Phạm Anh Xuân và cuộc mời gọi… “thả” trẻ về với thiên nhiên!

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 13:00, 26/09/2022

Phạm Anh Xuân  và cuộc mời gọi… “thả” trẻ  về với thiên nhiên!
“Thiên nhiên mang lại cho con trẻ bao điều mới mẻ, hấp dẫn cùng tâm trí hồn nhiên, rộng mở (…) Việc chơi đùa ở nhà khác hẳn với việc chơi đùa ở đồng ruộng, cánh bãi, đồi nương. Làm sao lũ trẻ ở nhà được chạy vun vút trên những ruộng lúa khi trổ đòng thơm phức hay ngan ngát hương khi vào độ chín. Làm sao chúng có được thú vui bắt châu chấu, cào cào, cua cá rồi nướng trên ngọn lửa rơm vàng và ăn thỏm lẻm ngay trên cánh đồng. Làm sao chúng được thoải mái tắm mưa giữa trời và cùng nhau té nước đọng trên những bãi cỏ xanh…” Đó là những câu văn mời gọi… “thả” trẻ về với thiên nhiên trong truyện dài “Nghé ọ Hai Xoáy” vừa lên kệ của cây bút viết cho thiếu nhi Phạm Anh Xuân. Và, “Sự tương tác và kết nối con người với thiên nhiên, nhất là với trẻ thơ, là điều rất quan trọng và không thể thay thế. Nếu rời xa thực tế - con người chỉ còn sống ảo”, tác giả Phạm Anh Xuân tâm huyết trò chuyện cùng Người Hà Nội.
PV:Giữa thời văn chương có phần “ế ẩm”, thế mà 6 năm qua anh chẳng e ngại “lội ngược dòng” cặm cụi làm thơ, viết truyện cho thiếu nhi?
Tác giả Phạm Anh Xuân: Thật vậy sao? Tôi có đang “lội ngược dòng” không nhỉ, hay tôi đang thuận theo lẽ tự nhiên? Thì vừa tròn tuổi 40 bỗng đâu cảm xúc thi ca trong “cậu bé” Xuân ùa về giục giã viết từng ngày, từng giờ, từng phút. Dường như những tứ thơ, những con chữ đều từ một mạch nguồn, sắp xếp từ trước và chỉ cần “cậu bé” Xuân tích cực viết (trên điện thoại) bất cứ lúc nào hay ở đâu rồi ngay lập tức “xuất bản” “tươi giòn” trên facebook, không phải để khoe khoang mà chỉ là “cậu bé” muốn chia sẻ với bạn bè sự nhung nhớ những tháng năm tuổi thơ trong veo của mình. Có những đợt viết nhiều quá, tôi đã tắt điện thoại để “buộc” mình nghỉ ngơi. Nhưng không hiểu sao có điều gì đó cứ thôi thúc, không cho phép dừng bút và thế là canh ba, canh tư lại vùng dậy mà viết những vần thơ cho con trẻ. Sau 6 năm cặm cụi viết, tôi đã “đánh số” được hơn 700 bài thơ và xuất bản được 4 tập: “Ấm êm ngộ nghĩnh”, “Tuổi thơ trong trẻo”, “Bởi vì yêu thương” và “Trồng nụ trồng hoa”. Ngoài ra tôi còn viết vài ba ca khúc nhưng vẫn e dè giữ cho riêng mình. 
Đến tuổi 45, vào một chiều đông năm 2021, lúc xã hội đang giãn cách vì dịch giã, mạch văn lại bất ngờ cuộn chảy, ùa về để “cậu bé” Xuân viết liền 4 tối và hoàn thành bản thảo truyện dài “Nghé ọ Hai Xoáy” để làm quà tặng các bé đón trăng thu 2022. Và thật mừng khi 4 tập thơ cùng truyện dài của tôi đều được các công ty Đông A, Đông Tây, Tân Việt mua bản quyền và phát hành. Tôi cũng thường xuyên bận rộn với những “đơn hàng” gửi đến xin chữ ký, thậm chí còn “tôi đi mua sách của tôi” (khi độc giả nhờ). 
