Tết Hà Nội xưa

Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 07:10, 07/02/2022

“Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết/Kiết cú như ai cũng rượu chè” (Tú Xương).
Tết Hà Nội xưa

Ăn Tết

Ngày nay mới có từ “chơi Tết”, nhưng xưa gọi là “ăn Tết”. Thời xưa thiếu dinh dưỡng. Vạn sự khởi đầu từ chữ “ăn”. “Ăn Tết”, “ăn mặc”, “ăn chơi”, “ăn nói”... Thế nên người ­Hà Nội chuẩn bị đón Tết vất vả, công phu lắm.

Đầu tiên là món bóng. Từ đầu năm, mỗi khi mua thịt lợn các bà đã lóc miếng bì rồi dùng thanh tre căng như căng da trống rồi đem gác bếp. Da lợn hong khô bỏ vào lò nướng nở như miếng xốp. Trước khi nấu bóng phải ngâm, rửa thật kỹ bằng nước gừng. Miếng bóng nấu canh có vị ngọt lịm do hút hết vị ngọt của tôm, thịt nạc, nhai hơi giòn, cảm nhận rõ mùi thơm của nấm, vị mát của su hào, cà rốt được cắt tỉa cầu kỳ.

Công phu hơn là món canh măng lưỡi lợn - măng dày nhọn như lưỡi lợn. Phải đi nhiều phiên chợ mới chọn được loại măng như ý. Măng mua về cho vào nồi đồng đậy nắp kín để ở nơi khô ráo, thỉnh thoảng mang ra phơi và dùng giấy bản lau kỹ những chỗ mốc. Trước khi ninh phải rửa măng thật sạch, ngâm và thay nước nhiều lần, từ lúc nước có màu chè đặc thành nhạt màu mất một hai ngày. Sau khi hết mùi ngai ngái thì cho vào nồi luộc nhiều lần mới hoàn thành việc “tắm rửa” cho măng. Cuối cùng, ninh măng với cổ cánh, thịt gà, thịt lợn, chân giò... Khi nào dùng đũa đâm nhẹ cũng xiên được vào miếng thịt là được. Miếng thịt mỡ ninh măng ăn béo ngậy nhưng không ngấy như thịt luộc hoặc quay. Măng lưỡi lợn dày, dễ ngấm vị của xương thịt nên mềm, ngọt đến tận chân răng kẽ lưỡi. Miếng măng vừa có chất xơ của rau vừa có chất thịt, giống như một loại “đông trùng hạ thảo” vậy.

Bữa cơm ngày Tết, được con cháu khen món măng ngon là bà nội tôi vui hơn Tết. Những lúc ấy đôi mắt cụ lại nhìn xa xăm trên ban thờ, dường như hình ảnh Tết xưa lại trở về trong tâm trí của cụ...

Quanh nồi bánh chưng

Từ đầu năm các gia đình Hà Nội đã gom nhặt củi gộc, nhiều mấu không dùng được vào việc gì để dành đến Tết nấu bánh chưng. Có lần bố tôi về quê chở toàn củi sung, lúc đem nấu bánh chưng khói mù mịt khắp phố mà lửa không bốc lên được. Năm đó bánh chưng bị sượng, mùng 4 Tết phải đem nấu lại.

Trung tâm ngày Tết diễn ra quanh nồi bánh chưng. Các nhà phố cổ, cửa lui vào cách vỉa hè khoảng 2m thành nơi nấu bánh chưng Tết lý tưởng. Ngoài đường gió rét thổi hun hút, mưa xuân phơi phới bay, phía trong nồi bánh chưng bốc hơi nghi ngút. Xung quanh bếp lửa hồng ấm cúng, cả gia đình trông bánh, chơi Tết. Trẻ con chơi tam cúc ăn tiền dù ngày thường trò này tuyệt đối bị cấm. Người có tuổi chơi chắn say mê. Tiếng pháo nổ đì đẹt, mùi diêm sinh, mùi củi lửa, mùi bánh chưng thành hương vị Tết huyền bí của phố xưa.

Thuở ấy thiếu chất dinh dưỡng nên người gầy lắm, thanh niên 25 tuổi chỉ nặng 40kg là bình thường. Võ sĩ Dậu nổi tiếng Hà Nội chỉ nặng có 42kg. Võ sĩ Bùi Trần Tý là công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, làm rung chuyển bao nhiêu sàn đấu cũng chỉ nặng 45kg. Chính vì quá gầy, lại thiếu ăn, “bụng đói cật rét” nên người ta rất thích ngồi trông nồi bánh chưng. Sưởi ấm kiểu này thì phía trước hơi nóng rát, sau lưng vẫn lạnh chứ không ấm đều toàn thân như ngồi phòng điều hòa bây giờ.

Xung quanh nồi bánh chưng đặt ké những ấm, xoong, chậu, nồi, niêu đựng nước để tắm tất niên - ngày tắm cuối cùng trong năm. Thời ấy mùa rét rất sợ phải tắm vì không có nhà tắm kín, phải tắm nước lạnh ở giữa sân. Cho nên nhiều người dễ đến hàng tháng mới tắm một lần. Cả phố lúc ấy chỉ có một vòi nước. Ngày áp Tết vòi nước chảy như người đái rắt. Muốn có nước tắm phải chuẩn bị thức mấy đêm mới đủ nước dùng mấy ngày Tết. Nước tắm được cho thêm vào mớ mùi già trĩu hạt, loại thảo dược vừa thơm vừa chống cảm lạnh. Bọn trẻ chúng tôi hay nói đùa: “Ngày Tết này chắc chắn cống sẽ tắc vì ghét của mọi người lấp đầy”. Người nào tắm xong cũng sảng khoái, gặp ai cũng xuýt xoa: “Hôm nay tắm một trận sướng quá. Trời ơi sướng quá!”.

Quần áo diện Tết

Thường thì cuối tháng Mười một mẹ đã đưa chúng tôi đi mua quần áo Tết. Quần áo Tết chỉ được mặc 3 ngày Tết, sau đó cất đi. Mỗi năm gia đình chỉ mua một bộ quần áo Tết, rồi cứ luân phiên dùng từ anh cả cho đến em út. Thời xưa, quần áo vài chục năm chỉ một kiểu nên không sợ lỗi mốt.  

Sáng mùng một Tết, mọi người đều mặc quần áo mới, trông ai cũng lạ hẳn đi. Ngày ấy bàn là dùng bằng than hoa hoặc bằng miếng gang hơ nóng trên lò than chứ không có bàn là điện, nên chỉ có những thợ là bậc cao mới sử dụng được. Quần áo không được là nhưng được xếp cẩn thận, ép chặt trong hòm để hàng năm nên cũng rất phẳng phiu.

Ở cuối phố Ô Quan Chưởng ngày ấy có ông Kiểm thợ giặt là. Ông có đôi tai cực thính. Chiếc bàn là bằng gang đặc đặt trên lò than, nếu quá nóng quần áo sẽ bị cháy, nếu nguội thì không có tác dụng. Muốn đo độ nóng của bàn là không thể dùng tay để thử mà chỉ có cách nhổ nước bọt vào bàn là. Nghe tiếng xèo xèo và tốc độ bốc hơi của nước bọt là ông Kiểm có thể đánh giá chính xác độ nóng của bàn là. Hiệu giặt là chỉ rộng chừng 5 mét vuông, không có chỗ phơi quần áo nên ông Kiểm lợi dụng tầng trên của Ô Quan Chưởng làm sân phơi. Ngày ấy chưa có chuyện xếp hạng di tích nên việc này không bị coi là bất hợp pháp.

Hàng phố ngày Tết

Ngày Tết, trẻ con sung sướng nhất là không bị cậu mợ đánh mắng. Những gia đình trung lưu ở Hà Nội gọi bố mẹ là cậu mợ, người nhà quê gọi là thầy u. Cậu mợ nào sinh con khi còn quá trẻ thì con cái chỉ xưng “em” chứ không được xưng “con”.

Ngày Tết, trẻ con bóc vỏ chuối cho luôn vào mồm, không cần bẻ đôi bố mẹ vẫn tha, dù ngày thường thì ăn uống như vậy là thô tục, là “nhà quê”. Mùng một Tết trẻ con dậy sớm lắm vì chẳng mấy khi chúng thức đón giao thừa, chỉ lúc pháo nổ mới bừng mắt, đã thấy cha mẹ đang trang nghiêm lễ giao thừa. Sáng mùng một, người lớn vừa mở cửa trẻ con đã chạy ngay ra khỏi nhà để gặp gỡ đám trẻ hàng phố. Đứa nào cũng xúng xính quần áo mới, nhìn nhau vừa lạ vừa quen, sau phút ngỡ ngàng thoáng qua mới hòa nhập được với nhau, thi nhau lúi húi đi nhặt những quả pháo đốt đêm giao thừa chưa nổ để đốt tiếp.

Nhà tôi ở phố Ô Quan Chưởng, ngày xưa phố này vắng lắm. Buổi tối đi qua cổng ô chúng tôi thường chạy thật nhanh vì sợ ma. Hai bên cửa ô có cống nước chảy qua rất hôi hám vì người buôn bán, vãng lai thường tiểu bậy ở chỗ này. Những ngày giáp Tết, cụ Bạch nhà ở số 5 Ô Quan Chưởng thường bắc ghế ngồi giữa cổng ô không cho ai “đi toilet” làm ô uế khu vực này. Nhiều người bảo cụ là “hâm”, “điên”, “ăn cơm nhà vác tù vả hàng tổng”, con cái khuyên can hết lời nhưng cụ vẫn quyết bảo vệ cổng Ô Quan Chưởng khang trang, sạch sẽ trong những ngày Tết. Nếu cụ Bách còn sống đến ngày nay chắc chắn nhiều người sẽ đề cử cụ là Công dân Thủ đô ưu tú.

HNMCT