Vịn thơ đón tuổi Nhâm Dần
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 06:29, 14/02/2022
Nhà thơ Hồng Thanh Quang.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang sinh năm 1962, tuổi Nhâm Dần, mùa xuân này, bước vào tuổi 60. Tuy nhiên, mấy năm qua cuộc sống của tác giả phần thơ bài hát nổi tiếng “Khúc mùa thu” có những biến động. Mọi công việc và đam mê của ông đều được gác lại một bên để ưu tiên cho việc chữa bệnh. Chính những lúc như thế, thơ ca trong ông lại “bật” lên xoa dịu nỗi đau về thể xác và tinh thần, giúp ông lấy lại niềm tin và hy vọng. Quả thực đến hiện tại, ông đã chiến thắng bệnh tật và cũng phải khẳng định rằng, một trong những “phương thuốc” chính là thơ ca.
Trường hợp của nhà thơ Hồng Thanh Quang hoàn toàn đúng với câu thơ của Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Nhà thơ từng diễn giải: “Có những lúc nằm trên giường bệnh, những câu thơ bỗng dưng vang lên. May thay không lúc nào thơ rời bỏ tôi. Thơ trở thành chỗ dựa thực chất. Nhiều khi đau đớn không thể nói ra, những câu thơ đã xuất hiện. Mỗi bài thơ như một lá cao chườm lên vết đau tưởng như không thứ gì trên đời có thể làm dịu đi”.
Gặp nhà thơ Hồng Thanh Quang trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần, ông đã dần lấy lại phong độ và điều đáng quý nhất là vẫn giữ được sự lạc quan, lãng mạn, yêu đời. Ông vẫn làm thơ, viết báo và có nhiều dự định giới thiệu sách đến độc giả. Dường như cuộc sống của một nhà báo về hưu không hề hụt hẫng, tiếc nuối.
Vào tháng 10-2021, nhà thơ Hồng Thanh Quang bất ngờ trở lại với tập “Chút sen còn lại”. Mỗi bài trong tập thơ đều có ít nhất là một chữ “sen” hay chữ “liên”, được viết trong những giai đoạn khác nhau. Đến cận Tết Nhâm Dần, ông đã ra mắt cùng lúc 3 tập thơ lấy tên là “Cỏ bạc triền đê” có 999 bài. Khi nhiều người thắc mắc vì sao lại là con số 999, nhà thơ thủng thẳng đáp: “Thơ là sự tự nhiên như hơi thở. Cuộc sống vẫn tiếp diễn và những câu thơ vẫn tự nhiên xuất hiện. Những câu thơ không bao giờ được chuẩn bị trước, chúng mặc nhiên được sinh ra trong tất cả những cảnh huống cuộc đời. Và “Cỏ bạc triền đê” có lẽ cũng ra đời như thế. 999 bài thơ được tập hợp vì đơn giản đã đến lúc chúng cần xuất hiện. Đó là một con số dự cảm. 999 không phải không đủ thơ để vượt qua cái mốc 1.000. Nó được chọn như một sự hy vọng”.
Với nhà thơ Hồng Thanh Quang, vạt cỏ như đời người, xanh non khi còn trẻ, bạc và khô héo dần khi có tuổi. Cỏ bạc có trong chính trí nhớ và những trải nghiệm đã qua. Triền đê dù với một người thị thành như ông vẫn là biểu tượng gợi nhắc những xúc cảm đặc biệt về quê hương. Còn cỏ là biểu hiện của chính tâm hồn ông. Vạt cỏ dù bạc nhưng vẫn sống, vẫn vươn tới và tụ lại thành những câu thơ xanh tươi nơi triền đê. Cũng như đời ông, trải qua bao thăng trầm mới ngộ ra những giá trị thiết thân nhất.
Còn Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ (Ban Văn học nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam) lý giải: “Thơ ca với Hồng Thanh Quang cũng là những năm tháng cuộc đời, là thân phận con người. Thân phận ấy không chỉ có những xanh non mơn mởn mà có đầy cả những đắng đót thử thách, những dông bão gió mưa, không khác gì ngọn cỏ ở triền đê phải qua những lúc bạc màu vì sương gió. Thế nhưng, qua những cơn chịu đựng ấy, cỏ vẫn tiếp tục sinh sôi phát triển, dâng mình như một vẻ đẹp cho đời”.
Tuy nhiên, chưa hết những điều nhà thơ Hồng Thanh Quang làm để đón tuổi Nhâm Dần của mình. Ông cho biết, nếu tình trạng sức khỏe tốt, trong năm nay ông sẽ in một tập ghi chép “Để tự răn mình”, một tuyển tập khoảng gần nghìn trang về những bài trò chuyện mà ông từng thực hiện trong gần 20 năm qua với những bậc trí giả và văn nghệ sĩ, một tuyển tập thơ Nga.