Các nhà hát nghệ thuật của Hà Nội: Năng động để thu hút khán giả
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:49, 21/10/2018
Cũng như nhiều đơn vị trên cả nước, các nhà hát nghệ thuật của Hà Nội đang đứng trước yêu cầu tự chủ tài chính. Họ buộc phải sáng tạo, vận động để tạo ra những chương trình chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thu hút khán giả, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Xây dựng những chương trình nghệ thuật chất lượng là hướng đi cho các nhà hát hiện nay. |
Tìm tòi để phát triển
Hiện trên địa bàn thành phố có 6 đơn vị biểu diễn nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, gồm Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội. Những năm gần đây, các nhà hát này hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa cho nhân dân thông qua việc dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật.
Điển hình là Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn tìm tòi để phát triển, dù đã tự chủ tài chính, “sống khỏe” khi “sáng đèn” suốt năm. Ban lãnh đạo nhà hát luôn xác định, ngoài việc quảng bá nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam thì việc phục vụ khán giả Thủ đô cũng rất quan trọng.
“Khán giả Thủ đô phải được thưởng thức những chương trình nghệ thuật mới nhất, đặc sắc nhất. Chúng tôi đã xây dựng các chương trình dưới dạng “sitcom” (vở ngắn, dài kỳ), kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật hiện đại, diễn vào dịp cuối tuần để tạo thói quen cho khán giả”, Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, Quyền Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết.
Mới đây, nhà hát này gây tiếng vang tại Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 5 - Hà Nội 2018 (diễn ra từ ngày 8 đến 15-10) khi giành Huy chương bạc, Giải đạo diễn xuất sắc nhất và nhiều Huy chương vàng, bạc cho các diễn viên với vở múa rối nước kết hợp rối cạn “Công chúa tóc mây”.
Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng thường xuyên dàn dựng các vở diễn mới về đề tài Hà Nội xưa và nay để phục vụ nhân dân. Vở “Những tấm lòng vàng” của Nhà hát Cải lương Hà Nội là điểm sáng sân khấu khi giành Huy chương bạc tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018 - diễn ra tại Long An tháng 9 vừa qua. Vở “Ai đo được lòng người” của nhà hát này mới ra mắt cũng nhận được lời khen ngợi của khán giả.
Còn Nhà hát Kịch Hà Nội, sau khi giành Huy chương vàng tại Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2018 tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 4-2018 với vở “Vùng lạnh”, lại tập trung dàn dựng vở “Ngôi nhà trong thành phố” để tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 3 - diễn ra tháng 11 tới...
Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chịu sức ép không nhỏ để trụ vững trong bối cảnh bùng nổ show âm nhạc. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này hướng đến việc dàn dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao để thu hút khán giả. Chương trình “Hà Nội xưa và nay”, “Tình em” lần lượt ra đời, tạo dấu ấn trong đời sống âm nhạc. Chương trình “Hà Nội, ngày… tháng… năm” được trao Huy chương vàng tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 - diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 8, khẳng định nội lực của đơn vị này.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến hết tháng 9-2018, các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô đã tổ chức gần 2.200 buổi biểu diễn, phục vụ hơn 700 nghìn lượt khán giả, doanh thu đạt gần 40 tỷ đồng. Con số này gần “chạm” mục tiêu của thành phố là đến năm 2020, mỗi năm có 15-20 vở diễn mới, 3.500-4.000 buổi diễn nghệ thuật, đạt doanh thu 5 triệu USD.
Vận động nhiều hơn nữa
Tuy nhiên, hướng đến mục tiêu lớn hơn, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, khẳng định vị trí hàng đầu trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật của cả nước thì các đơn vị nghệ thuật Hà Nội phải vận động nhiều hơn nữa.
Về sự năng động để đáp ứng nhu cầu của khán giả, Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn được xếp hàng đầu. Lịch diễn của nhà hát được cập nhật liên tục trên website và Facebook. Đơn vị này mới đây đã đưa vào hoạt động hệ thống bán vé điện tử. Với hình thức này, khán giả có thể tự chọn ngày, giờ, chỗ ngồi xem biểu diễn và sau đó thanh toán trực tiếp bằng thẻ ngân hàng.
Nhà hát Cải lương Hà Nội và Nhà hát Chèo Hà Nội cũng cập nhật đầy đủ lịch diễn, chỉ dẫn mua vé và đưa thông tin hoạt động của đơn vị mình lên website và Facebook. Tuy nhiên, Nhà hát Kịch Hà Nội nhiều tháng nay không cập nhật thông tin hoạt động và lịch diễn. Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội khá im ắng, thậm chí không có website hay trang thông tin trên Facebook.
Khán giả ngày nay có thói quen tìm kiếm thông tin và lựa chọn hình thức giải trí qua các thiết bị thông minh nên các đơn vị nghệ thuật cần nhanh nhạy nắm bắt điều này. Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh, quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội nhận định, tương tác với khán giả trên mạng internet là cách nhanh nhất để tìm hiểu thị hiếu của công chúng, từ đó xác định hướng đi phù hợp.
Theo Nghệ sĩ ưu tú Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, điều quan trọng đối với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn là phải tìm cách bảo đảm đời sống cho nghệ sĩ. Muốn vậy, không cách nào khác là đầu tư dàn dựng chương trình vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính giải trí thật đặc sắc.