Cụm Di tích cấp Quốc gia xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm hại: Trách nhiệm của chính quyền sở tại ở đâu?

Tin tức - Ngày đăng : 10:08, 17/02/2022

Phóng viên Người Hà Nội đã từng phản ánh về việc Cụm Di tích cấp Quốc gia xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm hại.
Sau khi xác minh thông tin trong Đơn kêu cứu của Ban Khánh tiết đình – chùa  xã La Phù, huyện Hoài Đức phản ánh trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đình – chùa La Phù đang tồn tại nhiều công trình xây dựng xâm phạm đến khu vực bảo vệ di tích nhiều năm qua vẫn chưa được các cấp chính quyền liên quan giải quyết thỏa đáng, gồm: nhà văn hóa, trường học, chợ tạm và mới đây nhất là công trình nhà ở đang thi công của gia đình ông Nguyễn Đắc Trí xây dựng trong khu vực I đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, làm mất cảnh quan cho khu di tích, gây bức xúc trong dư luận và Nhân dân địa. Phóng viên Người Hà Nội đã liên lạc với Lãnh đạo UBND xã La Phù và UBND huyện Hoài Đức để tìm hiểu các vấn đề liên quan.

Cụm Di tích cấp Quốc gia xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm hại: Trách nhiệm của chính quyền sở tại ở đâu?
Bản đồ khoanh vùng bảo vệ khu di tích đình – chùa xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Trao đối với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa cho biết, UBND xã đã có chủ trương di dời khu chợ tạm ra một địa điểm khác phù hợp hơn. Còn đối với trường học và nhà văn hóa, chính quyền đã mượn để nhân dân sử dụng từ nhiều năm nay. Về công trình xây dựng nhà ở của gia đình ông Nguyễn Đắc Trí, ngay sau khi nhận được phản ánh của Ban khánh tiết, UBND xã đã ra quyết định yêu cầu gia đình ông Nguyễn Đắc Trí tạm dừng thi công công trình và chờ xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Cụm Di tích cấp Quốc gia xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm hại: Trách nhiệm của chính quyền sở tại ở đâu?
Chợ tạm, nhà trẻ, nhà văn hóa và công trình nhà ở của gia đình ông Nguyễn Đắc Trí đang “bủa vây” xung quanh khu di tích

Được biết, Cụm Di tích đình – chùa xã La, huyện Hoài Đức đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 191-VH/QĐ ngày 22/3/1988 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Tại di tích còn lưu giữ ít nhất gần 30 đạo sắc phong của các triều đại khác nhau. Trong khuôn viên Cụm di tích có 3 cây đa trên 500 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xếp hạng Cây di sản Việt Nam. Cả hai di tích này hiện do UBND huyện Hoài Đức quảng lý trực tiếp theo phân cấp của UBND Thành phố.

Cụm Di tích cấp Quốc gia xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm hại: Trách nhiệm của chính quyền sở tại ở đâu?
Cụm Di tích đình, chùa (Đình làng La Phù, Chùa Trung Hưng – Chùa Cả) có lịch sử hàng ngàn năm.

Phóng viên Người Hà Nội đã nhiều lần liên lạc đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức để trao đổi nắm bắt thông tin liên quan đến vụ việc. Song đều bị “khất” hết lần này đến lần khác với lý do bận họp hoặc bận triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19…

Ngày 26/10/2021, Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra chính phủ) đã có công văn số 2693/BTCDTW-TD1 về việc chuyển đơn của công dân gửi UBND huyện Hoài Đức đề nghị các cấp có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ việc một số hộ dân có hành vi lấn chiếm đất đai, xâm phạm Cụm Di tích đình – chùa tại xã La Phù, huyện Hoài Đức. Đồng thời đề nghị hoàn trả phần diện tích thuộc quyền quản lý của Cụm Di tích hiện nay chính quyền địa phương đang sử dụng để làm chợ tạm, nhà văn hóa và trường mầm non…

Cụm Di tích cấp Quốc gia xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm hại: Trách nhiệm của chính quyền sở tại ở đâu?
Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra chính phủ) đã có công văn số 2693/BTCDTW-TD1 gửi UBND huyện Hoài Đức đề nghị xem xét, kiểm tra và trả lời theo quy định.

Ngày 01/11/2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã có văn bản số 2758/SVHTT-QLDT về việc chuyển đơn thư liên quan đến di tích đình – chùa La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND xã La Phù kiểm tra, xem xét giải quyết và trả lời công dân theo thẩm quyền, báo cáo UBND Thành phố những vấn đề vượt cấp; thông báo kết quả giải quyết về Sở Văn hóa và Thể thao (thông qua Ban Quản lý di tích danh thắng) trước ngày 10/11/2021.

Tuy nhiên, đã gần hai tháng trôi qua, tính đến thời điểm hiện, các đơn vị liên quan vẫn chưa nhận được bất kỳ một văn bản phản hồi nào từ phía UBND huyện Hoài Đức.

Di sản văn hóa được ví như tài sản quý của dân tộc, nếu làm biến dạng hoặc mất đi thì bề sâu của văn hóa không còn nữa. Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, theo đó, hầu hết các di tích được phân cấp cho các quận, huyện, thị xã quản lý. Kính đề nghị các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan sớm đưa ra những giải pháp thỏa đáng bởi hơn lúc nào hết, bảo vệ di sản không bị xâm hại là trách nhiệm chung của cả các cơ quan quản lý và cộng đồng. Phóng viên Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về vấn đề này.

Ly Ly – Nguyễn Thành