Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:46, 03/10/2018

Những ngày mùa thu lịch sử này, chúng ta xúc động khi xem những hình ảnh tư liệu ghi lại thời khắc lịch sử của Thủ đô trong ngày tiếp quản tháng 10-1954. Tác giả của những thước phim vô cùng quí báu về Hà Nội ấy là đạo diễn Xô viết kiệt xuất Roman Karmen.
Karmen tâm sự, ông đã chuẩn bị cho những cảnh quay này rất kỹ với một niềm ưu ái và cảm hứng vô bờ.

Đạo diễn Roman Karmen cùng hai đồng sự Xô viết Evghenhi Mukhin và Vladimia Echurin được Nhà nước Liên Xô giao nhiệm vụ sang Việt Nam làm phim tài liệu vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Được sự chỉ dẫn của Bác Hồ, sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp và nhân dân Việt Nam, các nhà làm phim Xô viết đã miệt mài lao động, hoàn thành xuất sắc bộ phim màu "Việt Nam" (1955) ghi lại những giây phút hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm tháng hòa bình đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam.
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đạo diễn Roman Karmen tại Việt Bắc năm 1954

Đầu tháng 10-1954, từ chiến khu Việt Bắc, đoàn phim của Roman Karmen về Hà Nội để quay cảnh Thủ đô những ngày trước và sau khi bộ đội ta tiếp quản. Chúng tôi giới thiệu với bạn đọc những đoạn trích viết về Hà Nội 64 năm về trước trong cuốn “Ánh sáng trong rừng sâu” của Roman Karmen, qua đó cho thấy tấm lòng của ông đối với Hà Nội.

Thị trưởng Hà Nội Trần Duy Hưng

Chúng tôi, những nhà làm phim tài liệu của điện ảnh Xô viết đã gửi thư đến Ủy ban hỗn hợp xin phép được vào Hà Nội vài ngày trước khi Quân đội nhân dân vào tiếp quản nhưng không được trả lời... Buổi tối, chúng tôi đến Ủy ban Quân chính Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 làm Chủ tịch để tìm hiểu về kế hoạch giải phóng Thủ đô. Không gặp được ông nhưng chúng tôi được Phó Chủ tịch Ủy ban Trần Duy Hưng tiếp.

Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám đến khi rời khỏi Thủ đô, ông Trần Duy Hưng là Thị trưởng Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Hành chính. Nguyên là bác sĩ nhi khoa nổi tiếng, một trí thức tiến bộ, ông đã gắn bó cuộc đời mình với cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc. Mở rộng tấm bản đồ Thủ đô có những ô vuông chì màu vạch đỏ, bằng một giọng nhỏ nhẹ, ông Thị trưởng giải thích cho chúng tôi kế hoạch tiếp quản thành phố: "Lần đầu tiên trong lịch sử, trong điều kiện hòa bình, diễn ra cuộc chuyển giao giữa hai quân đội, Thủ đô của một nước. Hiệp định Geneva đã xác định những nét chung về hình thức tiếp quản thành phố. Ngày 8-10-1954, quân đội Pháp sẽ di chuyển đến ven đô. Ngày 9-10-1954, họ sẽ cuốn khỏi Hà Nội. Ngày 10-10-1954, các đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân sẽ long trọng tiến vào thành phố".
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen

