Đồng chí Đỗ Mười - người con ưu tú của Thủ đô

Tin tức - Ngày đăng : 07:38, 07/10/2018

Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến là quê hương của nhiều bậc danh nhân, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí Đỗ Mười - người con ưu tú của Thủ đô
Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng cây đa lưu niệm tại trụ sở UBND xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội (năm 1996). Ảnh: TTXVN

Người con ưu tú của Thủ đô

Đồng chí Đỗ Mười (tên thật là Nguyễn Duy Cống) sinh năm 1917, tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ đã là cái nôi của phong trào cách mạng ngoại thành Hà Nội. Hòa chung vào khí thế cách mạng sôi nổi tại địa phương, sớm được giác ngộ cách mạng, năm 1936, anh thanh niên Nguyễn Duy Cống tham gia phong trào Mặt trận bình dân, được kết nạp Đảng tại Chi bộ Đông Phù (năm 1939).

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đỗ Mười gắn bó với nhiều địa danh của TP Hà Nội. Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt khi đang hoạt động cách mạng và bị giam ở trại giam Hà Đông. Năm 1943, thực dân Pháp chuyển đồng chí về giam ở nhà tù Hỏa Lò. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Đỗ Mười cùng các chiến sĩ cộng sản ở nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức vượt ngục thành công.

Khu Cháy (huyện Ứng Hòa) trong thời kỳ vận động cách mạng trước năm 1945 được chọn làm an toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ còn lưu giữ nhiều di tích cách mạng gắn với cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945, trong đó có những năm tháng hoạt động của đồng chí Đỗ Mười. Trong thời kỳ 1939-1945, xã Trầm Lộng là nơi cơ quan của Xứ ủy trú chân. Trong đó, đình Thượng ở thôn Lương Đa với cây cối um tùm, tĩnh lặng cách xa làng gần 1km đã trở thành địa điểm hội họp, trao đổi, liên lạc của cán bộ thời kỳ hoạt động bí mật. Hòa Đống Tự (thường gọi là chùa Rồng) ở thôn Lương Đa cũng là địa điểm nuôi giấu và bảo vệ cán bộ của Trung ương và Hà Nội như các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười, Trần Thị Minh Châu, Bùi Quang Tạo, Bạch Thành Phong... Tại Trầm Lộng đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, trong đó có hội nghị cán bộ đại diện các cơ sở cách mạng khu vực Nam Ứng Hòa, Nam Mỹ Đức vào đêm 15-8-1945 do đồng chí Đỗ Mười chủ trì vạch kế hoạch khởi nghĩa đánh chiếm phủ Ứng Hòa. Đình Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn (huyện Ứng Hòa) là địa điểm tập kết và xuất kích của lực lượng quần chúng Nam Ứng Hòa - Nam Mỹ Đức trong ngày 17-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Ứng Hòa dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đỗ Mười khi đó đang là Tỉnh ủy viên.

Một tấm lòng luôn đau đáu vì sự phát triển của Hà Nội

Suốt cuộc đời, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau nhưng ở đâu, làm gì, đồng chí Đỗ Mười cũng luôn đau đáu, trăn trở vì sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đồng chí luôn tâm niệm và mong muốn, Hà Nội phải thực hiện được lời của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh, để cải tạo và xây dựng Hà Nội ngày một giàu mạnh, văn minh, xứng đáng là Thủ đô của cả nước”[1].

Trong hồi ức của mình, đồng chí Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị nhớ lại khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội những năm đầu đổi mới, cho biết: Đồng chí Đỗ Mười đã cùng Chính phủ, Bộ Chính trị luôn quan tâm giúp đỡ Hà Nội giải quyết nhiều vấn đề quan trọng để xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ tem phiếu, giữ vững Thủ đô Hà Nội ổn định và phát triển. Chính nhờ sự quan tâm của Trung ương và đồng chí Đỗ Mười (cả trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư) mà Thủ đô Hà Nội đã thực sự đổi mới đúng hướng, phát triển nhanh với những bước đi vững chắc, xứng đáng là Thủ đô nghìn năm tuổi hôm nay.

