Dấu ấn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với người dân TP Hồ Chí Minh
Tin tức - Ngày đăng : 22:37, 25/09/2018
Gắn bó với TP Hồ Chí Minh trên cương vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh trong thời gian không quá dài nhưng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại những ấn tượng đẹp với cử tri, với người dân nơi đây.
Học sinh đọc sách, vui chơi trong thư viện Trường Tiểu học Phan Văn Trị do Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tặng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN) |
Hay tin Chủ tịch nước từ trần, trong lòng người dân thành phố dâng lên bao niềm tiếc thương và họ sẽ mãi không quên người lãnh đạo luôn gần gũi với nhân dân.
Luôn gần gũi cử tri
Là người từng tiếp xúc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Đỗ Văn Minh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí quận 3) cho biết, trong thời gian đương nhiệm, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn dành nhiều thời gian cho cử tri quận 3 nói riêng, người dân TP Hồ Chí Minh nói chung.
Mỗi lần tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước luôn lắng nghe, ghi nhận và chỉ đạo các cấp ngành thành phố giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề cho người dân; qua đó, tạo niềm tin cho người dân vào Đảng, Nhà nước trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.
Với ông Đỗ Văn Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người con cách mạng, cương trực, thẳng thắn và luôn chia sẻ, giúp đỡ người dân, lo cho đất nước.
"Điều đáng tiếc là Chủ tịch nước không còn đồng hành với cử tri, người dân thành phố cũng như cả nước. Chủ tịch nước mất đi để lại bao niềm thương tiếc trong lòng của người dân thành phố..." - ông Đỗ Văn Minh ngậm ngùi chia sẻ.
Không chỉ cử tri, trong quá trình công tác ở vị trí Chánh Văn phòng Quận ủy quận 3, ông Phạm Minh Tâm (hiện là Chánh Văn phòng Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh) có nhiều dịp gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi tham gia công tác chuẩn bị cho các buổi tiếp xúc với cử tri quận.
Ông Phạm Minh Tâm chia sẻ trong vai trò là đại biểu Quốc hội, những ý kiến cử tri nêu đều được Chủ tịch nước trả lời thỏa đáng, các vấn đề mà cử tri nêu đều được Chủ tịch nước ghi chép cẩn thận, trả lời trọng tâm và có sự đeo bám, theo dõi sau đó, nhờ vậy mà các vấn đề người dân bức xúc được thúc đẩy giải quyết rốt ráo; cử tri đều rất tin tưởng, quý mến Chủ tịch nước.
Ông Phạm Minh Tâm ấn tượng nhất ở Chủ tịch nước Trần Đại Quang là sự gần gũi với người dân. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước luôn dành sự thăm hỏi ân cần với cử tri.
"Nhớ lần tiếp xúc cử tri tại quận, có cử tri lớn tuổi ngồi dưới cuối hội trường có mong muốn phát biểu nhưng lại không đăng ký phát biểu trước đó. Biết được mong muốn của cử tri này, Chủ tịch nước ân cần mời cử tri lên vị trí gần hơn và tạo điều kiện cho cử tri này phát biểu, bày tỏ ý kiến của mình khiến cử tri rất cảm động"- ông Phạm Minh Tâm chia sẻ.
Theo ông Phạm Minh Tâm, do giới hạn thời gian nên có một số cuộc tiếp xúc cử tri không đủ thời gian để cử tri bày tỏ hết ý kiến của mình. Vậy là, sau mỗi buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước luôn dành thêm thời gian đến thăm hỏi, nói chuyện với cử tri, lắng nghe họ chia sẻ thêm những suy nghĩ, ý kiến, nguyện vọng của mình.
Những cuộc trò chuyện như vậy diễn ra rất thân tình, gần gũi, khi thì trao đổi với người dân về tình hình đời sống, khi thì thăm hỏi sức khỏe của những cử tri lớn tuổi...
Thư viện "đặc biệt"
Chưa được gặp trực tiếp, nhưng những thầy cô Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1, TP Hồ Chí Minh) luôn dành tình cảm đặc biệt với Chủ tịch nước Trần Đại Quang - người đã cùng Tổ đại biểu Quốc hội số 1 tặng 200 triệu đồng để làm thư viện cho nhà trường.
Thương tiếc trước sự ra đi của Chủ tịch nước, cô Nguyễn Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị ngậm ngùi chia sẻ: “Khi hay tin Chủ tịch nước qua đời, tập thể nhà trường cảm thấy bàng hoàng và quá bất ngờ. Thư viện do Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổ đại biểu Quốc hội tặng chỉ mới đưa vào sử dụng được 1 năm nay, nhưng Chủ tịch nước không còn nữa... Thư viện nhà trường đong đầy kỷ niệm".
Trường Tiểu học Phan Văn Trị ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, nhưng trường thuộc khu Đồng Tiến, Mả Lạng cũ, chủ yếu là người lao động, vì thế con em trong trường phần hơn có hoàn cảnh khó khăn.
Trước đây, thư viện nhà trường khá chật hẹp, chỉ dưới 50m2 với trang thiết bị cũ kỹ, thiếu thốn. Tuy nhiên, việc được Chủ tịch nước và Tổ đại biểu Quốc hội trao tặng kinh phí để xây thư viện mới thật sự là tin vui và niềm hạnh phúc với học sinh, nhà trường và phụ huynh.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Yến, thư viện chính là bước khởi điểm, giúp ngôi trường “thay da đổi thịt” về mọi mặt, khiến phụ huynh thấy "ngỡ ngàng” về sự phát triển của nhà trường. Dù hôm khánh thành thư viện, Chủ tịch nước không đến dự được do bận công tác, nhưng tập thể nhà trường rất biết ơn Chủ tịch nước.
Rộng 110m2 với không gian mở để thu hút học sinh nhỏ tuổi, thư viện Trường Tiểu học Phan Văn Trị hiện có trên 9.000 đầu sách, đồng thời được trang bị sân khấu nhỏ để các em biểu diễn, màn hình tương tác xem phim... với phong cách mới, đúng nghĩa là nơi giải trí nên trẻ rất thích vào vui chơi, đọc sách.
Cô Nguyễn Thị Hồng Yến bày tỏ ấn tượng với sự quan tâm của Chủ tịch nước đối với ngành Giáo dục, với học sinh, những tương lai của đất nước.
Những dấu ấn trong sự nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn gắn bó với TP Hồ Chí Minh trong vai trò đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với cử tri thành phố, cả những người từng gặp gỡ hoặc chưa gặp trực tiếp. Những ký ức đó sẽ lưu giữ và không phai trong lòng cử tri thành phố...