Cấm sử dụng nhà chung cư để kinh doanh: Lúng túng trong xử lý
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:19, 16/10/2018
Theo quy định của Luật Nhà ở ngày 25-11-2014, từ tháng 6-2016, sử dụng chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh, văn phòng, buôn bán, sản xuất... sẽ bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, dù đã 2 năm sau khi Luật Nhà ở đi vào cuộc sống, tình trạng trên vẫn tồn tại và bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình xử lý vì những chiêu thức đối phó tinh vi và thiếu chế tài, hướng dẫn thực tế.
Sử dụng căn hộ chung cư để ở vào mục đích kinh doanh, văn phòng, buôn bán, sản xuất... là vi phạm Luật Nhà ở (ảnh minh họa). Ảnh: Bá Hoạt |
Nhiều chiêu thức đối phó
Cho đến nay, tại Hà Nội, chưa có thống kê cụ thể về các căn hộ chung cư sử dụng không phải để ở. Tuy nhiên, hầu khắp các tòa nhà đều có các tổ chức, cá nhân hoạt động trái quy định của Luật Nhà ở.
Ghi nhận của phóng viên tại Chung cư N2A Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) cho thấy, hằng ngày ở đây luôn tấp nập người vào ra giao dịch và làm việc khiến sinh hoạt của các cư dân bị đảo lộn. Chị Nguyễn Huyền Trang, một cư dân ở đây cho biết, từ 7h30 sáng thang máy chung cư hoạt động liên tục gây chậm chạp, tắc nghẽn. Không những thế, việc xả rác bừa bãi, thiếu ý thức của nhiều người gây mất mỹ quan khu vực. Tương tự tại tòa nhà 17T1, 18T1, 18T2... Trung Hòa - Nhân Chính, xen kẽ căn hộ cư dân ở là các căn hộ được thuê làm văn phòng dày đặc. Chị Hoàng Thu Huyền ở tòa nhà 17T1 bức xúc: "Trung bình mỗi căn hộ có 4-6 người ở nhưng cho thuê văn phòng nên tăng gấp đôi, gấp 3 dân số, gây quá tải trầm trọng. Khó chịu nhất là gửi xe trong điều kiện tầng hầm lúc nào cũng kín chỗ; sân chơi chung trước tòa nhà cũng bị chiếm dụng".
Tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, tòa nhà Nơ 2,5,7 bán đảo Linh Đàm… (quận Hoàng Mai), các đơn vị dùng chiêu thức không gắn biển trước cửa nhưng vẫn hoạt động. Hoặc tại chung cư Intracom 2 Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm), việc cho thuê nhà ở làm văn phòng, kinh doanh khá phổ biến. Cụ thể là một cơ sở làm đẹp tiếp đón hàng chục khách mỗi ngày.
Một nhân viên môi giới văn phòng cho thuê ở quận Cầu Giấy bật mí: Việc thuê văn phòng ở các tòa nhà chung cư vẫn diễn ra. Nhưng chủ nhà và người thuê phải thỏa thuận, cam kết rõ ràng hơn trước, đó là không được treo biển tên đơn vị trước cửa và mọi hoạt động cần phải kín đáo hơn.
Lúng túng trong xử lý
Ảnh to - Việc thuê căn hộ chung cư làm văn phòng dễ dàng tìm thấy trên các trang web tìm kiếm. Ảnh nhỏ - Một cơ sở làm đẹp vẫn hoạt động tại tầng 4 chung cư Intracom 2 Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm). |
Tại Khoản 7, Điều 80 Nghị định 99/2015-CP ngày 20-10-2015 hướng dẫn thi hành một số điều về Luật Nhà ở quy định, các tổ chức, cá nhân được cấp đăng ký kinh doanh đã thuê trước thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là chung cư trong thời hạn 6 tháng. Quy định là vậy, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều đơn vị hoạt động trái luật, trong khi vẫn chưa có hướng dẫn các hình thức xử lý.
Khó khăn khiến chính quyền sở tại bất lực là sự chống đối của chủ nhà (bên cho thuê). Bà Phan Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, căn cứ vào văn bản chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy, UBND phường đã yêu cầu các đơn vị, chủ hộ thực hiện nghiêm túc theo quy định. Đồng thời, ra quân thí điểm kiểm tra, rà soát. Tuy nhiên, lực lượng của phường không thể tiếp cận được với chủ nhà. Trong khi đó, do không có chế tài xử phạt với người đi thuê cho nên đến thời điểm hiện tại, UBND phường Trung Hòa chưa thể xử phạt bất kỳ trường hợp vi phạm nào.
Theo bà Phan Thị Hải Yến, ngày 3-10-2017, UBND quận Cầu Giấy đã gửi văn bản đề xuất với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn bằng văn bản, chế tài xử lý cụ thể với các doanh nghiệp đặt trụ sở văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm giao dịch tại các căn hộ chung cư, mà cụ thể là chung cư NO5, Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng. Song, đến nay UBND phường Trung Hòa vẫn chưa nhận được hướng dẫn xử lý cụ thể nào.
Một khó khăn khác là chiêu đối phó của các đơn vị thuê văn phòng. Ông Trần Toàn Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực, trên địa bàn có 254 đơn vị thuê chung cư làm văn phòng. Sau năm 2016, UBND phường kiểm tra, rà soát, phát hiện 226 đơn vị không treo biển. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng các đơn vị không tuân thủ, UBND phường buộc phải đề nghị Chi cục Thuế quận Hoàng Mai xác minh, lập biên bản và làm thủ tục đóng mã số thuế theo quy trình ngành Thuế. Hiện tại, còn 28 đơn vị vẫn đang hoạt động. UBND phường tiếp tục có công văn đề nghị Chi cục Thuế Hoàng Mai phối hợp để xác minh các đơn vị hoạt động trái quy định, lập biên bản đề nghị đơn vị chuyển địa điểm, nếu cố tình sẽ xử lý theo quy định.
Ông Trần Toàn Thương cho biết, do không có chế tài xử lý với các đơn vị thuê nhà nên rất khó khăn trong quản lý. Ngoài ra, có nhiều đơn vị đối phó tinh vi bằng cách đăng ký địa chỉ cấp phép kinh doanh không cụ thể mà chỉ ghi: Số phòng, khu đất... nhằm tránh chữ chung cư.
Theo Điều 80 Nghị định 99/2015-CP, các đơn vị được gia hạn 6 tháng để sắp xếp việc di chuyển trụ sở ra khỏi chung cư, nếu không di chuyển sẽ bị rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, quy định và thực tiễn có vẻ chưa được khớp nối vì còn rất nhiều đơn vị vẫn hoạt động tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội. Trong khi đó, chính quyền sở tại ở nhiều quận, huyện vẫn còn mỗi nơi xử lý một cách khác nhau, chưa nhất quán, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, vậy nên mới có tình trạng lúng túng trong xử lý.