Ông Trần Duy Hưng nói tiếp: "Trong cuộc thảo luận các chi tiết tại Ủy ban hỗn hợp không khỏi có những chuyện ngộ nghĩnh. Người Pháp đề nghị cảnh sát của chúng tôi vào Hà Nội trước các đơn vị quân đội, không được mang băng đỏ, mà mang băng xanh. "Theo các ông, màu xanh có nghĩa là thế nào?" - chúng tôi hỏi họ. - "Mầu xanh của hy vọng và hòa bình". "Tại sao lại hy vọng? Thì chúng ta đã chẳng đạt được hòa bình rồi ư? Vậy thì, nếu các ông không phản đối, trên tấm băng gắn thêm chim bồ câu của Picasso". Điều này bị người Pháp dứt khoát phản đối. Họ đề nghị cảnh sát của chúng tôi không đeo huy hiệu Điện Biên Phủ trên ngực. Họ rất quan tâm về việc chúng tôi sẽ tiến vào thành phố trên những chiếc xe nào. Chúng tôi bảo họ rằng, đó là những chiếc xe chiến lợi phẩm và mỗi chiếc xe đều có đề chữ: "Chiến lợi phẩm ở Điện Biên Phủ".

Những ánh lửa đêm Hà Nội

Bây giờ, nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là quay cảnh Quân đội nhân dân tiến vào Hà Nội. Cho đến thời điểm này, chính quyền Pháp vẫn không cho chúng tôi giấy phép vào Hà Nội. Buộc phải thỉnh cầu đến ông Chủ tịch Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến ở Việt Nam.

Tại cửa ngõ Hà Nội, xe cộ tập trung rất đông. Đã có nhiều cơ quan rút từ rừng về đây. Tất cả các làng nằm trong khu vực này đều bao trùm một bầu không khí nhộn nhịp khác thường. Nhân dân địa phương vui vẻ nhường nhà của mình cho những người mệt nhọc đi xe hoặc cuốc bộ từ rừng núi Việt Bắc về đây. Trong bóng tối, đi theo con đường qua cánh đồng lúa, Khoa (đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa) dẫn chúng tôi vào làng nghỉ đêm. Chúng tôi được nhà văn Nguyễn Tuân ra đón. Hai tháng trước đây, tiễn chân chúng tôi trong rừng cây tràn ngập ánh trăng, khi chia tay anh đã bảo: "Hẹn gặp lại Hà Nội".

Chúng tôi dừng lại tại rìa làng. Tôi im lặng nắm chặt tay Thi (nhà văn Nguyễn Đình Thi) đứng bên cạnh. Dường như bị bùa mê, anh đứng ngây nhìn ánh điện của Thủ đô.

Buổi sáng, chúng tôi cùng một nhóm nhà báo Việt Nam đến thăm Ủy ban Quân chính. Không khí ở đây nhộn nhịp khác thường. Chúng tôi gặp lại đồng chí Trần Duy Hưng. Trông ông rất mệt mỏi. Rõ ràng, ông đã không được ngủ liền mấy đêm rồi.
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen
Phố Hàng Đào vắng lặng vì lệnh giới nghiêm trước khi bộ đội Việt Minh tiếp quản

Ông kể tỉ mỉ về Hà Nội đang chờ đợi Quân đội nhân dân tiến vào. Hóa ra, hàng nghìn người đang tràn ngập tại các làng chung quanh đây không chỉ là những người từ phía Bắc trở về mà có cả nhiều người từ Hà Nội tới. Nhân dân Thủ đô, vượt qua các bốt canh của Pháp, tìm gặp những người giải phóng để được nghe sự thật về chính sách của Chính phủ, tận mắt mình nhìn thấy cuộc sống ở các vùng giải phóng và sau đó trở về kể lại những điều đã nghe thấy và nhìn thấy cho hàng trăm người khác bị bộ máy tuyên truyền của địch đầu độc đang dao động, lo lắng về số phận của mình. Ông Trần Duy Hưng nói: "Họ đến đây đủ mọi tầng lớp khác nhau. Đông đến nỗi chúng tôi buộc phải thể theo nguyện vọng của họ, tổ chức một số cuộc đại loại như một lớp học để giải thích chính sách của chúng tôi".

