Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhà lãnh đạo luôn đau đáu với đời sống, kinh tế người lao động
Tin tức - Ngày đăng : 10:48, 03/10/2018
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống (sinh năm 1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Ông từ trần lúc 23h12 ngày 1/10/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Xuất thân từ tầng lớp nông dân lao động, ông là nhà lãnh đạo luôn đau đáu nghĩ đến người lao động và luôn mong mỏi người lao động nói chung có cuộc sống thoát khỏi nghèo khó và ngày một ấm no,hạnh phúc.
Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng Bộ Công nghiệp (1995-2002) và cũng từng là bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhẹ (1990-1995) vừa kể với tôi về những kỷ niệm trong cuộc đời mình khi ông có vinh hạnh được Đảng, Quốc hội, Chính phủ tín nhiệm cử giữ những trọng trách nói trên trong bộ máy Chính phủ từ khi ông mới có 50 tuổi. Tóm lại là ông được giao những nhiệm vụ nặng nề dưới sự lãnh đạo của các ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư, ông Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi sau đó là Tổng bí thư.
Với ông, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ lâu nay đã được ông cảm nhận sâu sắc, “đó là một nhà lãnh đạo liêm khiết, có tầm nhìn chiến lược, một con người của hành động và cũng là con người đã nói là làm. Ông Đỗ Mười luôn nghĩ đến xây dựng tổ chức và chăm lo người lao động...’’
Khi ở cương vị Tổng Bí thư, ông Đỗ Mười có dịp đi kiểm tra công tác cổ phần hoá một số doanh nghiệp ở phía Nam trở về. Tổng Bí thư gọi bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư lên gặp ông.
Tới Văn phòng Tổng Bí thư, ông Đỗ Mười nói: "Cậu ngồi đây mà nghe ông Hoà (lúc đó là trợ lý của Tổng Bí thư) nói cho mà nghe những chuyện liên quan đến chủ trương cổ phần hoá cũng như việc cơ sở họ đang triển khai ra sao."
Câu chuyện ông Hoà kể khiến bộ trưởng Chư chăm chú lắng nghe. Thi thoảng, Tổng Bí thư cũng có nói thêm vào như để giúp ông rõ thêm .
Chuyến đi này hoá ra đã giúp Tổng Bí thư hiểu sâu sắc thêm một số vấn đề liên quan đến tổ chức khi cổ phần hoá . Đó là việc cấp ủy Đảng có dấu hiệu bị tê liệt, Công đoàn thì bị ly tán , công nhân thì hay bán "lúa non" cổ phần mình được mua do thấy cái lợi trước mắt, rất thiệt thòi...
Vậy là hễ ai có tiền đều có thể mua lại dễ dàng để rồi tiếp đó lại được thu gom lại cho các nhà đầu tư có máu mặt. Từ đây, quan hệ "người làm chủ" lại biến thành quan hệ ‘’ chủ - thợ’’.
Ông Đặng Vũ Chư kể rằng , sau đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ đạo ông: "Cậu về nhớ báo cáo cho Chính phủ và Thủ tướng biết!”.
Nguyên bộ trưởng Đặng Vũ Chư nhớ mãi sự việc này bởi chính nhờ những phát hiện của Tổng Bí thư, bên Chính phủ đã cho kiểm tra và uốn nắn kịp thời nên công tác cổ phần hoá được triển khai đúng hướng.
Xét về sâu xa, khi đã đi theo nền kinh tế thị trường thì đây là câu chuyện khó tránh. Bởi lẽ rất giản đơn, cổ phần hoá trước sau thì cũng là tư nhân hoá và đã tư nhân hoá, không ai có quyền yêu cầu người lao động bán hay không bán’’ lúa non’’ cho người có nhiều tiền một khi người ta có tiền và muốn thâu tóm.
Có một câu chuyện khiến ông Chư không thể nào quên trong quá trình công tác của mình dưới thời Tổng Bí thư Đỗ Mười kể cả trước đó với tư cách Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, đó là việc rất nhiều lần Bộ trưởng Chư nhận được các cuộc điện thoại chỉ đạo của ông Đỗ Mười và trong những lần đó, có một chuyện thật đáng phải suy nghĩ.
Lần đó, Tổng Bí thư gọi điện nói chuyện với ông Chư rất lâu bởi đó là cả một vấn đề lớn, nó bộc lộ rõ quan điểm của Tổng Bí thư khi đã chỉ đạo trực tiếp ngành công nghiệp nói chung (hoặc công nghiệp nhẹ nói riêng) mà ông đảm trách hơn 2 nhiệm kỳ bộ trưởng.
Tổng Bí thư biết chuyện ngày đó chúng ta định bố trí một số cụm công nghiệp lớn tập trung trong cả nước và có lưu tâm một số vùng sẽ ưu tiên phát triển trước rồi lôi kéo các vùng khác trong cả nước phát triển theo.
Thế nhưng Cụ thẳng thắn: "Không được!’’.
Điều này đã lý giải tại sao nhà máy lọc dầu đầu tiên của nước ta trước đây dự kiến đặt tại Long Hải (Bà Rịa- Vũng Tàu) nhưng sau đó lại chuyển hướng ra Văn Phong (Khánh Hoà) và rồi cuối cùng đặt ở Dung Quất (Quảng Ngãi) và bây giờ nhờ có Dung Quất được phát triển như một vùng công nghiệp mà nay có được tổ hợp sản xuất ô tô Trường Hải rất hoành tráng. Đây cũng là vùng đất nghèo nhưng đồng bào luôn một lòng theo Cách mạng nên cần được quan tâm hỗ trợ để phát triển, thoát nghèo.
Với tư cách là người đứng đầu Đảng ta, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn nhắc nhở các nhà lãnh đạo thuộc cấp của ông một điều được xem như tất yếu: Tuyệt đối không được đi chệch hướng để không đánh mất sự lãnh đạo của Đảng. Tầm nhìn chiến lược với cái Tâm sáng của nhà lãnh đạo Đỗ Mười luôn một lòng vì nước, vì dân là như vậy !