Vốn là người yêu trẻ, thích đọc truyện, nghe nhạc thiếu nhi; nhưng đôi khi nhìn lại những điều đã làm tôi vẫn rất bất ngờ và thấy mình may mắn. Chính tôi đến giờ vẫn chưa thể lý giải được vì sao “cậu bé” Xuân đã đột nhiên xuất hiện, dẫn dắt tôi đến với văn chương, đến với trẻ thơ một cách tình cờ và tự nhiên như thế.
Phạm Anh Xuân  và cuộc mời gọi… “thả” trẻ  về với thiên nhiên!
Tác giả Phạm Anh Xuân trò chuyện cùng các em học sinh trường Thực nghiệm Hà Nội. Ảnh NVCC

PV:Vậy phải chăng tiếp tục thuận đà tự nhiên ấy mà anh mạnh dạn “rẽ dòng” thời đại công nghệ số để mời gọi các bậc phụ huynh hiện đại… “thả” trẻ về với thiên nhiên? 
Nhà thơ Phạm Anh Xuân: Tôi bắt đầu “gặp gỡ” trẻ thơ bằng bài thơ “Bình minh” với những câu thơ đong đầy nắng, gió, mây: “Đêm qua mưa lất phất/ Nên mặt trời ngủ quên/ Sáng nay em dậy sớm/ Hát gọi mặt trời lên/ Em hát gọi chị gió/ Gió thổi cơn mát lành/ Em hát gọi chú nắng/ Nắng tàn hàng cây xanh/ Cây hát reo hoa nở/ Rủ ong bướm về chơi/ Gió hát gọi chim đến/ Chim ca trong nắng vui/ Mây thấy trời rộn rã/ Cũng theo nhau về đây/ Em thấy trời đẹp quá/ Hát tưng bừng vui say”. Và, ở những trang văn của truyện dài đầu tay “Nghé ọ Hai Xoáy” cũng là những ráng đỏ hoàng hôn, trăng non, gió, sóng lúa: “Chúng cùng nhau ngắm mặt trời như một quả chín đỏ lựng từ từ chìm nhẹ xuống (…) Cái ráng đỏ cường tráng ấy khiến không gian như rộng lớn hơn, khoáng đạt hơn dưới vòm trời xanh ngắt loáng thoáng vài gợn mây cao. Những làn gió thì tuyệt mát khiến ngay cả đám cỏ bên đồi cũng reo vui. Tiếng rì rào của gió và sóng lúa ru lên từng hồi. Trăng non trắng bạc cong cong chênh chếch trên nền trời cao…”.
Những tứ thơ, câu văn ấy được tôi viết từ ký ức tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch nơi quê hương Phú Thọ dấu yêu; từ những lần bắt gặp những đứa con của mình reo vang tưởng tượng hình thù những đám mây qua cửa kính ô tô đang bon bon về quê để tôi nhận ra rằng dù ở thời nào thì con trẻ vẫn luôn dễ dàng bầu bạn với thiên nhiên. Và tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc biết bao khi được lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ cha; ngày ngày được cùng bè bạn hát những câu hát đồng dao rồi hòa mình vào thiên nhiên tươi xanh, rộng mở. Đó chính là nguồn năng lượng vô giá đã tiếp sức và nâng bước cho tôi phương trưởng; đã dạy cho tôi những điều hay lẽ phải, những kỹ năng sống khó lòng tìm thấy trong sách vở và nhất là đã che chở, sưởi ấm, vỗ về và nâng niu tâm hồn tôi trước những sóng gió cuộc đời. Thiên nhiên thật tuyệt phải không? Chắc chắn rằng không phải chỉ với riêng tôi mà với tất cả những ai đã từng được sống gần với núi đồi, đồng quê, biển đảo. Vậy thì tại sao tôi lại không quyết tâm mạnh dạn “rẽ dòng” để cất tiếng mời gọi mọi người đừng giới hạn trẻ trong những cái hộp bê tông cùng những smartphone, ipad, tiktok, facebook, zalo… mà hãy nhiệt tình “thả” trẻ về với thiên nhiên kia chứ? 
