Xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục: Phạt tiền không giải quyết triệt để

Tin tức - Ngày đăng : 14:41, 08/10/2018

“Những lỗi về mặt kỹ thuật thì phạt hành chính, nhưng nếu liên quan đến phẩm chất, giá trị của con người thì phải có hình thức phạt là giáo dục lại, chứ không phải chỉ phạt tiền rồi cho qua” - PGS.TS Trần Thành Nam - trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ với pv xung quanh dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến.
Xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục: Phạt tiền không giải quyết triệt để
PGS.TS Trần Thành Nam


Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD&ĐT xây dựng đưa ra nhiều hành vi có khung tiền phạt cao. Ông đánh giá như thế nào về Nghị định này?

- Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT đang quyết tâm vào cuộc một cách quyết liệt nhằm đấu tranh trước nạn bạo lực học đường cũng như muốn giải quyết những vấn đề phi giáo dục. Tuy nhiên, Nghị định lại quá chú trọng đến việc phạt tiền thì không ổn.

Dự thảo nêu rõ, các hành vi vi phạm, xúc phạm thân thể người học bị phạt 30 triệu đồng... đang gây nhiều tranh cãi. Quan điểm của ông về vấn đề này ?

- Tôi cho rằng, phạt bằng tiền đối với nghề giáo hay trong giáo dục thì rất cần cân nhắc. Ở các nước khác, hình phạt rất đa dạng hoặc họ có những cách phòng ngừa ngay từ đầu. Đối với giáo viên có những lỗi nào mang tính chất về mặt kỹ thuật cũng có thể xử phạt bằng tiền, gọi là phạt hành chính. Nhưng những gì liên quan đến phẩm chất, đạo đức, phạt bằng tiền chưa chắc đã có tác dụng. Người có tiền, cứ vi phạm, nộp tiền phạt là xong, hết trách nhiệm thì chưa mang tính giáo dục.

Thực tế, đã có nhiều quy định phạt tiền, nghe có vẻ rất nghiêm, nhưng thực tế không đi vào cuộc sống, chẳng hạn, quy định hút thuốc nơi công cộng. Vậy nên, với quy định xúc phạm về mặt nhân phẩm sẽ bị phạt tiền thì khó định tính thế nào gọi là xúc phạm. Nếu không cặn kẽ, rõ ràng, giáo viên dễ bị oan, bị mang tiếng. Ở dưới góc độ tâm lý, muốn đo lường, phải chứng minh được gây tổn hại ra sao, tổn thương thế nào, từ đó mới xác định được để phạt. Mà điều này, thực hiện không dễ chút nào.

Vậy còn các hành vi vi phạm về tổ chức dạy thêm bị phạt tiền đến 10 triệu đồng, theo ông có hợp lý không?

- Hiện nay dạy thêm, học thêm đang là vấn đề khá nan giải, đau đầu của ngành giáo dục cũng như xã hội. Có rất nhiều giáo viên cho rằng, thời gian trên lớp không thể đủ để giảng dạy hết cho học sinh kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, học sinh cần phải học thêm. Nhưng dạy thêm thế nào để không bị vi phạm, quản lý ra sao cho hiệu quả không phải bài toán dễ. Vì thực ra, với những quy định trong dạy thêm, học thêm, giáo viên lách luật không khó. Việc đưa ra luật mà không chặt chẽ thì khó áp dụng, thực thi và hậu quả sẽ trông thấy một sớm một chiều. Người chịu hậu quả không ai khác đó chính là học sinh.

Như vậy, nhiều quy định trong dự thảo sẽ không khả thi?

- Theo tôi, tính khả thi sẽ không cao. Ai sẽ là người đứng ra phạt, tiền phạt đó sử dụng ra sao, cơ chế phạt thế nào? Nếu thực hiện Nghị định không khéo, không dứt khoát, chắc chắn sẽ trở thành tiêu cực. Ngoài ra, phải tính đến tính bền vững, muốn bền vững, phải được xây dựng từ văn hóa ứng xử. Hiện, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư về xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường, hay phòng chống bạo lực học đường.
Vậy trước khi thực hiện Nghị định phạt (chưa nói đến phạt tiền), thì phải cung cấp, tập huấn cho giáo viên về những phương pháp quản lý hành vi tích cực. Điều này giúp giáo viên có thể điều chỉnh các hành vi chưa tích cực khác. Từ trước tới nay, cách thức mà chúng ta đang quen, là điều chỉnh hành vi tiêu cực của học sinh hơi khắc nghiệt, mang kiểu đe dọa. Nhưng giờ đây, giáo viên cần phải có phương pháp giảng dạy khoa học, hiện đại hơn. Muốn vậy, mỗi giáo viên phải được phổ biến, được tập huấn nâng cao nghiệp vụ.
Với phụ huynh, cũng phải có nhận thức rõ ràng, thay đổi suy nghĩ, đừng nghĩ môi trường giáo dục là mua – bán, người cung cấp dịch vụ - sử dụng dịch vụ. Nếu không có sự thay đổi từ nhiều phía, cả học sinh, giáo viên đều có cái nhìn tiêu cực, học sinh nản học, giáo viên nản nghề, phụ huynh, xã hội có cái nhìn về môi trường giáo dục chưa tốt.

Xin cảm ơn ông !

Ngọc Tú/KTĐT (thực hiện)