ThS Nguyễn Thị Hoa, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra: Sẵn sàng đối đầu với mọi áp lực
Tin tức - Ngày đăng : 10:23, 20/10/2018
Trưởng thành từ Báo Thanh tra, chị được bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra, được giao phụ trách ấn phẩm Thanh tra in và Thanh tra điện tử, phụ trách Phòng Phóng viên & Biên tập. Qua đó, hàng loạt tin, bài về hoạt động ngành, về những vấn đề xã hội được cập nhật thường xuyên. Những bài viết theo kết luận thanh tra đã tạo được những phong cách mới, không liệt kê, dài dòng nhưng lại nêu bật được các vấn đề trong kết luận mà dư luận xã hội đang quan tâm.
Nhờ vậy mà lượng tin, bài trên Tạp chí Thanh tra điện tử ngày càng phong phú, đa dạng, được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Chị Hoa cho biết, nghề báo được coi là nghề “nguy hiểm” dù được ví là “quyền lực thứ tư”. Thời gian, giờ giấc làm việc của người làm báo không thể tính bằng giờ hành chính, cũng chẳng phải 8 tiếng một ngày như người khác. Để có những bài báo sắc sảo, nóng hổi và thực tế đòi hỏi người làm báo phải đi nhiều, gặp nhiều, lăn lộn với cơ sở.
Với phụ nữ, chọn nghề báo là đã gánh lên vai một gánh nặng. Một đầu là áp lực công việc, là trách nhiệm đối với bạn đọc, với xã hội... là đấu tranh loại bỏ cái xấu, xây dựng những điều tốt đẹp bằng cái tâm trong sáng, công bằng của người cầm bút; còn đầu kia là trách nhiệm với gia đình, nuôi dạy con cái. Ngoài sự thi vị, đầy lãng mạn, nghề báo còn rất gian truân, vất vả, phải chịu những thử thách hiểm nguy của nghề.
Ấy vậy mà chị Hoa luôn cân bằng được giữa hai đầu áp lực. Là Phó Tổng Biên tập, trực tiếp phụ trách ấn phẩm Thanh tra in và Thanh tra điện tử, ngoài chỉ đạo, điều hành, chị còn chủ động cùng phóng viên đi xác minh, thực hiện các loạt bài điều tra theo đơn thư bạn đọc. Nhiều loạt bài được đăng tải trên Thanh tra điện tử đã thu hút sự quan tâm rất lớn của bạn đọc.
Chị vẫn thường nghĩ, làm phóng viên, biên tập viên báo chí ngành Thanh tra đã khó, làm lãnh đạo còn khó hơn gấp bội. Bởi, báo chí là tiếng nói của ngành nên để biên tập tin, bài liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng cần phải chặt chẽ, cẩn trọng từng câu chữ. Ngoài nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, người lãnh đạo cơ quan báo chí ngành còn phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan chủ quản.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoa cho biết, đã gắn bó với nghề báo được 18 năm, trong đó có gần 10 năm là báo chí ngành Thanh tra, chị thấy mình từng bước trưởng thành. Thời gian tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ giúp chị hiểu thêm về ngành Thanh tra, về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thông cảm với sự vất vả và những nỗi niềm của những người là “tai mắt của trên, là bạn của dưới”.
“Với tôi, gần 10 năm được sống trong môi trường báo chí ngành Thanh tra, từ trực tiếp viết tin, bài, rồi đến khi làm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nội dung, chưa bao giờ tôi thôi trăn trở với những câu hỏi đơn giản là phải viết gì, viết như thế nào, viết cho bạn đọc hiểu, viết cho đối tượng bị phê bình có cơ hội làm lại… mà để trả lời cho hết thì giống như duyên nợ, không dứt ra được. Để rồi sau mỗi bài viết, mỗi loạt bài cùng phóng viên tác nghiệp... lại là động lực giúp tôi yêu và gắn bó với nghề hơn”, chị Hoa chia sẻ.
Cũng theo chị Hoa, làm báo với đấng mày râu đã khó, với phụ nữ làm báo ngành Thanh tra còn khó, khắc nghiệt hơn. Người làm báo ngành Thanh tra cần có bản lĩnh, sự trung thực, dũng cảm, lòng nhân ái cùng sự am hiểu về các quy định của pháp luật nói chung và ngành Thanh tra nói riêng. Công việc đòi hỏi họ phải chủ động tìm tòi, tiếp cận kiến thức mới, cả về lý luận chính trị lẫn chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng tự hoàn thiện mình trong văn hóa thanh tra.
Là một người đa năng, ngoài làm công tác chuyên môn, chị còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Cơ quan Thanh tra Chính phủ. Chị được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Công đoàn Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2018 - 2023, là Trưởng Ban Nữ công, Trưởng Tiểu ban Văn hóa. Ngoài ra, chị cũng là giọng ca vàng xuất sắc, được toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ yêu quý.
Trong vai trò Phó Chủ tịch Công đoàn, chị cùng các thành viên Ban Chấp hành Công đoàn chăm lo đến quyền lợi của đoàn viên Công đoàn và người lao động trong Cơ quan Thanh tra Chính phủ; nghiêm túc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và thực hiện văn hóa thanh tra, nếp sống văn hóa công sở, xây dựng cơ quan văn hóa.
Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ở cơ quan, đơn vị; phối hợp với Văn phòng Thanh tra Chính phủ và các đơn vị liên quan đề xuất, kiến nghị việc quản lý, sử dụng nhà luyện tập thể thao; vận động đoàn viên ủng hộ, duy trì bếp ăn tập thể, không để đoàn viên phải ăn trưa bên ngoài.
Bên cạnh đó, phong trào thể dục thể thao, các hoạt động văn hóa văn nghệ của Cơ quan Thanh tra Chính phủ thường xuyên được chị quan tâm, cổ vũ, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức.
Đồng thời, chị còn tham gia phát động phong trào nữ công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; triển khai các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và chuẩn bị các công tác để tổ chức tốt Ngày Thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10), với mong muốn tạo sự đoàn kết, gắn bó, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Gương mặt phúc hậu với nụ cười tươi luôn thường trực trên môi, đã khiến tôi cũng như bất kỳ ai từng gặp chị đều không nghĩ người phụ nữ này lại chọn nghề làm báo mà còn là tờ báo của ngành Thanh tra, đầy gian nan, vất vả, hiểm nguy để dấn thân. Chỉ khi thấy chị đắm chìm vào công việc mới thấy rằng người phụ nữ Việt Nam quả thật "vừa hồng, vừa chuyên"!