Phạm Anh Xuân  và cuộc mời gọi… “thả” trẻ  về với thiên nhiên!
gbfg
Phạm Anh Xuân  và cuộc mời gọi… “thả” trẻ  về với thiên nhiên!
bhtn
Phạm Anh Xuân  và cuộc mời gọi… “thả” trẻ  về với thiên nhiên!
4 tập thơ và truyện dài của tác giả Phạm Anh Xuân được trẻ em yêu thích. Ảnh NVCC

PV:Thế nhưng, để có thể thay đổi một thói quen, một nếp nghĩ vốn được cho là “thời thượng” thực chẳng dễ dàng, thưa anh?
Tác giả Phạm Anh Xuân: Đúng là để có thể mời gọi được sự đồng tình của người lớn - vốn lúc nào cũng bận rộn trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền - rồi bỗng ngừng lại để sực nhớ ra và dành thời gian dỗ dành con trẻ đang quen với không gian khép kín của ánh điện chói sáng đến với ánh trăng quê thanh mát; vốn quen với những ồn ào còi xe nơi phố thị đến với tiếng chim lích rích chuyền cành mỗi sớm mai… thì không thể là những bài thuyết giảng lý thuyết dài dằng dặc, khô cứng. Thế nên tôi đã chọn thơ, chọn văn và có thể tới đây sẽ là âm nhạc để viết nên những câu chuyện, tứ thơ, bài ca mà ở đó luôn chan hòa nắng, gió, mây…; luôn lóng lánh ánh mắt thần tiên; luôn rộn ràng và ăm ắp tiếng cười thơ trẻ… Tất nhiên, viết để đủ sức lay động và chạm vào cảm xúc của độc giả - với người lớn là những bổi hổi bồi hồi khi gặp lại ký ức tuổi thơ, với trẻ nhỏ là những thích thú, tò mò, hân hoan - tác giả phải viết bằng cả trái tim cùng tình yêu con trẻ không bao giờ vơi cạn. Vả lại tôi còn luôn cầu thị mỗi câu chữ được viết ra phải trong trẻo, dễ thương, dễ hiểu và nhất định phải thuần Việt, cố gắng tránh dùng tiếng địa phương, tiếng ngoại lai. Nhiều bài thơ tôi đã viết khá lâu hoặc tạm gác lại khi vấp phải nhịp vần chưa thể tìm được từ ngữ thuần Việt phù hợp. Liệu rằng tôi có đang bảo thủ giữa thời ngôn ngữ quốc tế hội nhập không nhỉ? Ồ không đâu, chỉ là tôi đang góp sức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt - một ngôn ngữ tuyệt đẹp - và không ngừng lan tỏa đến các em nhỏ. Bằng những nỗ lực ấy, tôi thật mừng vui khi đến nay hai tập thơ “Ấm êm ngộ nghĩnh”, “Tuổi thơ trong trẻo” có thể tính tới tái bản; còn các tập thơ “Bởi vì yêu thương”, “Trồng nụ trồng hoa” cũng phát hành rất tốt. Riêng tập truyện “Nghé ọ Hai Xoáy” dù mới xuất bản mà được độc giả rất quan tâm. Tôi cũng thường xuyên nhận được tương tác của độc giả không chỉ trong nước mà cả ở Đức, Áo, Pháp, Nhật Bản… Các bậc phụ huynh thì reo lên rằng lâu lắm rồi họ mới được gặp lại tuổi thơ của chính mình từ những trò chơi dân gian, câu hát đồng dao đến những dáng hình quê nhà thân thương neo nơi quả thị, hương ổi, cánh diều, dòng sông, cây cầu… Các em nhỏ ở nơi phố thị thì mắt tròn mắt dẹt nghe thơ, nghe truyện để rồi líu lo thắc mắc, líu lo đòi cha mẹ cho mình được về quê chơi với ruộng đồng, làng quê và làm chong chóng lá dứa, chơi kéo mo cau, chơi chuyền chơi chắt... Tôi đã thực sự xúc động khi được nghe không ít phụ huynh “than phiền” chuyện tối nào trước khi đi ngủ các bé cũng yêu cầu bố mẹ đọc thơ “bác” Xuân thì mới chịu thiêm thiếp trong những giấc mơ lấp lánh câu hát đồng dao. Tôi rất bất ngờ khi bài thơ “Đi học vui sao” được chọn in trong sách Tiếng Việt lớp 3 (bộ Kết nối tri thức); được nhận lời mời trò chuyện cùng các em học sinh Trường Thực nghiệm Hà Nội, Trường Vinschool và các cô giáo ở đây cũng đã chọn một số bài thơ của tôi để làm ngữ liệu giảng dạy môn tiếng Việt. Tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi có phụ huynh chia sẻ rằng: Trong hành lý xa xứ của gia đình, có những tập thơ của Phạm Anh Xuân để làm cẩm nang dạy tiếng Việt cho con của họ. Hay có một em bé sống ở Đức đã chọn dịch bài thơ “Tuổi thơ có bà” sang tiếng Đức để khoe với bạn bè quốc tế nét văn hóa đặc biệt của trẻ thơ Việt Nam… 
Phạm Anh Xuân  và cuộc mời gọi… “thả” trẻ  về với thiên nhiên!
Bài thơ “Đi học vui sao” của Phạm Anh Xuân được in trong sách Tiếng Việt lớp 3 tập 2 (Bộ Kết nối tri thức ).

PV:Thực là không có gì hạnh phúc hơn khi những đứa con tinh thần của mình được độc giả đón nhận, nâng niu như thế. Nhưng dường như “cậu bé” Xuân vốn lớn lên ở làng quê nên xem ra “cậu bé” ấy có phần sao nhãng thiên nhiên nơi phố thị?
Nhà thơ Phạm Anh Xuân: Đúng là trong “túi thơ” của tôi những bài thơ mang màu sắc đồng quê đậm nét, đông đảo và xôm tụ hơn. Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là “cậu bé”  Xuân sao nhãng thiên nhiên nơi phố thị đâu nhé. Bởi lẽ, len vào thiên nhiên xanh mát nơi đồng quê vẫn có mưa phố thị (Mưa bay vào nhà, Mưa ban mai), mây phố thị (Bé mây rửa mặt), bình minh phố thị (Câu chuyện của bình minh), gió phố thị (Bức tranh của gió), chú dế phố thị (Câu chuyện của dế con), sông hồ phố thị (Đi chơi hồ Gươm)… Tất nhiên, để dày dặn hơn, phong phú hơn, sau những câu thơ, trang văn được viết từ ký ức tuổi thơ đồng quê chắc chắn rằng những tháng năm thanh xuân gắn bó với phố thị (gần 30 năm ở Hà Nội) sẽ tiếp tục được “cậu bé” Xuân mã hóa bằng văn chương trong thời gian tới. Và, bên cạnh công việc, cuộc sống đời thường không ít bận rộn, nhọc nhằn, hành trình “bị quạt trần rơi trúng đầu” (theo cách lý giải của bạn bè) này luôn mang đến cho tôi niềm vui khó tả để tôi phải thầm cảm ơn “cậu bé” Xuân đã xuất hiện và đánh thức mạch nguồn tâm hồn văn chương trong trẻo của mình. Bởi thế, nếu lâu lâu chưa có “quà thơ” tặng các bé tôi lại thấy mình như mắc lỗi… Cũng có thể món quà ấy đôi khi chưa thực sự hoàn mỹ, nhưng đó là tất cả tấm lòng của một người yêu trẻ và luôn mong muốn được nhờ thi ca mở ra cho các em thấy được những điều tuyệt diệu của cuộc sống; từ đó cùng bồi đắp, dưỡng nuôi tâm hồn thánh thiện của trẻ thơ. Tôi tự đặt mục tiêu cho riêng mình: Thế giới trẻ thơ rực rỡ sắc màu, từng ngày, tôi viết về thế giới tươi đẹp ấy!
PV:Trân trọng cảm ơn nhà thơ Phạm Anh Xuân!

Miên Thảo