Giữ sản xuất an toàn trong khu công nghiệp

Tin tức - Ngày đăng : 09:12, 17/02/2022

Dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, các khu công nghiệp và chế xuất của Hà Nội đã thu hút được 7 dự án mới và nhiều dự án điều chỉnh tăng quy mô đầu tư. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, năm 2022, Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì hoạt động sản xuất an toàn, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh.
Giữ sản xuất an toàn trong khu công nghiệp

Sản xuất đồ gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Viết Thành

- Năm 2021, Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đạt được những kết quả ra sao, thưa đồng chí?

- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã bám sát chỉ đạo của thành phố và 10 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) để xây dựng các chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tiễn. Trong đó, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu hút nhiều lao động, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ…

Kết quả, các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục thu hút được 7 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 26,9 triệu USD và 315 tỷ đồng; 23 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký 109 triệu USD và 2.039 tỷ đồng.

Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng bám sát diễn biến của dịch Covid-19, các chỉ đạo của trung ương và thành phố Hà Nội để xây dựng phương án duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đẩy mạnh cải cách hành chính… Nhờ vậy, kết quả doanh thu, số nộp ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội năm 2021 đều tăng khá so với năm 2020, qua đó góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

- Năm 2022, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để giữ ổn định sản xuất, kinh doanh, khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ có những giải pháp cụ thể nào nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao?

- Hiện trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với 701 doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước, thu hút gần 165.000 lao động.

Để ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, ngay sau khi thành phố bước sang giai đoạn “bình thường mới”, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm duy trì hoạt động sản xuất an toàn trong các khu công nghiệp.

Ngay trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lãnh đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp quán triệt, đôn đốc người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Cùng với việc rà soát danh sách số lao động đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 để lên kế hoạch tiêm mũi 3, Ban Quản lý cũng yêu cầu các chủ doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống người lao động… Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng tổ chức kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp để kịp thời nhắc nhở nếu có sự lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Chính vì vậy, sau kỳ nghỉ Tết, hơn 90% người lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất đã trở lại làm việc, góp phần duy trì hoạt động sản xuất an toàn ngay từ những ngày đầu năm.

- Với mục tiêu thành lập 2-5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025, ngay trong năm 2022, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ triển khai những việc làm cụ thể gì để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này?

- Năm 2022, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, trong đó, sẽ tiếp tục rà soát, làm tốt công tác quản lý, cấp phép tại các khu công nghiệp thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Cùng với đó, tập trung tham mưu xúc tiến việc thành lập và phát triển 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có quy hoạch, như: Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng (huyện Chương Mỹ), Khu công nghiệp Đông Anh (huyện Đông Anh), Khu công nghiệp Bắc Thường Tín và Phụng Hiệp (huyện Thường Tín) cùng các dự án phát triển công nghiệp… Phấn đấu thu hút đầu tư năm 2022 tối thiểu đạt từ 300 đến 400 triệu USD.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HNM