Quyện hòa trong dòng chảy văn hóa

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:18, 13/10/2018

Hội thảo “Văn hóa Thăng Long - Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính (2008 - 2018)” vừa được Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức với sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ trực thuộc 9 hội chuyên ngành. Các tham luận và ý kiến tại hội thảo đã nêu bật được sự quyện hòa trong dòng chảy văn hóa của 2 vùng đất xứ Đoài và Thăng Long cũng như những thách thức về văn hóa của một Hà Nội mở rộng.
Phát huy và cộng hưởng

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong đề dẫn hội thảo nói rằng: “Khi Hà Tây nhập vào Thủ đô, không ít người nghĩ rằng rồi sẽ lại tách ra thôi. Văn hóa Thăng Long khác, văn hóa xứ Đoài khác. Cả hai vùng đều rất đặc sắc, nhưng cũng rất khác nhau, vì sự khác nhau đến khu biệt ấy nên không thể hòa nhập được. Nếu cứ cố hòa nhập thì văn hóa Thăng Long sẽ bị phai nhạt và văn hóa xứ Đoài sẽ lụi tàn”. Nhưng điều mà không ít người băn khoăn ấy, theo nhà thơ đã không thể xảy ra: Hà Tây không những không mất đi mà còn sống và sống rất mãnh liệt với diện mạo khác, diện mạo của Thủ đô, và Thăng Long có xứ Đoài, Thăng Long phong phú, đặc sắc hơn.

Quyện hòa trong dòng chảy văn hóa
Chợ quê. Ảnh: Lê Chí Liêm
Cùng đồng tình với quan điểm của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Bằng Việt nhận định: “Trong quá trình sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, chúng ta vui mừng nhận thấy không có hiện tượng áp đảo của một vùng văn hóa này với một vùng văn hóa khác. Trái lại, chúng ta nhận thấy rõ, văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài từ xưa đến nay đều cùng gắn bó mật thiết với nhau, có giá trị tương tác và bổ sung hữu cơ cho nhau, tạo nên thế mạnh tổng hợp của cả nền văn hóa chung, cao hơn, sâu hơn, lớn hơn, đó là nền văn hóa tổng hòa của cả Thủ đô Hà Nội đang ngày ngày đổi mới, hội nhập, có uy tín ngày càng cao hơn trong con mắt bạn bè quốc tế…

Mở ra nhiều sắc thái phong phú cho văn học nghệ thuật

Theo NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hà Nội có lợi thế là nơi hội tụ tài năng, tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Trước sự hội nhập mạnh mẽ của đất nước, Thủ đô luôn ở vị trí trung tâm, là nguồn cảm hứng bất tận cho văn nghệ sĩ. Nhất là sau khi đã mở rộng địa giới hành chính ra hết Hà Tây, tạo nên hai vùng văn hóa liền kề: Thăng Long và xứ Đoài (và một phần đất Sơn Nam Thượng) là các vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn bó, bổ trợ cho nhau, mở ra nhiều sắc thái phong phú, đa dạng hơn cho văn học nghệ thuật.

Quyện hòa trong dòng chảy văn hóa
Suối Yến mùa hoa gạo nở. Ảnh: Trần Thu Hà
Để nhìn thấy được sự chuyển biến của văn học nghệ thuật Thủ đô trong 10 năm qua, NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng cần phải nhìn vào những thành tựu sáng tác và phổ biến tác phẩm, bởi đó chính là nhân tố thể hiện sự phát triển. “Trong lĩnh vực văn học, bên cạnh những nhà văn, nhà thơ vẫn hăng say sáng tác như Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hoàng Quốc Hải… còn có nhiều cây bút trẻ có thành công đáng chú ý. Bằng những trang viết sống động, họ đã thể hiện dáng hình Hà Nội đổi mới hôm nay như “Cửa hiệu giặt là” – cuốn sách nhỏ chứa đựng cả một Hà Nội đương thời của nhà văn Đỗ Bích Thúy… Với âm nhạc, Hà Nội có lớp nghệ sĩ mới tài năng vươn tầm quốc tế như: Lưu Hồng Quang, Lưu Đức Anh, Trần Lê Quang Tiến, Phương Mai, Tùng Lâm… Nghệ thuật biểu diễn Thủ đô cũng có bước tiến dài trong 10 năm qua. Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh có thêm nhiều triển lãm, sáng tác chất lượng, gắn liền với sự đổi thay hàng ngày của Thủ đô và đất nước...” – NSND Quốc Chiêm khẳng định.

