Chùa Hương sẵn sàng cho ngày đón khách trở lại
Hà Nội - Ngày đăng : 13:23, 12/02/2022
Ngày 16-2, chùa Hương sẽ chính thức mở cửa trở lại.
Hối hả chuẩn bị
Khác với sự tĩnh lặng trước đó, những ngày này, không khí tại chùa Hương luôn hối hả với nhiều hoạt động chuẩn bị cho ngày di tích mở cửa trở lại. Ngay từ lối vào di tích đến dọc suối Yến hay xung quanh các điểm thờ tự, người dân tất bật chỉnh trang quán xá, sắp đặt hàng hóa, kiểm tra thuyền đò, vệ sinh khu vực, sẵn sàng đón khách tham quan, chiêm bái.
Anh Nguyễn Văn Nam (người cung cấp dịch vụ thuyền đò tại suối Yến) cho biết, ngay khi được thông báo về việc mở cửa di tích, cả nhà anh đã dậy từ sáng sớm để kiểm tra phương tiện, lau dọn ghế ngồi, chuẩn bị khởi động lại dịch vụ sau nhiều ngày bị đình trệ vì dịch bệnh. Còn theo chị Nguyễn Thị Dương, người dân rất phấn khởi khi hay tin di tích được mở cửa trở lại.
“Cùng với việc chuẩn bị hàng quán đầy đủ để phục vụ du khách, những người kinh doanh tại đây cũng chủ động các phương án phòng, chống dịch Covid-19”, chị Nguyễn Thị Dương bày tỏ.
Chủ động thích ứng an toàn với dịch bệnh
Chuẩn bị các điều kiện đón tiếp khách khi di tích mở cửa trở lại, trong đó có việc ngăn chặn tối đa nguy cơ về dịch Covid-19, UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức đón khách về tham quan Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” năm 2022. Đi kèm với đó là phương án riêng cho bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại khu di tích.
Mọi công tác cho mở cửa đón khách đã được chuẩn bị chu đáo.
Trưởng ban Quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, Ban quản lý đã bố trí lực lượng an ninh, trật tự tại các điểm chốt với 4 kíp (mỗi kíp từ 8-10 người) luân phiên túc trực 24/24 giờ để nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch. Các điểm chốt cũng được bố trí đầy đủ phiếu khai báo y tế, mã QR, dung dịch sát khuẩn…
Tại các điểm thờ tự, cũng có lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và di chuyển bảo đảm giãn cách… Ngoài ra, di tích quy định vệ sinh, khử khuẩn và xử lý rác thải tại khu vực cổng vào, nơi bán vé, điểm thờ tự, bến xe, nhà vệ sinh… 3-4 lần/ngày, đồng thời, bố trí 2 phòng cách ly y tế dự phòng, xuồng y tế thường trực để xử lý các tình huống phát sinh.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Hiển, các giải pháp tuyên truyền, vận động sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống pano, áp phích, truyền thanh và loa cầm tay. Các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Người điều khiển phương tiện phải yêu cầu du khách luôn đeo khẩu trang, không nói to, cười đùa; để rác đúng quy định. Các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những khách lưu trú, đồng thời thường xuyên vệ sinh khử khuẩn không gian. Các cơ sở ăn uống bố trí vách ngăn tại bàn ăn, khuyến khích khách ăn theo suất riêng, sử dụng vật dụng dùng một lần. Khu vực cáp treo thực hiện phun khử khuẩn trước mỗi lần đón khách lên; có bố trí dung dịch sát khuẩn trong ca bin, yêu cầu khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế nói chuyện…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, đến thời điểm này, mọi công tác cho mở cửa đón khách đã được chuẩn bị chu đáo. Chính quyền, người dân địa phương rất mong muốn được đón du khách thập phương. Đây cũng là mong mỏi của rất nhiều du khách, các tăng, ni, Phật tử, là dịp thể hiện nét đẹp truyền thống đầu xuân, góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa.