Bảo bối gỡ mối tơ vò - thông điệp tinh thần của một tiểu thuyết
Thơ - Ngày đăng : 09:20, 05/10/2018
Vũ Xuân Bân bút danh Xuân Vũ là tác giả tập tiểu thuyết “Tơ vò” vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành hồi tháng 8/2018. Anh từng là phóng viên chiến trường, nguyên là Trưởng ban biên tập Tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam, từng đoạt Giải A Giải báo chí toàn quốc năm 2004 (nay là Giải báo chí Quốc gia) với “Chùm tin, bài về Tây Nguyên”.
“Tơ vò” là tiểu thuyết đầu tay của Xuân Bân. Với một hệ thống tư liệu phong phú và chuẩn xác tác giả tích cóp được trong nhiều năm qua làm điểm tựa cho những hư cấu của tiểu thuyết...; với một bút pháp đậm chất báo chí, theo tôi, tiểu thuyết “Tơ vò” là một tiểu thuyết tư liệu không chỉ phác họa mặt trái tiêu cực của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà còn thể hiện sinh động cuộc sống xã hội Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, biến động phức tạp và ẩn tàng những hiểm họa khó lường. Thông qua tiểu thuyết, tác giả như muốn khẳng định, chỉ có thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về phát huy vai trò làm chủ thực sự của nhân dân và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, thì mới có thể đưa đất nước tiến lên, vững vàng bước vào thời kỳ mới. Đó chính là bảo bối gỡ mối tơ vò - thông điệp tinh thần mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc.
Thật vậy, 11 chương của tiểu thuyết đã thể hiện một cách ý vị và sâu sắc thông điệp tinh thần ấy. Cũng có thể nói, đó là sự đồng tình ủng hộ và bước đầu quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII của Đảng ta về công tác cán bộ trong tình hình hiện nay và trước những yêu cầu cấp thiết của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiểu thuyết “Tơ vò” đã miêu tả chân thực bằng những cứ liệu đầy tính thuyết phục bộ mặt và tâm địa xấu xa của những cán bộ cấp huyện và cấp tỉnh ở một địa phương đã không chịu tu dưỡng rèn luyện bản thân theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, trở thành những kẻ thoái hoá, biến chất, phá hoại uy tín của Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng.
Đó là một Trương Tồn với tham vọng “Có quyền là có tiền, có tình, là có tất cả. Mất quyền thì chẳng có ma nào nhòm ngó...”, đã không từ một thủ đoạn nào, kể cả vu khống, tố cáo bỉ ổi, lợi dụng cả bố đẻ nguyên bí thư tỉnh ủy đã nghỉ hưu để thực hiện ý đồ đen tối, làm hại đồng chí mình để tranh giành chức bí thư và chủ tịch tỉnh với Ngô Quyên và Hoàng Thùy. Với các quân sư quạt mo và đám đệ tử, Trương Tồn không úp mở bộc lộ tham vọng: “Vấn đề là phải chủ động ra đòn hiểm, kết hợp với báo chí tạo “bão truyền thông”, gây sức ép về dư luận để củng cố thanh thế, hạ gục đối thủ trước khi vào chung kết”. Nhưng rồi kết cục Trương Tồn phải “hạ cố xuống làm giám đốc sở trong tâm thế dằn vặt, thua thiệt, ấm ức, chưa được bao lâu, bệnh hen tái phát, khó thở, phải đi cấp cứu, điều trị ở bệnh viện lâu dài”.