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã dẫn ra rất nhiều những minh chứng cho sự dày dặn và phong phú của văn hóa dân gian khi văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long cùng “hội nhập”. Từ phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, hệ thống làng nghề, văn hóa ẩm thực đến các loại hình nghệ thuật dân gian… Giáo sư Lê Hồng Lý khẳng định: “Khác với những ngành khác như kinh tế, chính trị, công nghiệp có thể có những khó khăn bỡ ngỡ khi hội nhập vào Hà Nội, văn hóa dân gian xứ Đoài hòa nhập vào Hà Nội một cách tự nhiên, không hề có sự va vấp hay khó khăn nào”.

Làm gì để tránh hòa tan

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trong tham luận “Những thách thức về văn hóa của một Hà Nội mở rộng” bày tỏ lo ngại về sự cạn kiệt di sản truyền thống. Hà Nội cổ vốn là đất trăm nghề thế nhưng ông bảo “Cốm Vòng, giấy sắc Nghĩa Đô, húng Láng của Hà Nội cổ bây giờ mơ cũng không có nữa. Hà Nội có những làng vô cùng đẹp, nếu giữ được như làng hoa Nghi Tàm, Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân thì chắc chắn Hà Nội vốn đẹp lại càng đẹp hơn”.  Còn Hà Tây cũ, theo ông bây giờ cũng đang đứng trước nguy cơ như vậy: “Hà Tây là đất trăm nghề nhưng nhiều nghề dần biến mất. Lụa Vạn Phúc chủ yếu là lụa Tàu. Làng sơn mài Hạ Thái chỉ còn vài ba nhà theo nghề. Chùa Thầy không còn rối nước. Rồi chèo, tuồng, hát trống quân cũng chỉ ở mức gắng gượng của các câu lạc bộ”…  Nhà thơ Sĩ Đại nhận định: “Nói Hà Nội là kết tinh tinh hoa văn hóa cả nước thì cũng phải thấy chiều khác là sự hội tụ của nhiều miền quê đang làm nhạt màu Hà Nội”. Bởi vậy theo ông hai nền văn hóa Hà Nội và Hà Tây cũ tuy nằm trong vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ nhưng cũng có những sắc thái khác nhau rất rõ. Nó như hai màu mực khác nhau nên khi đem pha vào nhau nhiều khả năng có nguy cơ nhòa lẫn.

Quyện hòa trong dòng chảy văn hóa
Thuở ấy xứ Đoài. Ảnh: Nguyễn Đức Phước 
Nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, kiến trúc, KTS Trần Huy Ánh cho rằng từ khi mở rộng địa giới hành chính, mặt tích cực là diện tích nhà ở đã được tăng lên nhiều, từ đó người dân an tâm định cư, ổn định sinh kế. Từ nay trở đi, Hà Nội cần vượt qua những thách thức, khắc phục những mặt chưa ổn, hướng đến một Thủ đô văn hiến, trí tuệ, năng động, bền vững, an toàn và thân thiện. Để làm được điều này, cần định ra một mục tiêu rõ ràng. Có mục tiêu sẽ có lộ trình thực hiện, trong đó không chỉ có cấp lãnh đạo mà từng công dân chúng ta cũng phải có một phần trách nhiệm thực hiện vì mục tiêu chung. Và ở khía cạnh khác, với bề dầy lịch sử, tài nguyên văn hóa phong phú, thành phố cần đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa, gắn với du lịch làng nghề, tăng chất lượng dịch vụ, lấy du lịch văn hóa làm cốt lõi…

Có thể nói sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, sự cộng hưởng và hòa nhập giữa vùng đất văn hiến Thăng Long với tinh hoa văn hóa xứ Đoài cùng các vùng văn hóa khác đã được gìn giữ, phát huy tạo nên các giá trị tốt đẹp cho nền văn hóa Thủ đô. Đó cũng chính là chất xúc tác để văn hóa Thủ đô ngày một bền vững, là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Phát hiện những xu hướng tiếp biến của văn hóa, cổ vũ cho những xu hướng tích cực, hiện đại, phù hợp với truyền thống dân tộc, bồi đắp những phẩm chất Hà Nội bằng các tác phẩm nghệ thuật – đó cũng chính là điều mà không ít đại biểu dự thội thảo kỳ vọng ở các văn nghệ sĩ Thủ đô. 

Gia Phú