Đô thị hóa tâm hồn

Tin tức - Ngày đăng : 10:38, 06/02/2022

Những tiêu chí về hạ tầng nếu được đầu tư sẽ rất mau được đáp ứng để những ngôi làng “lên phố”. Nhưng không dễ để một nông dân thích ứng với lối sống thị dân - những nền nếp sinh hoạt phù hợp với không gian, hạ tầng đô thị. Cũng như thế, một người nhập cư, chưa thể ngày một ngày hai hấp thụ văn minh đô thị. Đô thị hóa tâm hồn là một quá trình, cần sự hợp tác từ hai phía. Trước hết, là thay đổi tư duy, thay đổi cách nhìn nhận về văn hóa thị dân.
Đô thị hóa tâm hồn
Đô thị hóa tâm hồn cần sự hợp tác từ hai phía, cả chính quyền lẫn người dân. Ảnh: Cao Anh Tuấn

1. Nhiều người bảo rằng, Hà Nội cũng chỉ là một cái “làng lớn”. Điều ấy không sai. Ngay người phố cổ đều có gốc gác từ làng. Nhưng nhận xét ấy chưa thể coi là đủ. Đất này, người có học tụ về để thi thố tài năng. Thế rồi, cái văn hóa mang nền nếp Nho gia lan tỏa vào cuộc sống. Người khéo nghề, đến với 36 phố phường để sản xuất, buôn bán. Sự tương tác với khách hàng “dạy” cho người ta cách ăn nói, ứng xử mới, khéo léo, tế nhị hơn. Cộng hưởng của hai nhân tố chủ đạo ấy hình thành nên nét thanh lịch Tràng An.

Nếu chưa đi vào những ngõ nhỏ của Hà Nội thì chưa thể coi là hiểu người Hà Nội. Ngõ hẹp, sáng ra hé cửa nhà nọ đã nhìn thấy nhà kia. Trong nhà to tiếng, người nhà kế bên nghe thấy hết. Ăn nói nhẹ nhàng, tế nhị, một phần cũng từ đó mà thành. Hà Nội cũng có thị dân nghèo. Có gia đình đến bữa thấy thiếu gạo, phải đi vay. Họ không đứng ở cửa gọi vọng vào, mà kín đáo vay bơ gạo trong cái âu đựng trầu. Chuyện như thế không phải hiếm. Người ta có thể không giàu, nhưng không vì thế mà thiếu tinh tế.

Thanh lịch, văn minh thường được dùng như một cụm từ thống nhất. Nhưng thực ra thanh lịch thiên về lời ăn, tiếng nói, cái mặc...; còn văn minh thường gắn với hạ tầng. Hạ tầng Hà Nội có sự chuyển mình mạnh mẽ khi người Pháp tiến hành cuộc cải tạo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hệ thống vỉa hè, thoát nước... mới bắt đầu đồng bộ, kèm những quy định được ban hành. Quy chế lục lộ ban hành ngày 21-9-1891 quy định như sau: “Vỉa hè rộng 3m thì bậc cửa ra vào chỉ được phép cao 10cm, vỉa hè rộng 5m thì bậc cửa là 15cm...”. Cũng như vậy, chiều cao của cửa sổ, ban công... đều được quy định chi tiết. Mùa hè nắng nóng, chính quyền cho phép đổ nước ra vỉa hè để làm mát. Nhưng phải có giờ. Một nhà sử học có tiếng người phố cổ kể rằng, có lần em gái ông đổ nước ra vỉa hè sớm hơn quy định, lập tức “trát” xử phạt đến nhà.

Giữa thời “mưa Á, gió Âu” giữa thế kỷ XX, khi văn hóa Nho gia phai nhạt thì ứng xử của cư dân “phố Hàng” - những người sống chủ yếu bằng sản xuất nhỏ và buôn bán, vẫn cứ là niềm tự hào của Hà Nội. Văn hóa người Hà Nội cũ, không gì khác hơn, được định danh bằng văn hóa thị dân. Thị dân “kiểu Việt Nam”.

2. Không cứ người đi xa trở lại mà ai cũng nhận ra, Hà Nội mỗi ngày mỗi khác về hình hài, nhất là “tâm tính”. Tiếng hát karaoke hành hạ ngay giữa ban trưa có thể gặp bất cứ nơi đâu. Vào quán xá, không muốn nói to nhưng nhiều khi phải gào lên người đối diện mới nghe thấy. Những con phố “Văn minh đô thị” cấm bán hàng trên vỉa hè nhưng hàng hóa vẫn cứ tranh nhau “thò ra, thụt vào”. Cuối năm, “tiệc hành lang” liên tu bất tận, từ chung cư này đến chung cư khác...

Suốt những năm qua, người từ nơi khác đổ về Hà Nội học tập, làm ăn ngày một nhiều. Nhưng nếu như thời xưa, đây là nơi đổ về của tầng lớp tinh hoa thì bây giờ, thành phần cư dân phức tạp. Cùng với đó, vùng đô thị mở rộng dần ra các huyện ven đô. Tuy nhiên, cư dân sống ở đô thị lại không, hoặc chưa phải thị dân.

