“Ngày hội” của giới mỹ thuật Thủ đô
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:12, 18/10/2018
250 tác phẩm của 250 tác giả vừa được Hội Mỹ thuật Hà Nội giới thiệu với công chúng trong triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2018 diễn ra từ ngày 5 đến ngày 14/10/2018 tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, số 2, Hoa Lư, Hà Nội. Đây là hoạt động nghề nghiệp được các thế hệ họa sĩ Thủ đô mong đợi nhất trong năm và cũng là sự kiện văn hóa ý nghĩa chào mừng 64 năm ngày giải phóng Thủ đô.
Cắt băng khai mạc triển lãm Mỹ thuật Thủ đô - Ảnh: ĐT
Là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm giới thiệu kết quả hoạt động của mỹ thuật Thủ đô trong suốt một năm qua, triển lãm Mỹ thuật Thủ đô lần thứ 49 vẫn tiếp tục quy tụ được nhiều họa sĩ tên tuổi, những họa sĩ đã đi vào “độ chín” của nghề và cả những họa sĩ trẻ đang tràn đầy năng lượng. Sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các thế hệ họa sĩ đã “thổi” vào triển lãm những dáng vẻ riêng với nhiều phong cách, dấu ấn khác biệt.
250 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm đã được Hội đồng nghệ thuật chọn lựa sau nhiều vòng chấm chọn. Đây là những sáng tác mới nhất của các họa sĩ và cùng có một điểm chung đó là thể hiện tình yêu đối với hội họa, với đất nước, quê hương, và đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội.
Công chúng thưởng lãm các tác phẩm. Ảnh: ĐT
Không chỉ đa dạng về chất liệu (sơn mài, sơn dầu, lụa, acrylic, chất liệu tổng hợp…) các tác phẩm còn cho thấy sự phong phú về đề tài, khai thác nhiều khía cạnh trong đời sống, phong tục, lễ hội, đấu tranh cách mạng, sản xuất, chiến đấu và xây dựng đến các chân dung, phong cảnh, lễ hội dân gian, cuộc sống lao động và sản xuất… Xem triển lãm người xem như được ngược lên miền sơn cước qua những bức ảnh nên thơ lãng mạn về “Phiên chợ vùng cao”, “Hoa tam giác mạch”,“Câu chuyện vùng cao”, “Chiều thanh bình”, “Bà mế Bắc Hà”, “Thung lũng Đồng Văn”, “Phong cảnh Mộc Châu”, “Địu con”, “Về bản”, “Qua miền Tây Bắc”…; được hòa mình vào cuộc sống của người dân từ thị thành tới các miền quê qua “Nhịp điệu trên phố”, “Chợ sớm vùng cao”, “Thu trong vườn nhà tôi”, “Phố đêm”, “Bài ca xây dựng”, “Quê tôi”, “Biển gọi”, “Quê nội”…
Mảng tranh chủ đạo của triển lãm đó là tranh về đề tài Hà Nội. Hà Nội hiện lên sinh động trong từng bức vẽ, khi là phố xá thị thành (“Hà Nội phố”, “Phố Hà Nội”, “Phố cổ Hà Nội”, “Phố Hàng Giầy”…), lúc là vùng ngoại ô, nông thôn mới (“Chiều ngoại ô”, “Làng ven đô”, “Hồ sinh thái ngoại ô”, “Phong cảnh ngoại thành”, “Ngày mới ven đô”, “Ba Vì quê tôi”; khi là di tích, danh thắng (“Hồ Gươm trong mưa, “Khúc sông quê Cổ Đô”, “Sen Hồ Tây”, “Chùa Bút Tháp”…), lúc là nhịp sống đời thường (“Mưu sinh phố cổ Hà Nội”, “Phố nhỏ, ngõ nhỏ”, “Lễ hội làng Miêu Nha”, “Đường tàu qua phố”, “Đêm dưới cầu Long Biên”…). Và đặc biệt những bức vẽ về ký ức một thời đã qua như (“Phong cảnh xứ Bắc Kỳ”, “Hà Nội những ngày Điện Biên Phủ trên không”, “Hà Nội những ngày đầu cuộc chiến”, “Tự vệ Hà Nội”…) cũng đã mang tới cho người xem nhiều xúc cảm. Qua từng nét cọ, người xem có thể cảm thấy nét hào hoa, thanh lịch, sự thân thiện của người Hà Nội hôm nay, cũng như bước chuyển mình của Thủ đô trong bối cảnh hội nhập và phát triển… Mỗi bức vẽ như một minh chứng cho thấy tình yêu với Hà Nội, với hội họa, cảm xúc sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ luôn ăm ắp.
Tác phẩm Bình yên - lụa của họa sĩ DƯƠNG THỊ HÒA
Họa sĩ Phạm Kim Bình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội đánh giá: “Có thể thấy mỗi tác phẩm tham gia triển lãm đều được các họa sĩ đã dồn nhiều tâm huyết. Nhiều bức tranh tạo hình công phu, có ngôn ngữ hội họa biểu cảm. Các tác giả trẻ đã thể hiện bản lĩnh sáng tạo và cách nhìn cuộc sống trẻ trung, tươi mới. Với đề tài phong phú, các họa sĩ được mở rộng biên độ sáng tác, chính vì thế nội dung tác phẩm có nhiều đổi mới. Điều đặc biệt của triển lãm năm nay là mảng tranh sơn mài có chất lượng cao cả về nghệ thuật và kỹ thuật thể hiện. Mảng điêu khắc được sáng tác trên các chất liệu gỗ, gốm, sắt hàn… chủ yếu là các tượng tròn, tượng salon với ngôn ngữ biểu đạt hiện đại cũng đã thể hiện được muôn mặt cuộc sống của người dân Thủ đô, góp phần làm nên thành công của triển lãm.”
Có thể thấy rõ với tình yêu Hà Nội và trách nhiệm công dân, các tác giả đã cống hiến cho công chúng yêu mỹ thuật Thủ đô một phòng tranh rực rỡ sắc màu và đa dạng về phong cách biểu hiện. Nói như nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo thì: “Triển lãm mỹ thuật Thủ đô có thể coi là một ngày hội lớn, không chỉ riêng của các nghệ sĩ tạo hình mà cả của công chúng yêu nghệ thuật. Qua từng tác phẩm có thể thấy các tác giả gắn rất chặt với cuộc sống. Triển lãm đa dạng về sắc màu, nhiều phong cách và nội dung cũng rất phong phú”.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của Hội Mỹ thuật Hà Nội trong việc tổ chức triển lãm. Theo ông, đây là một hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa của giới văn học nghệ thuật Thủ đô nói chung, giới nghệ sĩ tạo hình Hà Nội nói riêng, trong dịp kỷ niệm những ngày tháng đầy ý nghĩa của Thủ đô Hà Nội. “Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô được tổ chức thường niên đã trở thành nơi hội tụ của các họa sĩ, điêu khắc Hà Nội, trưng bày những sáng tác mới nhất của các tác giả đã trở thành truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa Thủ đô” - NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.