Buổi tối ngày 7-10-1954, cuối cùng chúng tôi cũng được báo tin rằng, chính quyền quân sự Pháp đồng ý cho ba nhà điện ảnh Xô viết cùng các đồng nghiệp Việt Nam được vào Hà Nội. Đến khuya thì có giấy phép. Đó là một tờ giấy trắng "Laisser passer" do Đại sứ De Vinter, Chỉ huy vùng chiến thuật Hà Nội ký, cho phép vượt tuyến ngăn cách quân đội hai bên và tự do đi lại trong Hà Nội.

Khách sạn Le Splendide

Chưa rạng sáng, chúng tôi đã rời ngôi làng. Tâm trạng phấn chấn, hồi hộp. Ra đến đường quốc lộ, xe ôtô đã chờ sẵn. Đúng 7h, một chiếc xe Jeep cắm cờ Việt Nam và cờ Pháp chạy đến. Từ trên xe bước xuống một sĩ quan trẻ người Việt Nam và một Đại úy Pháp đội kepi đỏ có tua vàng. Anh ta chào hỏi với thái độ niềm nở, vui vẻ của một người Pháp.
Trên quốc lộ có các đơn vị Quân đội nhân dân, các đội giữ gìn an ninh. Hai bên lề đường là các tốp người mang tay nải gánh gồng. Chúng tôi tiến vào Hà Nội dưới trời mưa rào. Thành phố tưởng như hoang vắng. Trên đường phố, những chiếc xe Jeep phóng như điên dại. Những đoàn xe tải chạy ầm ầm. Các đội tuần tra lính Pháp vũ trang đi qua. Các đại lộ rộng ở trung tâm thành phố được mưa rào rửa sạch hầu như không một bóng người. Nhưng ở các vùng ngoại vi khu lao động thợ thuyền thì không khí lại tấp nập khác thường. Tại đây, ngày hội giải phóng đã bắt đầu. Các cửa hàng nhỏ hé mở, có thể thấy rõ trên quầy hàng bày cờ đỏ sao vàng. Khắp nơi tiếng nói, tiếng cười vui vẻ. Tiếng ồn ào chỉ lặng đi giây phút khi chiếc xe bọc thép của Pháp với cần ăng-ten cao ngất nghểu ầm ầm lăn xích qua. Người ta vội chạy vào nhà đóng sập cửa lại.
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen
Bốt Hàng Trống - Trung tâm Chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội trước giờ tiếp quản năm 1954

Anh chàng lính Pháp, mặt đầy tàn nhang nhai kẹo cao su Mỹ, co ro dưới trời mưa giữa ngã tư đường, trông thật ảo não. Cách vị trí của anh ta một quãng, những cỗ máy may trong một xưởng nhỏ hối hả may cờ. Khắp nơi người ta đang cạo xóa những khẩu hiệu kẻ sơn đen trên tường "Đi Nam, bạn sẽ tránh được những cuộc trả thù man rợ của Việt Minh". Những khẩu hiệu ấy đang bị cạo ngay trước mắt bọn lính Pháp phóng trên những chiếc xe Jeep. Chúng không còn lòng dạ nào nghĩ đến những khẩu hiệu ấy nữa.

Vừa nhận phòng ở khách sạn Le Splendide (nay là khách sạn Hòa Bình), chúng tôi quyết định phải quay phim ngay và chia nhau ra các điểm khác nhau của thành phố, tận dụng một ngày duy nhất Pháp còn chiếm đóng tại Hà Nội. Echurin đi về phía cầu qua sông Hồng. Tôi và Mukhin đi vào trung tâm thành phố. Chốc chốc chúng tôi lại dừng xe. Tôi ra khỏi xe quay các lính gác, các đội tuần tra Pháp. Chúng tôi quay những người dân qua song cửa nhìn ra đường. Chúng tôi dừng lại để quay cảnh những chiếc xe tải chở đầy két sắt, tủ lạnh, giường, đồ sứ… từ trong cổng một nhà đi ra. Những chiếc xe con chất đầy vali chạy rối rít.

