Chưa thấy cuốn sổ đỏ condotel nào có nguồn gốc đất dịch vụ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:29, 14/10/2018
Đây được xem là nhận định đáng chú ý của ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại cuộc họp tổng quan thị trường bất động sản quý III/2018 vào chiều 11/10.
Condotel vẫn chờ luật hoá (?!)
Theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Chí Thanh, condotel là cách gọi của nước ngoài, mang ý nghĩa là căn hộ khách sạn. Một sản phẩm sở hữu đầy đủ chức năng như một căn hộ để ở nhưng lại hoạt động như một khách sạn, có hệ thống đặt phòng và các tiện ích đi kèm như hồ bơi, nhà hàng, spa, dịch vụ phòng…
Hiện, trên thị trường có một số chủ đầu tư quảng bá dự án condotel của họ được cấp sổ đỏ sử dụng lâu dài. Thực tế, nguồn gốc của đất dự án là đất ở hay đất thương mại làm căn hộ khách sạn khi xây dựng condotel sẽ quyết định thời hạn “đầu ra” của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Một số chủ đầu tư vẫn quảng bá dự án “condotel” nhưng nguồn gốc như đất ở chung cư. Chính vì thế, người mua vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài. Trong khi, phần lớn sản phẩm “condotel” được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ, nguồn gốc đất không cho phép hình thành đơn vị ở. Khách hàng chỉ có quyền sử dụng tài sản trong thời hạn dự án (50 - 70 năm). Tính tới thời điểm hiện tại, tôi chưa nhìn thấy cuốn sổ đỏ nào của condotel có nguồn gốc quy hoạch là khu căn hộ khách sạn, dịch vụ” - ông Thanh cho hay.
Theo các chuyên gia, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, một số địa phương đã “hứa hẹn” cấp quyền sử dụng đất cho nhiều dự án condotel trên địa bàn mặc dù dòng sản phẩm này vẫn đang chờ quy định cụ thể. Việc tính các khoản thuế, phí cho Condotel được đánh giá chưa sát thực tế, sai quy định.
Khuyến nghị tạm dừng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng
Cũng theo thống kê sơ bộ của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dòng sản phẩm condotel 9 tháng qua, ghi nhận sự chững lại của cả nguồn cung và giao dịch. Đáng chú ý, trong quý III/2018, hầu hết ở các vùng phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Đà Nẵng không có nguồn cung mới cháo bán. Lượng giao dịch cả nược về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.
Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng “Then chốt nhất là do ngân hàng có động thái siết chặt nguồn vốn chảy vào bất động sản nghỉ dưỡng. Ngoài ra, sau một thời gian sốt nóng, giá bán cao từ 35 - 50 triệu đồng/m2, thậm chí vượt ngưỡng 70 triệu đồng/m2 nên nhà đầu tư F2 khó tạo thanh khoản khi chuyển nhượng”.
Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn đánh giá năng lực phát triển dự án loại hình bất động sản nghỉ dưỡng còn hạn chế. “Nhiều chủ đầu tư quảng bá các đơn vị quản lý vận hành đến từ những thương hiệu có tiếng. Tuy nhiên, thực tế quyền lợi của nhà đầu tư không đảm bảo hiệu quả. Kéo theo sự mất niềm tin ngắn hạn về phân khúc này.
“Việc đổ tiền quá nhiều vào condotel trong khi số lượng condotel lớn sẽ dẫn tới bội thực, cạnh tranh và cuối cùng là bội thực. Chủ đầu tư đã thu tiền một cụm, bản thân khách hàng cũng phải bỏ tiền vào đó một phần, tín dụng ngân hàng một phần. Đến khi chủ đầu tư "thất thủ", nói không thể trả tiền được, ngân hàng siết tài sản này, khách hàng có thể mất trắng. Ngân hàng ôm vào một mớ condotel không bán được cho ai. Khuyến nghị tạm dừng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng” - ông Đính nhấn mạnh.