Đó là một “Thạch Phí nguyên là cựu chiến binh sau khi giải ngũ đi học cao đẳng kiểm sát. Học xong, được tuyển về công tác ở viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Bố vợ... khi đó là trưởng ban tổ chức tỉnh, là chỗ dựa để tiến thân... Khi tách tỉnh, Thạch Phí là phó chủ tịch thường trực, rồi lên làm chủ tịch tỉnh, thay Trần Bố lên làm bí thư tỉnh ủy”. Và khi đã nắm quyền hành trong tay, “Thạch Phí đã phù phép cho nhạc mẫu làm bìa đỏ đứng tên quyền sử dụng gần 10ha đất đồi nay thuộc thành phố trực thuộc tỉnh theo hình thức làm trang trại trồng cây ăn quả”. Có thể khẳng định: “Xuất phát từ lòng tham, ông ta bất chấp dư luận mà không nghĩ rằng bị mất lòng tin là mất tất cả”.
Đó là Cấn Vân Đại, bí thư kiêm chủ tịch huyện Sông Cà Bé, “đứng đầu một huyện, mệnh danh là “ông vua con” tiền hô hậu ủng,... nhiều ý kiến cử tri phản ánh gay gắt... chỉ lo thu vén cá nhân, vô trách nhiệm với dân, tìm mọi cách vơ vét làm giàu”. Điều nực cười là chính Cấn Văn Đại, “người từng lẩn tránh nghĩa vụ quân sự”, nay “là chủ tịch hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Sông Cà Bé”, lại “sang sảng phát biểu rao giảng về đạo đức... lớn tiếng huấn thị, dạy bảo lớp trẻ lên đường tòng quân phải xứng đáng với tinh thần yêu nước, quật cường của cha anh, truyền thống vẻ vang của quê hương”. Đặc biệt, Cấn Vân Đại đã “bất chấp quy định trong điều lệ Đảng, coi thường kỷ cương phép nước” đưa con gái mình vốn không phải là đảng viên trở thành bí thư chi bộ, phó trưởng phòng giáo dục - đào tạo huyện để chuẩn bị bổ nhiệm làm trưởng phòng. Thế nhưng, Cấn Vân Đại rời huyện đường “không thanh thản, đầu óc cứ nặng trĩu, luôn bị ám ảnh những điều chẳng lành”.
Tiểu thuyết kết thúc bằng hình ảnh Cấn Vân Đại bị tai nạn ô tô như một quả báo, cuối cùng “phải có người trợ giúp bằng xe lăn, trở thành bán thân bất toại, sống thực vật”. Và vào một ngày đẹp giời “Trương Tốn đã gắng gượng đến thăm Cấn Vân Đại... Cấn Vân Đại nhìn Trương Tốn, nước mắt chảy dài, tay run bần bật. Cám cảnh đối với Cấn Vân Đại, Trương Tốn cùng hai mắt đỏ hoe”.
Trong tiểu thuyết “Tơ vò”, đối nghịch với các nhân vật thoái hóa, biến chất, Xuân Vũ đã xây dựng thành công nhân vật Hoàng Thùy kinh qua rèn luyện thực tiễn, đã có đủ phẩm chất và năng lực, được tín nhiệm cao, trở thành một bí thư tỉnh ủy đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh trước những đòi hỏi và thách thức mới. Tiểu thuyết khẳng định: “Mọi người đều cảm nhận được sự ổn định, tiến bộ rõ nét bắt đầu chuyển động từ người đứng đầu tỉnh Hoàng Thùy, từng bước gây dựng lại lòng tin của dân chúng”. Tuy nhiên, bí thư Hoàng Thùy cũng nhận rõ: “Phải tìm cách giải quyết đống “tơ vò” tích tụ từ nhiều năm nay đang ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường, không phải là chuyện đơn giản”.
Điều cuối cùng phải nói rằng, viết về tham nhũng quyền lực, đặc biệt là về những cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hoá, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tác giả “Tơ vò” đã chinh phục tôi bằng ngòi bút chân thực và thẳng thắn, không giấu giếm sự thật, bằng trái tim chân thành, trong sáng và tấm lòng rộng mở, với tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng cao, không hề có sự chỉ trích, oán thán hay đả kích, châm biếm. Chính điều đó đã làm cho tiểu thuyết “Tơ vò” có sức sống và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.