Thánh Chử Đạo Tổ bất tử ở làng Tự Nhiên
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:03, 04/10/2018
Làng Tự Nhiên xưa gọi là làng Gòi (hay Tự Nhiên Châu), tổng Chương Dương, huyện Thượng Phúc, đạo Sơn Nam. Thời Lê - Nguyễn, làng nằm trên bãi bồi ven sông Nhị Hà (tức sông Hồng) thuộc tổng Vĩnh Hưng, huyện Đông An, phủ Khoái Châu (nay thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội). Làng Tự Nhiên gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử (một trong 4 vị Thánh Bất tử trong tâm thức dân gian của người Lạc Việt, người con hiếu thảo, nhân ái, thuần hậu, chinh phục được lòng người, là biểu tượng vượt lên số phận để gắ
Đình làng Tự Nhiên vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống độc đáo. Ảnh: Phùng Quang Trung
Làng gồm ba thôn: Thôn Thượng, thôn Hạ và thôn Thủy Cơ (dân thôn sống thành một xóm chài trên mặt sông Hồng, lấy nghề đánh cá làm nghề độ nhật). Mỗi thôn đều có một ngôi đình (đình Thượng, đình Hạ từ xưa vẫn xây trên bãi đất làng). Làng thờ tứ vị Thành hoàng, hiệu là: Chử Đồng Tử Đại Vương Chí Thánh (Chử Đạo Tổ), Tiên Dung Công chúa Thượng đẳng Thiên tiên tôn thần, Nội Trạch Hồng Vân Công chúa Huyền diệu tôn thần và Thánh Đào Thành Thái bảo Thành quốc công Đông Nguyên súy linh ứng Đại vương (tướng của Hai Bà Trưng).
Sách Lĩnh Nam chích quái ghi: “Vua Hùng Vương thứ 18, có người con gái tên là Tiên Dung, nhan sắc tuyệt trần, đến 18 tuổi nhưng không có ý định lấy chồng, chỉ thích du ngoạn thắng cảnh đất nước. Lúc bấy giờ ở làng Chử Xá có chàng trai tên là Chử Đồng Tử, mẹ mất sớm, nhà nghèo, hai cha con chỉ có một cái khố vải mặc. Vì thế, khi nào ai đi đâu ra khỏi nhà mới dùng khố. Ngày nọ, người cha ốm nặng, dặn con: “Khi nào cha chết, con cứ chôn mình trần, giữ khố lại mà mặc”. Thương cha nên khi cha chết, Chử Đồng Tử vẫn quấn khố chôn cha, còn mình đành chịu rét. Một hôm, đang ngâm mình mò cá dưới sông, chàng nghe vang tiếng trống, chiêng, tiếng đàn sáo, rồi một chiếc thuyền lớn đầy đủ kẻ hầu hạ tiến tới - đó là du thuyền của công chúa Tiên Dung. Chử Đồng Tử hoảng hốt bèn chạy tới khóm lau thưa trên bãi, bới cát thành hố, nằm xuống rồi phủ cát lên mình. Thấy cảnh đẹp, Tiên Dung ra lệnh cắm thuyền dạo chơi trên bãi cát, rồi cho vây màn ở khóm lau mà tắm. Nước dội làm trôi cát đi, để lộ thân hình chàng trai cường tráng. Cả hai đều ở trong tư thế tự nhiên như lúc lọt lòng mẹ. Sau cơn bàng hoàng, công chúa hỏi: “Ngươi là ai, sao lại ở chốn này?” Chử Đồng Tử kể lại hoàn cảnh của mình. Nghe xong, công chúa cảm động mà rằng: “Ta đã nguyện không lấy chồng, nhưng nay có sự thể này có lẽ do trời xui khiến”, bèn sai người lấy quần áo cho Chử Đồng Tử rồi mời chàng lên thuyền, mở tiệc ăn mừng cuộc giai ngộ chưa từng có. Tin này truyền khắp kinh đô, làm cho vua cha nổi cơn thịnh nộ. Hay tin, Tiên Dung lo sợ, không dám về, cùng chồng mở hiệu buôn bán. Rồi Chử Đồng Tử theo một nhà buôn, đi tới các vùng biển xa xôi buôn bán, được một nhà sư truyền đạo. Khi về chàng được tặng một cây trượng và một chiếc nón. Chử Đồng Tử với Tiên Dung, bỏ nghiệp để tìm thầy học đạo. Trên đường viễn hành, trời tối, xa làng xóm, hai người bèn cắm gậy, che nón tạm trú ở giữa đường, đến canh ba bỗng thấy xuất hiện thành quách lâu đài, có đủ tướng sĩ, thị vệ, văn võ bá quan như một triều đình thực thụ. Hùng Vương nghe tin, cả giận cho rằng con gái làm loạn, bèn sai quân đến dẹp. Nhưng nửa đêm, có một cơn gió lớn nổi lên, chỉ trong khoảng khắc, cả thành quách cùng người, vật, bay tản lên trời, đất chỗ đó chỉ còn là bài cát và một cái đầm lầy lớn. Người đời sau gọi nơi này là bãi Tự Nhiên, và đầm Nhất Dạ (Nhất Dạ Trạch, đầm sinh ra trong một đêm)”.
Bộ cửa võng 5 tầng đời Lê thế kỷ 17 - Ảnh: Phùng Quang Trung
Thần tích do Nguyễn Bính soạn vào đầu thế kỷ XVI còn kể thêm: “Khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa chuẩn bị bay về cõi tiên thì có người con gái ở làng Tự Nhiên là nàng Hồng Vân nhìn thấy, nàng cố níu kéo vợ chồng họ Chử ở lại. Để khỏi phi lộ việc này với trần gian, Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung đã cho kéo cả nàng Hồng Vân cùng bay theo. Ba người Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa và nàng Hồng Vân đã trở về cõi tiên, dân làng Tự Nhiên thấy bàng hoàng kinh ngạc bèn lập đền thờ…”
Bản thần tích Bản cảnh Thành hoàng làng Tự Nhiên có ghi: “Bản cảnh Thành hoàng là Đông Nguyên soái Tiết Chế Thái Bảo Thành quốc công. Ngài đã theo Hai Bà Trưng đánh giặc và có tên là Đào Thành. Hai Bà cử ngài làm “Thủy đạo Đại tướng quân” đem quân đóng giữ hai bờ sông Cái. Một ngày kia, ngài tiến quân đến bãi Tự Nhiên và đóng quân ở đây. Một ngày nọ Hai Bà Trưng điều ngài lên Lạng Sơn đánh giặc. Ngài đã chỉ huy 500 quân, tiến quân bằng thuyền. Trận đánh xảy ra rất ác liệt, tên bắn như mưa nhưng ngài cùng quân sĩ hăng hái chiến đấu xông lên làm cho quân địch đại bại. Khi Hai Bà thu phục được 65 thành, đóng đô ở Mê Linh, Hai Bà cho ngài công đầu, cấp cho ngài thực ấp ở bãi Tự Nhiên. Ngài khao thưởng quân sĩ và nhân dân Tự Nhiên, xây dựng dân làng yên vui, thịnh vượng, cấp cho dân Tự Nhiên một lượng tiền để lập đền miếu thờ ngài lâu dài…”
Ngoài khu đình Thượng, đình Hạ xã Tự Nhiên còn một khu đất ở đầu bãi đó là khu Giá Ngự, có một ngôi đền 3 gian gọi là đền Thổ Chu thờ thần hoàng bản thổ và thờ quan Hà Bá một vị thần quản lý nơi sông nước. Khu Giá Ngự trước kia có một cây gạo cổ thụ rất đẹp. Hiện nay, đình Thượng và đình Hạ của xã Tự Nhiên thờ Tam vị Thánh tiên (Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa và nàng Hồng Vân) và phối thờ Bản cảnh Thành hoàng “Thánh Đào Thành Thái bảo Thành quốc công Đông nguyên súy linh ứng Đại vương”.