Cùng suy nghĩ về Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng chia sẻ: “Nhiệm vụ của Tổng Bí thư chủ yếu là chăm lo đường lối, chăm lo đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Trung ương và địa phương. Ông luôn tổ chức nghiên cứu, vạch ra đường lối và theo dõi đến cùng quá trình thực hiện đường lối. Vấn đề “dân chủ ở cơ sở” là sáng kiến của ông Mười. Điểm mới ở đây là dân chủ hóa trực tiếp ở cơ sở mà trước đây ít nói đến. Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ông yêu cầu chúng tôi đưa ông về làm việc tận phường, xã, xí nghiệp. Trong đường lối kinh tế, ông Mười rất chú ý vấn đề phát huy nội lực. Chính vì vậy mà chúng ta đã chống được tình trạng lạm phát. Ông Đỗ Mười chọn Hà Nội là đơn vị làm thí điểm về vấn đề liên doanh giữa nhân dân với Nhà nước”[2].

Với tư duy chiến lược và tầm nhìn bao quát, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh: Nhiệm vụ của Thủ đô trong thời kỳ mới là phải đặt ra phương hướng phát triển Hà Nội không chỉ giới hạn trong 5 năm trước mắt mà phải hướng tới 15-20 năm sau, nhằm mục tiêu phấn đấu xây dựng Thủ đô giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về an ninh, quốc phòng, đẹp về văn hóa, cao về trí tuệ; người dân Thủ đô có nếp sống ngày càng văn minh, hiện đại mà vẫn kế thừa và phát huy được bản sắc dân tộc, giữ được dáng dấp, phong cách thanh lịch của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, tiêu biểu của cả nước. Và theo Tổng Bí thư, Thủ đô Hà Nội cũng là trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước, nơi đặt trụ sở của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, nơi thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài, nơi không ít các nhà đầu tư ngoại quốc đến mở mang doanh nghiệp, Hà Nội phải làm thật tốt công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại, thể hiện lòng hiếu khách, cách ứng xử văn minh, lịch sự để lại những ấn tượng tốt đẹp về nền văn hóa Việt Nam và về nếp sống của người Thủ đô thanh lịch[3].

Sau khi nghỉ công tác, đồng chí Đỗ Mười vẫn luôn đau đáu suy nghĩ, lo toan những vấn đề của đất nước, của Đảng và sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, ông dành nhiều tình cảm cho thế hệ trẻ và sự nghiệp giáo dục của Thủ đô Hà Nội. Trên quê hương Đông Mỹ, quỹ khuyến học mang tên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã ra đời để động viên, khuyến khích tuổi trẻ quê hương tiếp tục rèn đức, luyện tài, tiếp bước thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Thủ đô Hà Nội. Ngày 29-8-2003, UBND quận Hai Bà Trưng đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình Trường THCS Đền Lừ II. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa do nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng. Ngôi trường mới được xây dựng khang trang trong quần thể quy hoạch khu đô thị Đền Lừ hiện đại, phù hợp với việc phát triển mạng lưới trường học Thủ đô, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân thành phố.

Sau khi TP Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016), nhiều hiện vật gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã được trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội thể hiện tình yêu và trách nhiệm, nghĩa cử và tấm lòng của người con ưu tú đối với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Tấm gương tiêu biểu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chính là mạch nguồn để cán bộ và nhân dân Hà Nội chung sức, đoàn kết, tiếp tục xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

-----------------------------------
[1] Trích Bài phát biểu tại cuộc gặp mặt mừng Xuân Quý Dậu do Thành ủy và UBND TP Hà Nội tổ chức, ngày 19-1-1993
[2] Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 89.
[3] Bài Phát biểu tại Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ Hà Nội (7-5-1996).