Trung tâm Hà Nội là hồ Hoàn Kiếm. Thậm chí trong màn mưa dày hạt, hồ vẫn rất đẹp. Đường rộng với những hàng cây cao chạy vòng quanh hồ với tháp Rùa.
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen
Những người lính Pháp cuối cùng trên phố Hàng Bông, Hà Nội

Đêm xuống. Đêm cuối cùng! Mưa rào không ngớt. Chúng tôi ngồi bên ban công khách sạn Le Splendide ngắm thành phố. Lúc này, tiếng ầm ầm của những đoàn xe rời Hà Nội bao trùm khắp nơi. 

Suốt đêm chúng tôi không ngủ, thảo luận từng chi tiết nhỏ nhất về kế hoạch quay ngày giải phóng Thủ đô. Trước mắt chúng tôi là bản đồ Hà Nội. Mỗi người sẽ quay ở một khu vực. Sáng ra, trời lại u ám, mưa phùn lác rác. Người Pháp tuyên bố tình trạng thiết quân luật. Dân chúng cấm không được ra khỏi nhà, cấm tất cả các loại hình giao thông hoạt động.

Giấy tờ của chính quyền quân sự Pháp cho phép chúng tôi được đi lại và tác nghiệp ở các khu vực của các đơn vị quân đội của cả hai bên. Tại Hà Nội có rất nhiều phóng viên và các nhà điện ảnh nước ngoài.

Hà Nội ngày tiếp quản

Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen
Đông đảo nhân dân chờ đón bộ đội tiến về Hà Nội trước cổng đền Ngọc Sơn

6h30 sáng. Theo phố Duy Tân đi từ trung tâm thành phố về phía Nam, xe chúng tôi tới địa điểm gặp gỡ của sĩ quan hai bên... Đúng 7h, đoàn xe chở bộ binh Việt Nam vượt qua ngã tư và lăn bánh theo những chiếc xe bọc thép. Tiếp theo sau đoàn xe là bộ đội Việt Nam đi thành hàng giữa lòng đường. Và đến lúc này đã diễn ra điều kỳ lạ. Đường phố như đang chết bỗng nhộn nhịp tưng bừng. Hàng nghìn cờ đỏ tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào, trên các mái nhà. Lập tức đường phố trở nên chật hẹp bởi những con người hoan hỉ, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ em lên trên đầu, vỗ tay, ca hát, cười và khóc lên vì sung sướng... Trong đám người hân hoan niềm hạnh phúc giải phóng, tôi nhìn thấy bộ mặt tư lự của nhà điện ảnh Mỹ. Ông ta đứng cạnh chiếc xe của mình, buông thõng máy quay phim. Ông ta không quay.

Ranh giới tiếp theo của khu vực được vạch trên bản đồ bằng một tuyến màu xanh, bộ đội vượt qua vào lúc 8h sáng. Chúng tôi vượt trước, vào 7h30 và lại rơi vào thành phố đang chết lặng. Các đơn vị lính Marốc hạ trại bên hồ Hoàn Kiếm. Bọn sĩ quan vội vã chụp ảnh cho nhau lấy cảnh tháp Rùa.
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen
Quang cảnh ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) trước lúc đoàn quân tiếp quản tới

Vào lúc 8h, vượt ranh giới khu vực tiếp theo, bộ đội Việt Nam lần lượt tiếp quản Nhà băng Đông Dương, Bưu điện, dinh Toàn quyền, chiếm lĩnh toàn bộ khu trung tâm, khu phố Mỹ, phố Anh, tiến về hồ Hoàn Kiếm... Ở khu phố này, chúng tôi cũng thấy sự biến đổi kỳ diệu như ở các vùng ngoại ô. Thác người sôi nổi đổ ra tràn ngập đường phố. Hàng ngàn lá cờ tung bay trên các cửa sổ, mọc lên trên các cột đèn, những băng khẩu hiệu chào Quân đội nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Lao động Việt Nam... được căng lên ngang đường phố.