Đình Thượng hiện sắp xếp cả ngai thờ của đình Hạ. Điện thờ của đình Thượng được chia làm hai, một bên là thờ đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, cạnh đức thánh là bà Tiên Dung và bà Hồng Vân; một bên thờ Đào Thành, tướng của Hai Bà Trưng. Thanh gươm của Đức thánh Chử Đồng Tử cũng được mang về đây, đặt trước bàn thờ Đức thánh Chử Đồng Tử. Trước ngày lễ hội, người dân ngâm gạo để giã bánh dày. Nghi thức chính của lễ hội xã Tự Nhiên là đám rước nước. Đám rước nước của làng Tự Nhiên xưa cử hành ngày mồng một tháng tư rất long trọng.
Đình Thượng là công trình kiến trúc nghệ thuật quy mô kiểu chữ tam, gồm: Đại bái, trung cung (thiêu hương) và hậu cung. Đình xây dựng ở một vị thế đẹp, rộng rãi và quang đãng, là trung tâm khu vực của làng Đại bái gồm 5 gian, kết cấu kiến trúc theo hình thức bốn hàng chân gỗ và vì nóc theo kiểu chữ đinh, một vì đã được sửa thời Nguyễn khi dời đình từ giáp bờ sông vào vị trí này.
Đình Hạ có các bức cốn kích thước khá lớn với chiều dài 1m20 và chiều cao tam giác là 1m60. Đề tài được cổ nhân chọn để điêu khắc là các bức cốn là rốn rồng với các tích “rồng mẫu tử”. Trên lớp kiến trúc ở nhà đại bái còn có những mảng chạm nổi cảnh người cưỡi voi, đô vật độc đáo. Tòa thiêu hương được xây dựng khoảng giữa tòa đại bái và hậu cung, tòa tiêu hương được xây dựng theo kiểu cồng diềm 2 tầng 8 mái, có đủ 4 đầu đao cong vút. Xung quanh phần cổ diềm, người xưa tạo các chấn song con tiện để cho nội thất thoáng và lấy ánh sáng cho công trình. Trên lớp kiến trúc phần chính diện có bức cửa võng 5 tầng cổ nhân lắp đặt ở chính giữa lối vào hậu cung, bức cửa võng được làm rất công phu. Hậu cung được xây theo kiểu chồng diềm 2 tầng 4 mái. Kết cấu bên trong của bộ vì kèo và mái hiên vững chắc, bào trơn đóng bén. Trong hậu cung bài trí ba cỗ long ngai bài vị thờ Tam vị Thánh Tiên. Các long ngai cũng được chạm một cách lạ: Tay ngai là các con rồng, đủ chân, thân và đầu rồng đối xứng chầu vào long ngai. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được 69 đạo sắc phong, 6 cỗ kiệu bát cống, một đầu sư tử làm cách nay hơn 60 năm. Hàng năm, lễ rước nước sông Hồng và rước kiệu ở làng Tự Nhiên thường cuốn hút hàng vạn người.
Làng có tục kiêng viết, nói, dùng tên Thánh: Không có múa sư tử (trùng “tử”) chỉ có 2 đội múa rồng, “Dung” gọi là “dong”, đi làm ngoài đồng, bãi không được “chống đòn càn xuống đất chụp nón trên gậy”. Đặc biệt khi rước Tam vị Thánh Tiên: Rước ra thì bà Hồng Vân đi trước (để dẹp đường), còn rước về cũng bà Hồng Vân đi trước (dọn giường, chiếu, xem chỗ ăn, chỗ ở, đảm bảo an toàn cho ông và bà Tiên Dung). Khi đọc văn, kiêng tên Thánh (đọc Tam vị Thánh Tiên), vào đình bỏ nón, mũ, không dùng quần áo ngắn. Đình còn giữ 6 chén ngọc cổ dùng dâng Thánh ngự uống nước. Năm 2018, huyện Thường Tín đệ trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt đình Tự Nhiên” (gồm: đình Hạ, đình Thượng, cây gạo và khu bãi Tự Nhiên).