Ngẩn ngơ nhớ đến hội đu năm nào
Tin tức - Ngày đăng : 08:43, 06/02/2022
"Sang xuân đình đám vui như Tết/ Hết đám làng bên lại đám làng”.
Xuân sang mang theo tháng Giêng, tháng khởi đầu cho một năm mới. Cữ ấy, trời đất dường như ban tặng riêng cho người Hà Nội một thứ mưa xuân diệu kỳ như sương như khói, mờ ảo. Đó cũng chính là lúc khắp các làng trên xóm dưới của vùng đất ngoại thành tưng bừng mở hội khai xuân, chào mừng năm mới. Người ta nô nức kéo nhau du xuân, chơi hội. Trong muôn vàn trò chơi dân gian phong phú, bổ ích và đầy lý thú của Tết ngày xưa, “món” khiến tôi đam mê nhất là chơi đu.
“Nhún mình như thể nhún đu/Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm...”
Đám đu của Tết ngày xưa khiến tôi cứ như “ăn phải bả” là trò chơi đu được tổ chức trong lễ hội Cổ Loa (Đông Anh), ngôi làng cổ nằm bên kia sông Đuống. Để xem trò đánh đu những cái Tết ngày xưa ấy tôi phải đi bộ gần chục cây số. Nào đã xong, còn phải đi đò qua sông nữa, nhưng dường như chẳng ai nản đường xa, chẳng sợ đò ngang đò dọc, sông nước cách trở.
“Khen ai khéo dựng đu này/ Để cho trai gái chơi ngày chơi đêm”
Nghe kể việc tổ chức trò chơi dân gian này cũng lắm công phu. Một nhóm thanh niên trai tráng trẻ khỏe nhất làng đại diện cho các gia tộc sẽ được giao việc chọn tre dựng cây đu. Cây đu phải được dựng trước ngày 27, muộn nhất là 28 tháng Chạp để nghênh đón Tết. Muốn có được cây đu “đủ tuổi”, cứ phải chọn được những cây tre già to đẹp nhất làng. Có năm làng dựng cây đu ngay tại sân đình, có năm dựng đu trước cửa chùa, cũng có năm đu được dựng ngay khu diệc mạ cỡ vài sào Bắc Bộ.
Những cây tre được chôn thật sâu vào lòng đất vừa mềm vừa cứng tạo nên những trụ đu chắc chắn, mỗi bên từ 2 đến 3 cây. Phần đầu tre được uốn cong theo thế gọng vó, chụm vào nhau bằng sự chằng quấn chắc nịch của sợi dây chão chỉ dùng kéo thuyền. Trên đỉnh cây đu (thượng đu) là lá cờ đỏ sao vàng. Xung quanh bãi chơi đu, những lá cờ đuôi nheo đêm ngày ngạo nghễ phấp phới trong cái thứ gió lộng đông thơm ngát hương vị đầu xuân tinh khôi.
Đánh đu bao giờ cũng là một cặp nam thanh nữ tú. Nam thì vận áo the khăn đóng, nữ thì rực rỡ trong bộ đồ mớ bảy mớ ba, với mảnh yếm nâu sồng tươi non cùng dải thắt lưng màu thiên thanh khoe nét đẹp xuân thì. Cái chất tình, giao duyên của trò chơi không chỉ khiến người trong cuộc như uống phải men say mà người xem cũng náo nức. Cảm cái lãng mạn, đầy tình tứ của trò đu, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên: "... Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song..."
Hội xuân có chơi đu, cùng những trò chơi và các hình thức diễn xướng dân gian không chỉ là nơi trai gái hẹn hò mà còn là “địa chỉ đỏ” để con người ta vô tư, tự nguyện cố kết cộng đồng trên tinh thần nhân văn cao thượng “người với người sống để yêu nhau”. Từ đó tạo nên một thứ năng lượng nhân sinh phi thường, hào sảng mà tự tin bước vào một năm mới với đầy sức xuân.
Những cái Tết ngày xưa là vậy. Còn Tết thời nay ít thấy bóng trò chơi dân gian. Sự trống vắng ấy khiến người ta có cảm giác hụt hẫng. Bởi nhẽ, cái nét văn hóa Tết thuần Việt ngày một mất mát dần đi. Nghĩ mà thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ những cái Tết ngày xưa...