Tiệc nghệ thuật múa rối quốc tế
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 12:44, 22/10/2018
Từ ngày 8 đến 15/10/2018, Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ V - Hà Nội 2018 đã chiêu đãi khán giả Thủ đô tiệc nghệ thuật múa rối quốc tế đặc sắc. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ múa rối trong nước được so tài với bạn bè quốc tế.
Liên hoan năm nay có sự tham dự của 7 đơn vị quốc tế: Campuchia, Lào, Philippines, Thái Lan, Wallonie Bruxelles (Vương quốc Bỉ), Pháp, Brasil và 4 đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp trong nước: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Múa rối TP.Hồ Chí Minh. Hội đồng nghệ thuật của liên hoan gồm những nghệ sĩ, nhà quản lý uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật múa rối đến từ Việt Nam và quốc tế: NSND Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cùng các thành viên: NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long; bà Marina Palma Castillo - Giám đốc Liên hoan Sân khấu múa rối quốc tế Titirimundi đến từ Tây Ban Nha; ông Rod Petrovic - Giám đốc Lễ hội múa rối thế giới đến từ Cộng hòa Séc và ông Tan Qing Song - Giám đốc Nhà hát múa rối Hồ Nam đến từ Trung Quốc.
Tiết mục rối nước kết hợp rối cạn “Công chúa tóc mây” của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ảnh: HT
12 tiết mục dự thi (trong khoảng thời gian 30 – 40 phút) gồm các thể loại rối que, rối tay, rối đen, rối bóng, rối mặt nạ... của các đơn vị nghệ thuật được trình diễn miễn phí đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả Thủ đô. Các nghệ sĩ quốc tế đã đem đến liên hoan những màn trình độc diễn đặc sắc cũng như những tiết mục giới thiêu văn hóa của đất nước, dân tộc mình. Đặc biệt, dịp này, thể loại rối nước truyền thống đặc sắc của Việt Nam được Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Đoàn Nghệ thuật Múa rối TP. Hồ Chí Minh cùng khoe với bạn bè quốc tế.
Trong đó, tiết mục “Công chúa tóc mây” (tác giả: Bạch Quốc Khanh, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Phương Nhi – Bạch Quốc Khanh) của Nhà hát Múa rối Thăng Long là sự kết hợp đặc sắc giữa rối nước và rối cạn. Mượn những nhân vật cổ tích như công chúa tóc mây, chàng hoàng tử mắt to, nàng tiên cá, phù thủy... “Công chúa tóc mây” kể câu chuyện rất thời sự: câu chuyện biến đổi khí hậu trên trái đất. Trong cuộc hành trình cùng chó con ngược lên thượng nguồn và được tận mắt nhìn thấy những tảng băng trôi, cây cối héo hắt, không khí ảm đạm... nàng công chúa tóc mây đã gặp và cứu sống chàng hoàng tử mắt to. Chàng hoàng tử mắt to vừa gặp nạn khi cả vương quốc của chàng gặp hỏa hoạn và bị mụ phù thủy chiếm giữ. Thế là nàng công chúa tóc mây đã cùng chàng hoàng tử trở về chiến đấu với mụ phù thủy, giành lại vương quốc. Có lẽ câu chuyện của “Công chúa tóc mây” sẽ không thực sự đặc sắc nếu như chỉ dừng lại ở những chỉ tiết nặng kể lể. Thế nhưng, bằng cách kể sinh động, biến hóa của nghệ thuật rối nước và rối cạn cũng như sự đan cài khéo léo những thông điệp vừa thời sự vừa nhân văn, “Công chúa tóc mây” đã thực sự cuốn hút khán giả, có lúc là những tiếng cười thích thú; cũng có khi là những tràng pháo tay tán thưởng và còn có cả những nốt lặng đáng ngẫm ngợi... Và để có được hiệu quả nghệ thuật ấy không thể không kể đến tài năng, tâm huyết của các nghệ sĩ Ngô Thị Hiên, Hàn Thị Phương Thanh, Trần Thanh Hiếu, Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thị Thu Giang, Nguyễn Văn Phức, Nguyễn Đăng Nhân, Nguyễn Xuân Long... cũng như những ý tưởng sáng tạo khi kết hợp rối nước và rối cạn không dễ dàng gì của hai đạo diễn: NSƯT Nguyễn Phương Nhi, Bạch Quốc Khanh.
Dịp này, Nhà hát Múa rối Việt Nam khoe vở rối nước “Trê và Cóc” (tác giả: Hoàng Nhân, đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng). Từ câu chuyện đồng thoại vợ chồng trê trộm con nhà cóc về nuôi vì cho rằng làm gì có chuyện con nhà cóc mà lại có đuôi, vở rối nước đã khéo léo gửi gắm những thông điệp đầy ý nghĩa về tình mẫu tử, cách ăn ở với hàng xóm láng giềng và nhất là những sách nhiễu ở nơi cửa quan… Câu chuyện được các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam kể một cách nhuần nhị, sống động với từng động tác, cử chỉ của nhân vật.
Trong khi đó, Đoàn múa rối rồng phương Nam – Nhà hát Nghệ thuật phương Nam đã đem đến cho liên hoan tiết mục rối nước “Sông nước phương Nam”, giới thiệu những nét văn hóa, sinh hoạt đặc sắc của người phương Nam như chợ nổi trên sông, mùa len trâu, sen Tháp Mười, tràm chim, múa mâm vàng. Khi đó, qua lời kể của anh Hai Lúa, hòa trong câu hò, điệu lý, nghệ thuật múa rối nước được thực hành một cách lung linh, ngọt ngào.
Cùng với các buổi dự thi,liên hoan năm nay còn có 3 chương trình biểu diễn phục vụ khán giả Hà Nội, Vĩnh Phúc và Ninh Bình; những chuyến đi thực tế tại Tây Thiên – Vĩnh Phúc, tìm hiểu về văn hóa tâm linh, đạo Mẫu Việt Nam và danh thắng Tràng An – Ninh Bình; buổi workshop để các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế giới thiệu về những nét đặc sắc trong nghệ thuật rối và giao lưu văn hóa bản địa. "Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa đa dạng của các dân tộc, quốc gia trên thế giới thông qua nghệ thuật múa rối và cũng là dịp để các nghệ sĩ múa rối trong và ngoài nước thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa..." - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải nhấn mạnh.