Tất cả mọi người dân đều đổ ra đường. Ở đây, tại trung tâm thành phố, người dân khá giả hơn. Qua vẻ bề ngoài tôi đoán đó là những thương gia, trí thức... Gương mặt của họ cũng cùng một vẻ hạnh phúc như ở khu thợ thủ công, dân nghèo. Họ cũng nồng nhiệt chào mừng và quây lấy mỗi anh bộ đội, ôm hôn, nắm bắt tay. Mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô không cần một "nghi thức" nào cả đã biểu lộ trong cái ngày vĩ đại ấy sự thống nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Hà Nội tự do! Những người dân hiền lành có thể hít thở nhẹ nhàng, tự do hát và mỉm cười với hạnh phúc của mình. Cho tới đêm khuya, những đám người nhộn nhịp, tươi vui không rời các quảng trường, đường phố tràn ngập ánh điện trang trí ngày hội.

Sáng ngày 10-10, Hà Nội long trọng đón chào các đơn vị bộ đội chủ lực. Từ hai hướng, các đơn vị cơ giới và pháo binh của Đại đoàn 308 quang vinh tiến vào Thủ đô.
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen
Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng vẫy chào nhân dân Hà Nội

Mặt trời chói lọi chiếu sáng phố xá và quảng trường Hà Nội, tràn đầy những người dân ăn mặc quần áo ngày hội. Trong cái buổi sáng tuyệt vời này, chẳng có một người nào ngồi nhà. Mọi người đều đổ ra đường phố rực rỡ những khẩu hiệu và cờ hoa. Hà Nội đã chào đón những chiến sĩ giải phóng bằng những tiếng reo, bằng lời ca và những tràng vỗ tay.
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen
Người dân Hà Nội hân hoan đón chào bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô

Tại sân Cột Cờ, với sự hiện diện của Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố cùng các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản, hàng vạn nhân dân Thủ đô phấn khởi dự lễ chào cờ mừng chiến thắng. Trong tiếng nhạc quốc thiều, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên. Đúng 15h, tại Nhà hát thành phố, người dân đổ về nghe Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội. Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch chúc mừng người dân Hà Nội nhân ngày giải phóng, kêu gọi toàn thể nam phụ lão ấu tích cực tham gia vào sự nghiệp phục hồi và xây dựng thành phố thân yêu, phục hồi sản xuất, giữ gìn trật tự và an ninh, phát triển hoạt động văn hóa…
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng cùng toàn quân đang nghiêm trang làm lễ chào cờ.

Lá cờ lụa kiêu hãnh bay phấp phới trên tháp cổ của thành Hà Nội. Mọi nơi xa nhất của thành phố vĩnh viễn được tự do, đều nhìn thấy lá cờ...

Roman Karmen (1906 – 1978) là một trong những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ XX. Cuộc đời nghệ thuật của ông rất đa dạng trong các vai trò: Đạo diễn, biên kịch, quay phim, nhà báo, nhà sư phạm điện ảnh. 
Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen

Roman Karmen đã đi suốt từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô viết, có mặt tại hầu hết các mặt trận quan trọng nhất, từ Moscow đến Berlin, hang ổ của chủ nghĩa phát xít. Ông đã quay được những thước phim vô giá như: Bắt sống Thống chế Đức Paolut, cảnh thảm khốc ở trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), hình ảnh những người lính Xô viết chiếm Tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin, xét xử bọn trùm quốc xã… Những thước phim tư liệu mà Karmen để lại thật sự là những thiên anh hùng ca huyền thoại. 

Sau bộ phim "Việt Nam", Karmen còn viết hai cuốn sách về những kỷ niệm cảm động trong 7 tháng ông ở Việt Nam: “Ánh sáng trong rừng sâu” (1957) và “Việt Nam chiến đấu” (1958). Ông viết: “Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và suốt đời tôi còn yêu mến nó”.

Roman Karmen vinh dự được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (1955). 

Thu Hằng/NSHN