Ở làng xã, phần lớn cư dân sống dựa vào nông nghiệp; quan hệ xã hội chủ yếu gói gọn trong họ tộc, hàng xóm láng giềng. Tập quán sinh hoạt dựa vào thói quen, “lệ làng” và “nhìn nhau mà sống”. Người nông dân Việt Nam có nhiều đức tính quý báu như cần cù chịu khó, nghĩa tình, đoàn kết... Nhưng không ai có thể phủ nhận, tùy tiện là một “đặc sản”. Người ta có thể làm đồng từ sớm tinh mơ đến tối mịt, nhưng có thể trở về lúc non trưa nếu trời nắng to. Không gian rộng, người ta có thể vứt chất thải ra vườn, xuống ao, để nó tự tiêu. Ở làng, tính cộng đồng cao nên người dân thích tụ tập hội hè, ăn uống. Ngồi vào bàn ăn là cười nói ha hả. Mâm cỗ trên chiếu thiếu tiếng nói, tiếng cười cảm giác kém ngon.

Đô thị có độ “nén” dân số cao, nếu tùy tiện rất dễ gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Cư dân đô thị lại đa dạng về nguồn gốc, ngành nghề, nhu cầu. Người ta không thể “nhìn nhau mà sống” nên hành vi được điều chỉnh bằng những định chế pháp luật. Có những tập tính đẹp ở nông thôn nhưng “bê” nguyên về đô thị lại là câu chuyện khác.

Có một sự va chạm âm thầm giữa lớp cư dân mới với cư dân cũ. Cư dân mới chiếm số lượng áp đảo, lại có năng lực kinh tế nên có “tiếng nói” hơn. Họ trở thành bên áp đặt lối sống. Văn hóa thị dân cũ, chỉ như những mảnh trầm tích sót lại. Những gia đình không khá giả, còn giữ nền nếp xưa, càng dễ bị chê là kiểu cách.

3. Những tiêu chí về hạ tầng sẽ rất mau chóng được hình thành để những ngôi làng “lên phố”. Nhưng không dễ để người dân làng đó thích ứng với lối sống đô thị. Cũng như thế, một người nhập cư đến Hà Nội chưa thể ngày một ngày hai hấp thụ được văn minh đô thị theo đúng nghĩa. Đô thị hóa tâm hồn mới nan giải. Nhất là khi phần đông vẫn nuối tiếc yếu tố làng xã. Thành ra, con người sống trong một hạ tầng đô thị nhưng loay hoay trong một môi trường xã hội tiền đô thị, chênh vênh giữa một bên là sức nặng văn hóa làng xã, một bên là văn hóa thị dân - mà cái cũ phôi pha, cái mới chưa định hình.

Thủ đô vẫn đang trong hành trình xây dựng văn hóa người Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Quy tắc ứng xử cũng có tác dụng, nhưng chưa thật nhiều chuyển biến. Quy tắc ấy cũng không có sự phân định văn hóa ứng xử giữa các khu vực đô thị - nông thôn, dù đặc trưng là khác nhau. Người tứ phương vẫn hồn nhiên, đôi khi là tự hào khi bê nguyên “cả làng” về phố. Các huyện ven đô rùng rùng xây dựng, rất ít thấy sự chuẩn bị để những nông dân hôm nay trở thành thị dân tương lai. Người ta vẫn cứ sống ở “rìa” của đô thị, khi không có văn hóa thị dân. Hiển nhiên, ta không thể theo nổi cuộc chạy đua đến sự văn minh và phồn thịnh kiểu châu Âu. Nhưng không thể trì hoãn định hình văn hóa của cư dân đô thị thời hiện đại. Mà ở đó, dù nuối tiếc, nhưng muốn đô thị hóa tâm hồn thì phải nói lời chia tay với nhiều tập quán làng xã không còn phù hợp.

Đô thị được quản lý bằng định chế pháp luật. Nhưng không một định chế nào đủ sức xử lý tất cả mọi hành vi vi phạm. Để tạo nên đô thị văn minh thì phải nhờ yếu tố văn hóa. Đó chính là văn hóa thị dân. Trở lại thời kỳ người Pháp xâm chiếm và quản lý Hà Nội. Rõ ràng, người Hà Nội thời đó bị chính quyền “khoác” thêm nhiều quy định về quản lý đô thị. Song, lối ứng xử tế nhị, lịch thiệp sẵn có tạo ra rất ít xung đột với quy định, nếu không muốn nói đó là cái nền thuận lợi cho văn minh đô thị. Đấy mãi là một bài học. Đô thị hóa tâm hồn, cần sự hợp tác từ hai phía. Cả chính quyền lẫn phía người dân. Nếu không, người ta có thể “uống cạn nước Hồ Gươm nhưng vẫn không phải người Hà Nội” - một câu nói quen thuộc của người Hà Nội xưa.

HNMCT