cường giám sát về vấn đề này; đồng thời bàn với UBND thành phố để cân đối vốn đầu tư công theo hướng ưu tiên cho một số dự án cấp bách như trạm bơm Liên Mạc, xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ - Đáy... Các cấp, các ngành tiếp tục chương trình tuyên truyền, xây dựng đề án để tiến tới xóa bỏ bếp than tổ ong; theo dõi, thúc đẩy tiến độ các dự án xử lý nước thải ở các khu, cụm công nghiệp...
Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch
Về kết quả khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác năm 2016 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch... Để khắc phục các hạn chế, yếu kém trên, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, ngày 1-6-2017, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã ban hành kế hoạch nhằm khắc phục những hạn chế đó. Sau hơn 1 năm thực hiện, nhìn chung công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong đó có sự vào cuộc trách nhiệm cao của cấp ủy các cấp.
Do vậy, số công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Tất nhiên cần tiếp tục rà soát, vừa tập trung xử lý những vi phạm mới phát sinh, đồng thời xử lý dứt điểm những công trình vi phạm chuyển sang từ các năm trước (năm 2016 có 44 công trình chuyển sang, năm 2017 có 57 công trình). Đề nghị các địa phương rà soát xử lý hết, cách quản lý như huyện Đông Anh rất đáng khen ngợi.
Chỉ đạo các cấp, các ngành trên tinh thần tiếp tục phát huy tốt những kết quả đạt được, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập, Bí thư Thành ủy Hà Nội thống nhất với các đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới; đồng thời lưu ý một số nội dung trọng tâm. Trong đó, đồng chí yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, các quy chế quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc; tiến hành bàn giao các quy hoạch, mốc giới để các địa phương thuận lợi trong quản lý. Bí thư Thành ủy chỉ đạo, sớm triển khai quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ; trong đó cần mạnh dạn tham mưu để thành phố đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tháo gỡ vướng mắc hiện nay. Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, các cấp, các ngành thành phố cần đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư xây dựng theo giấy phép xây dựng để phát hiện sớm vi phạm, xử lý nghiêm ngay từ đầu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, với quyết tâm của toàn Đảng bộ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, thành phố chúng ta sẽ khắc phục hạn chế, tiếp tục tạo được nhiều kết quả rõ nét hơn trong hai vấn đề này, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố trong năm 2018 và cả nhiệm kỳ.